Các nền tảng, ứng dụng công nghệ như VOV Bacsi 24, Giúp tôi!, SOSmap, Zalo Connect… xuất hiện liên tục trong thời gian qua đã kịp thời hỗ trợ trong việc kết nối người bệnh với hệ thống y tế, người yếu thế với nhà hảo tâm, người dân với chính quyền và ngược lại.
CÔNG NGHỆ GIẢI BÀI TOÁN KẾT NỐI TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH
Chia sẻ điều này tại tọa đàm trực tuyến "Kết nối trong đại dịch" diễn ra ngày 24/8, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng thông tin, ngay từ khi Covid-19 khởi phát ở Việt Nam năm 2020, công nghệ đã tham gia tích cực vào câu chuyện kết nối.
Đầu tiên là kết nối bệnh viện tuyến trên với tuyến dưới để hội chẩn tư vấn từ xa. Tính đến nay đã có 2.000 điểm được kết nối; đặc biệt đã kết nối 100% bệnh viện tuyến trung ương với tuyến huyện. Trong những ngày vừa qua đã tiến hành kết nối với các bệnh viện dã chiến ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An.
Không chỉ hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh, các ứng dụng công nghệ còn có thể phát huy giá trị trong phát triển kinh tế xã hội sau này.
Bên cạnh đó, thời gian qua cũng đã có nhiều ứng dụng tư vấn chăm sóc sức khỏe để kết nối bác sĩ với bệnh nhân như VOV Bác sĩ 24. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở đợt thứ tư này đã có thêm các công cụ để kết nối như nền tảng kết nối tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người bênh, nền tảng kết nối để chuyển các ca cấp cứu. Các nền tảng này đang triển khai hiệu quả ở Thành phố Hồ Chí Minh…
Một nền tảng mới được công bố gần đây như "Giúp tôi!" cũng đã và đang phát huy hiệu quả trong kết nối với bác sĩ tư vấn hỗ trợ người dân. Ông Vòng Thanh Cường, CEO Kompa Group, trong 2 tuần qua có hơn 5.000 người được kết nối với chuyên gia. Hiện nền tảng đã có hơn 10.000 y bác sĩ có chuyên môn, có thể mở rộng ra phục vụ nhu cầu tư vấn của người dân, cả về bệnh liên quan đến Covid-19 lẫn sức khoẻ tâm lý…
Những đóng góp của các ứng dụng công nghệ tham gia giải bài toán kết nối trong đại dịch cũng được đại diện Bộ Y tế và các chuyên gia đánh giá cao. Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế nhấn mạnh, các ứng dụng đang giúp kết nối cơ sở y tế tuyến trên, tuyến dưới và với người dân. Trong bối cảnh Covid-19 bùng phát mạnh tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cơ sở y tế quá tải. Những F0, F1 phải cách ly điều trị tại nhà có lúc cần liên hệ tư vấn kịp thời về sức khỏe còn gặp khó khăn.
Do đó, Bộ Y tế có một số định hướng nền tảng để kết nối cơ sở y tế với người dân. Khi người dân không liên lạc được với bác sĩ địa phương thì có thể gọi trực tiếp đến đường dây nóng của Bộ Y tế. Nhiều trường hợp bác sĩ thăm khám từ xa cho người dân, giúp người bệnh được yên tâm trong việc điều trị Covid-19 tại nhà…
Cũng trong thời gian qua ở Việt Nam đã xuất hiện các ứng dụng hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực như SOSmap, Zalo Connect… được cộng đồng xã hội hưởng ứng, đã phát huy hiệu quả, mang lại ý nghĩa lớn trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh. Đơn cử như ứng dụng Zalo Connect, trong 15 ngày triển khai đã ghi nhận khoảng 320 nghìn lượt đề nghị trợ giúp.
Hoặc như tổng đài 1022 mà thành phố Hồ Chí Minh triển khai, có một nhánh hỗ trợ người dân. Sau khi triển khai, mỗi ngày nhận khoảng 15-20 nghìn lượt gọi đề nghị trợ giúp từ các khu phong tỏa.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay rất cần sự chung tay của cộng đồng để hỗ trợ những người khó khăn. Khi giải quyết được bài toán an sinh xã hội, người dân sẽ an tâm, tuân thủ các biện pháp chống dịch. Đây là điều cấp thiết, kịp thời giúp đẩy lùi dịch bệnh…
Liên quan đến vấn đề kết nối, tra cứu thông tin tình trạng bệnh nhân F0, Trung tâm công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia, Cục Tin học hóa, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh triển khai thí điểm công cụ kết nối F0, cho phép người nhà có thể tra cứu ở một mức độ mà người dân quan tâm. Hiện nay, công cụ này đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm và đã công bố cho người dân sử dụng.
CHÚ TRỌNG BẢO MẬT VÀ LIÊN THÔNG DỮ LIỆU
Bên cạnh ưu tiên lớn nhất về sức khỏe, một số ý kiến lưu ý cần quan tâm đến quyền riêng tư và có giải pháp bảo mật dữ liệu để đảm bảo sau khi đại dịch, không xảy ra tình trạng lộ lọt dữ liệu, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Về vấn đề này, ông Dũng cho biết, Luật an toàn thông tin mạng năm 2015, lần đầu tiên dành riêng một mục quy định chi tiết về bảo vệ thông tin cá nhân. Lần đầu tiên thông tin cá nhân đã được định nghĩa tường minh và được pháp luật bảo vệ. Khi thiết kế các ứng dụng công nghệ phòng chống dịch đã luôn ý thức rất rõ điều này. Dù phải cân đối rất khó giữa yêu cầu vừa thuận tiện, dễ sử dụng, vừa phù hợp để tác chiến trong điều kiện phòng chống dịch ngặt nghèo, cùng yêu cầu phản ứng trong thời gian rất nhanh, nhưng các ứng dụng được triển khai thời gian qua luôn chú trọng bảo vệ thông tin cá nhân từ khâu thiết kế.
Dù phải cân đối rất khó giữa yêu cầu vừa thuận tiện, dễ sử dụng, vừa phù hợp để tác chiến trong điều kiện phòng chống dịch ngặt nghèo, cùng yêu cầu phản ứng trong thời gian rất nhanh, nhưng các ứng dụng được triển khai thời gian qua luôn chú trọng bảo vệ thông tin cá nhân từ khâu thiết kế.
Theo quy chế vận hành sử dụng dữ liệu phục vụ phòng chống dịch, tất cả dữ liệu người dân được thu thập qua các nền tảng chỉ dùng cho mục đích hỗ trợ phòng chống dịch bệnh. Các dữ liệu hết thời hạn sẽ được xóa bỏ khỏi hệ thống, như tờ khai báo y tế, sau 14-28 ngày không còn giá trị về mặt dịch tễ, sẽ được xóa khỏi hệ thống…
Đại diện dự án Giúp tôi! Cho biết ứng dụng chia ra làm nhiều loại dữ liệu: dữ liệu cá nhân, dữ liệu câu hỏi, hành vi… Với những dữ liệu cá nhân được mã hoá toàn bộ, chỉ người dùng đó thông qua số điện thoại, OTT mới có thể đọc được. Ngay nhà phát triển cũng không đọc được những nội dung này.
Có thể thấy, các nền tảng ứng dụng công nghệ đã hỗ trợ đẩy nhanh tiêm chủng, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, truy vết, hỗ trợ kết nối cơ sở y tế tuyến trên, dưới, bác sĩ với người dân…
Không chỉ hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh, các ứng dụng công nghệ còn phát huy giá trị trong phát triển kinh tế xã hội sau này. Ông Dũng nhấn mạnh, công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, và là công cụ vận hành không thể thiếu trong bất cứ hoạt động gì trong tương lai.
Việt Nam đang có nhiều nhóm tạo ra các ứng dụng và mỗi ứng dụng có một thế mạnh riêng. Theo ông Cường, các ứng dụng không chỉ có vai trò trong dịch mà còn hậu Covid-19. Sau dịch vẫn cần các ứng dụng chăm sóc sức khỏe, thông tin tiêm vaccine, di chuyển... Chúng ta phải nhìn nhận dịch bệnh sẽ còn lâu dài, vì vậy việc chung sống, sử dụng các ứng dụng này cũng cần được quy hoạch hợp lý trong thời gian dài, chuyên gia này nói.
Trong thời gian tới, Trung tâm công nghệ phòng chống dịch quốc gia sẽ là đầu tàu, tập trung cùng đưa ra giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhất, tránh việc dữ liệu không liên thông, gây khó khăn cho người dân và cơ quan chống dịch. Ông Nam cho biết, Bộ Y tế cũng sẽ cung cấp bài toán nghiệp vụ, mô hình để công nghệ được triển khai hiệu quả, để khi chuyển sang trạng thái bình thường mới có những bộ công cụ ổn định.
Liên quan đến vấn đề kết nối liên thông dữ liệu, kết nối giữa người dân với chính quyền, từ góc độ cơ quan nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các bộ đã cùng thảo luận và đi đến một số thống nhất như tập trung dữ liệu tại một chỗ và các ứng dụng liên thông dữ liệu với nhau theo một tiêu chuẩn. Cùng với đó đưa ra các tiêu chuẩn chung trong kết nối. Ví dụ thời gian qua, các phần mềm thống nhất sử dụng một chuẩn QR code. Người dân chỉ dùng một QR Code thống nhất giữa các ứng dụng và đi đâu cũng sẽ thông suốt…