Phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Công nghệ Quốc tế iTech Expo 2024 với chủ đề “Công nghệ mới cho kỷ nguyên mới” tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương cho biết năm 2023, công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam là một trong những động lực tăng trưởng chính trong bức tranh phát triển kinh tế đất nước.
Doanh thu ngành công nghiệp này ước đạt 138 tỷ USD, trong đó có 133 tỷ USD xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp công nghệ số ghi nhận tốc độ tăng trưởng rất cao từ 20-40%. Thậm chí như NTQ Solutions, VMO Holdings hay Rikkeisoft... có doanh thu xuất khẩu tăng 50-60% so với năm 2022.
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhận định sự kiện sẽ giúp doanh nghiệp khai phá thị trường công nghệ thế giới, bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu, tạo ra sự đột phá chuyển đổi số tại Việt Nam.
Đồng thời, diễn đàn giúp thúc đẩy quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ công nghệ số “Make in Viet Nam”. Từ đó, tạo ra các cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài.
Mặt khác, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết Thành phố với vị thế là trung tâm kinh tế khu vực phía Nam, là nơi hội tụ của đông đảo doanh nghiệp trong nước và quốc tế, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp về công nghệ số. Thành phố đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố văn minh nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao, là thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại, đầu tàu của nền kinh tế số.
"Để đạt được mục tiêu đề ra, TP.HCM cần có nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số, công nghệ số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Diễn đàn Công nghệ Quốc tế iTech Expo 2024 sẽ là một điểm nhấn, cầu nối giao thương, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế số của Thành phố" - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy.
Dưới góc độ doanh nghiệp, TS. Nguyễn Công Ái, Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam, chia sẻ thế giới hiện đang trải qua cuộc đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cùng với sự phát triển của các xu hướng công nghệ như công nghệ xanh, trí tuệ nhân tạo, điện toán lương tử và điện toán đám mây…
Theo TS. Nguyễn Công Ái, những tiến bộ công nghệ gần đây đã tạo điều kiện cho các lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là các lĩnh vực chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, sản xuất xanh, sản xuất chất bán dẫn…
Bên cạnh đó, những xu hướng công nghệ mới cũng tác động mạnh mẽ tới chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến việc các công ty đa quốc gia dần di dời cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang một số quốc gia khác trong đó có Việt Nam.
Mặc dù đang có nhiều cơ hội, Việt Nam vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức liên quan đến vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, và khuôn khổ chính sách còn nhiều bất cập.
Để bắt kịp các xu hướng toàn cầu, TS.Nguyễn Công Ái cho biết Chính phủ Việt Nam đã đề ra chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo, tập trung vào 2 mảng chính là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển chất lượng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.
“Phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là tiền đề quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của những ngành ứng dụng công nghệ cao trong tương lai, tạo động lực cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước”, TS.Nguyễn Công Ái nhấn mạnh.
Diễn đàn iTech Expo 2024 do Hội Tin học TP.HCM (HCA), Công ty Cổ phần Tập đoàn tổ chức Triển lãm Quốc tế Xây dựng VIETBUILD, Alta Media và các đối tác phối hợp tổ chức từ ngày 10 - 12/7 tại Công viên phần mềm Quang Trung (Quận 12, TP.HCM).
Với chủ đề “Công nghệ mới cho kỷ nguyên mới”, khu triển lãm với hơn 350 gian hàng trưng bày công nghệ mới, thông minh, mang tính ứng dụng cao của các doanh nghiệp như Intel, ASUS, Zoho, QTSC, VNPT, Viettel, Mobifone, CMC Telecom, Galaxy Holdings, Đại Nam...
Phần trưng bày này giới thiệu những công nghệ dẫn đầu xu hướng thời đại, nâng tầm kết nối tương lai như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet kết nối vạn vật (IoT), thực tế ảo tăng cường - thực tế ảo (AR-VR), chuỗi khối (blockchain).
Sự kiện thu hút sự tham gia của các tổ chức, hiệp hội trong nước, nhà cung cấp từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Cộng hòa Séc, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Australia, Nga,...