November 20, 2020 | 08:54 GMT+7

Nỗ lực cuộc chiến bịt "lỗ hổng" trong thu thuế thương mại điện tử

Tú Anh

Nhiều tổ chức, cá nhân trong thời gian qua kiếm được thu nhập không nhỏ từ kinh doanh qua mạng nhưng chưa bị truy thu thuế

Hệ thống thuế chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, đã bộc lộ nhiều "lỗ hổng", khiến các doanh nghiệp công nghệ lợi dụng chỉ trả mức thuế rất thấp, hoặc không phải trả bất cứ đồng thuế nào trong khi thu được lợi nhuận khổng lồ. 

Hình thức kinh doanh thương mại điện tử đa dạng trên nhiều nền tảng, xuyên biên giới, phát triển nhanh đòi hỏi cơ chế chính sách, công tác quản lý phải theo kịp được sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử.

Facebook và Google, hai gã khổng lồ trong lĩnh vực internet đến từ Mỹ, đã và đang thực hiện hoạt động kinh doanh quảng cáo tại Việt Nam. Chỉ riêng hai ông lớn này đã chiếm tới 70% thị phần, thống trị thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ thuế, gây thất thu nguồn thuế khổng lồ cho Nhà nước và làm thiệt hại thị phần của các doanh nghiệp trong nước. 

Bên cạnh đó, rất khó kiểm soát nội dung quảng cáo, hay ngăn chặn tình trạng chảy máu doanh thu quảng cáo ra nước ngoài. Nhiều tổ chức, cá nhân trong thời gian qua kiếm được thu nhập không nhỏ từ kinh doanh qua mạng nhưng cũng chưa bị truy thu thuế. 

CẦN SIẾT CHẶT QUẢN LÝ THUẾ

Trước đà phát triển mạnh mẽ của công nghệ, TS. Nguyễn Thanh Huyền, đại diện Ủy ban Chứng khoán nhà nước nhận định "Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên thúc đẩy công nghệ, trong đó những phát triển và đổi mới đang xảy ra với một tốc độ chưa từng thấy trước đây". Khi công nghệ hợp nhất với nền kinh tế tạo ra sự phát triển của nền kinh tế số và tạo ra sự thăng hoa cho các doanh nghiệp khi bắt kịp làn sóng đổi mới. Tuy nhiên, trong nền kinh tế số, tài sản vô hình ngày càng gia tăng giá trị dẫn đến tránh thuế bằng cách chuyển các tài sản đó sang các quốc gia có thuế thấp hoặc các thiên đường thuế đã trở nên dễ dàng.

"Do tính chất đặc thù của hoạt động kinh doanh kỹ thuật số khác với kinh doanh truyền thống, như quy mô hoạt động rộng trên môi trường Internet có tính phi biên giới; dễ dàng thay đổi, che giấu thông tin... Vì vậy, những loại hình kinh doanh mới như tiền ảo, tài sản kỹ thuật số, cung cấp dịch vụ quảng cáo trên ứng dụng phần mềm, kết nối vận tải bằng phương tiện điện tử... đang khiến ngành thuế khó phân loại những ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế", bà Huyền phân tích. Đây là một thách thức rất lớn đối với các chính sách quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh TMĐT tại Việt Nam trong cuộc chiến chống thất thu thuế.

Trên thực tế, Việt Nam đã tiến hành thu thuế dịch vụ kỹ thuật số nhưng chưa triệt để, nhất là đối với các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài. Trong khi, các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam đang phải nộp hai loại thuế là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài tại Việt Nam mới chỉ phải nộp thuế nhà thầu.

Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế cho biết, ngành thuế đã có nhiều giải pháp để chủ động quản lý. Cụ thể, Tổng cục Thuế tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý thuế số 38 có hiệu lực từ 1/7/2020. Theo đó, để đấu tranh phòng chống gian lận qua hoạt động thương mại điện tử, luật đã quy định nhiệm vụ, chức năng, quy tắc phối hợp giữa các bộ, ban, ngành. 

Trong đó, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ cung cấp, phối hợp để chuyển dữ liệu thông tin và biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh qua mạng cho cơ quan thuế. Cùng với đó, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp tất cả dữ liệu mua bán hàng hóa khi được cơ quan thuế đề nghị. Trên cơ sở này, ngành thuế đã hoàn thiện cơ chế quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.  

Cán bộ thuế sẽ thông qua cổng thông tin điện tử để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát mà không cần phải xuất hiện tại trụ sở doanh nghiệp. Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế ban hành tháng 10 vừa qua cũng ghi rõ tại Điều 26, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế. Trong đó, cơ quan đăng ký kinh doanh phải gửi thông tin cấp mới; thay đổi; tạm ngừng kinh doanh; tiếp tục hoạt động sau tạm ngừng kinh doanh; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp... cho cơ quan quản lý thuế.

SỐ THUẾ KÊ KHAI NGÀY CÀNG TĂNG

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử chủ yếu xuất hiện ở Hà Nội và Tp. HCM, là hai địa bàn có nền tảng công nghệ thông tin phát triển, đặc biệt doanh thu từ thương mại điện tử nhảy vọt trong thời kỳ Covid. Ông Vũ Mạnh Cường cho hay, ngành thuế đã chủ động tuyên truyền đến các cá nhân, tổ chức. Riêng tại Hà Nội, từ năm 2017 đến nay, cơ quan thuế đã rà soát và gửi tin nhắn thông báo, hướng dẫn tới 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng. Đến thời điểm hiện tại, có trên 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế để kê khai, nộp thuế. 

Cơ quan thuế cũng chủ động đề nghị 45 ngân hàng thương mại cung cấp dữ liệu thông tin để xây dựng dữ liệu quản lý thuế. Theo dữ liệu do các ngân hàng cung cấp, số lượng tổ chức, cá nhân mở tài khoản tại các ngân hàng là 18.304. Tổng số thu nhập ghi nhận từ các trang mạng xã hội Google, Facebook, Youtube là hơn 1.462 tỷ đồng. 

Qua tuyên truyền, hướng dẫn kê khai, nộp thuế của cơ quan thuế, tổ chức, cá nhân đã tự giác thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Cùng với đó, qua thanh kiểm tra, cơ quan thuế đã thu nộp vào ngân sách gần 14 tỷ đồng tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp. Riêng đối với hoạt động cho thuê nhà thông qua các ứng dụng điện tử, cơ quan thuế đã xác định được doanh thu của hoạt động này trong những tháng đầu năm 2020 là trên 5.000 tỷ đồng, tăng thu khoảng 93 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. 

Tại Hà Nội, Cục Thuế Thành phố đang xây dựng dữ liệu về các cá nhân, tổ chức bán hàng online thông qua công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp và phối hợp với các đơn vị có liên quan đến hoạt động bán hàng qua mạng. Tính đến cuối tháng 10, đã có 225 cá nhân hoạt động cung cấp sản phẩm ứng dụng, sản phẩm nội dung tại các khu vực ứng dụng Google Play, Apple Store..., thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế, với tổng doanh thu trên 1.161 tỷ đồng, số tiền thuế, tiền chậm nộp đã nộp ngân sách nhà nước hơn 67,2 tỷ đồng. 

Cũng thông qua công tác rà soát, phối hợp, Cục Thuế Thành phố đã tiến hành thu thập thông tin, xác định danh tính bên cho thuê nhà thông qua ứng dụng như Agoda, Booking.com, Airbnb..., từ đó xây dựng, phân tích dữ liệu, hướng dẫn các cá nhân kinh doanh thực hiện nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp thuế. Tính đến thời điểm này số thuế cá nhân đã nộp ngân sách nhà nước gần 94 tỷ đồng. Đại diện Cục Thuế Tp.Hà Nội đề nghị, để công tác quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử mang lại hiệu quả cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, các cơ quan chức năng cùng xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, rõ ràng làm cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện và tuân thủ. 

Hiện các Cục thuế đang tiếp tục có văn bản gửi các ngân hàng thương mại đề nghị cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân có thu nhập từ cung cấp dịch vụ trên các trang mạng xã hội nước ngoài để thực hiện quản lý thuế. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh thanh kiểm tra đối với người nộp thuế không tự giác kê khai thuế sau khi đã được tuyên truyền, hướng dẫn. Đối với trường hợp chây ỳ, sẽ phối hợp với cơ quan công an xác minh thông tin để có biện pháp quản lý kịp thời. Đối với hoạt động có quy mô lớn, đặc thù, cơ quan thuế sẽ phối hợp Cục An ninh phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Vũ Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra thuế, Tổng cục Thuế

Ngành thuế đã chủ động tuyên truyền đến các cá nhân, tổ chức. Riêng tại Tp.Hà Nội, từ năm 2017 đến nay, cơ quan thuế đã rà soát và gửi tin nhắn thông báo, hướng dẫn tới 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động kinh doanh bán hàng qua mạng. Đến thời điểm hiện tại, có trên 2.000 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số thuế để kê khai, nộp thuế. Cơ quan thuế cũng đã chủ động đề nghị 45 ngân hàng thương mại cung cấp dữ liệu thông tin để xây dựng dữ liệu quản lý thuế. Hiện Tổng cục Thuế đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để thu thập dữ liệu đối với các tài khoản có giao dịch xuyên biên giới".


Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate