Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ ngành thuế quản lý ước tính đến thời điểm ngày 30/11 là 126.642 tỷ đồng, tăng 0,5% so với thời điểm cuối tháng 10, tăng tới 10,1% so với thời điểm 31/12/2021 và tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Lý giải về tiền thuế nợ tại thời điểm 30/11 tăng so với cuối năm 2021, Tổng cục Thuế cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kèm theo thiên tai, bão lũ gây ra khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng đó, một số lĩnh vực thiếu nguyên vật liệu, chi phí tăng cao, làm ăn thua lỗ nên không có khả năng nộp ngân sách nhà nước đúng hạn.
Ngoài ra, tiền phạt, tiền chậm nộp cũng tăng so với thời điểm 31/12/2021 do phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày trên tổng số tiền nợ thuế.
Lũy kế đến cuối tháng 11, thu hồi nợ thuế ước đạt 29.416 tỷ đồng, đạt 70% so với chỉ tiêu thu nợ năm 2022. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 26.996 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 2.420 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế.
Cũng theo cơ quan này, ngay từ đầu năm 2022, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, triển khai công tác quản lý, giao chỉ tiêu thu tối thiểu 80% nợ thuế có khả năng thu và gắn trách nhiệm thu nợ, xử lý nợ đọng cho từng đơn vị.
Đồng thời, ngành thuế cũng tập trung thu hồi số nợ thuế không thuộc diện được gia hạn nộp thuế, người nộp thuế không bị, hoặc ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, để tiến hành đôn đốc, động viên người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ.
Thời gian qua, ngành thuế chú trọng xây dựng phương án xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, có giải pháp thu, xử lý nợ hiệu quả, hợp lý; đảm bảo công tác quản lý, cưỡng chế, thu hồi nợ đọng được đồng bộ, nhất quán; đáp ứng mục tiêu công bằng giữa các đối tượng chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Các cục thuế cũng theo dõi chặt chẽ các khoản nợ, nhất là các khoản thuế đã gia hạn; thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để đôn đốc ngay từ khi nợ thuế mới phát sinh và thực hiện liên tục đến khi giảm nợ.
Ghi nhận tại Cục Thuế TP. Hà Nội cho thấy, trong kỳ đăng công khai tháng 11, đơn vị tiếp tục công khai lần đầu nợ thuế đối với với 463 người nộp thuế, với tổng số nợ khó thu và khả năng thu hơn 96 tỷ đồng. Trong đó, hàng loạt "ông lớn" bất động sản tiếp tục có những khoản nợ đọng lớn, chây ỳ trên địa bàn như Công ty cổ phần Thương mại Ngôi nhà mới nợ hơn 28 tỷ đồng; Công ty cổ phần Kinh doanh Phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội (HANHUD) nợ khoảng 16 tỷ đồng…
Một trong những điểm mới của Luật Quản lý thuế là bổ sung biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế khi doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Để đôn đốc các khoản nợ thuế, Tổng cục Thuế cho hay riêng đối với các khoản nợ gia hạn trước khi đến hạn nộp thuế 15 ngày, các cục thuế sẽ gửi thư nhắc đến từng doanh nghiệp để người nộp thuế chuẩn bị sẵn nguồn tiền thuế phải nộp, không để bị động, dẫn đến nợ thuế.
Với khoản nợ trên 90 ngày, đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế phù hợp để động viên người nộp thuế nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước.
Đối với các trường hợp nợ lớn, kéo dài, sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, các cục thuế sẽ phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cuối cùng là đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đại diện nhiều cục thuế địa phương đánh giá khi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân là người đại diện theo pháp luật, doanh nghiệp đã nghiêm túc phối hợp với cơ quan thuế, để tránh các thiệt hại về uy tín, về kinh tế. Đây được coi là biện pháp mạnh và kỳ vọng mang lại hiệu quả tích cực cho công tác thu hồi nợ thuế.