Để thu được số nợ thuế gần 16.000 tỷ đồng nợ thuế trong nửa đầu năm 2022, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành gần 50.000 quyết định cưỡng chế nợ thuế, tương ứng 82.091 tỷ đồng tiền thuế nợ. So với cùng kỳ năm 2021, số quyết định cưỡng chế thuế tăng 14,4%; trong khi số tiền thuế nợ tăng mạnh 140%.
DOANH NGHIỆP NỢ THUẾ "KHỦNG"
Theo quy định, đối với các khoản nợ trên 90 ngày, cơ quan thuế sẽ ban hành văn bản đôn đốc người nộp thuế, trong đó nêu cụ thể các biện pháp cưỡng chế sẽ áp dụng nếu người nộp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ.
Cưỡng chế thu hồi nợ thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn là một trong 7 biện pháp cưỡng chế nợ thuế có khả năng thu hồi được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 125 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ 5/12/2020.
Theo đó, cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn sẽ được áp dụng đối với đối tượng bị cưỡng chế không thành công những biện pháp như: trích tiền từ tài khoản tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài khoản; hay khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập nhưng vẫn không thu đủ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Theo ghi nhận, ngay trong tháng 11, Chi cục thuế quận Gò Vấp, Cục Thuế TP.HCM, đã ban hành quyết định về việc cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Công ty TNHH Thương mại - Kỹ thuật Điện tử Viễn thông Tin học N.N.C, có trụ sở kinh doanh tại 20/39 Đường số 9, Phường 16, quận Gò Vấp do không chấp hành nộp số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế nợ thuế. Số tiền bị cưỡng chế gần 755 triệu đồng.
Một số công ty khác cũng bị ngưng sử dụng hoá đơn như: Công ty TNHH Sài Gòn GPA có địa chỉ tại 291 Phạm Văn Đồng, Phường 01, quận Gò Vấp; Công ty TNHH Dịch vụ và Kỹ thuật DHP có trụ sở tại số 336/4 Phan Huy Ích, Phường 12, quận Gò Vấp; Chi nhánh Venesa Hồ Chí Minh - Công ty TNHH Venesa...
Theo quy định, trong thời gian bị cưỡng chế hóa đơn, nếu doanh nghiệp vẫn cố tình sử dụng hóa đơn bị cưỡng chế, vẫn có giao dịch mua bán có sử dụng hóa đơn thì những hóa đơn này được coi là hóa đơn bất hợp pháp, trừ trường hợp người nộp thuế sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh.
Đáng chú ý, một tên tuổi lớn trong ngành bất động sản cũng bị Cục thuế TP. Hồ Chí Minh ban hành quyết định cưỡng chế nợ thuế "khủng" bằng biện pháp ngưng sử dụng hóa đơn gần đấy, đó là Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (mã chứng khoán NRC - HNX) theo Quyết định số 30745/QĐ-CCT-CC ngày 14/11, để thi hành Thông báo tiền thuế nợ số 188007/TB-CCT-KĐT ngày 23/10/2022.
Lý do Tập đoàn Danh Khôi bị cưỡng chế là do có nợ tiền thuế quá 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế và hết thời hạn gia hạn nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế, với số tiền bị cưỡng chế lên đến gần 94 tỷ đồng.
Theo đó, tập đoàn này bị cưỡng chế, ngừng sử dụng hóa đơn trong thời gian 1 năm, kể từ ngày 14/11/2022 đến ngày 13/11/2023.
Không chỉ mắc nợ thuế, trong bối cảnh bất ổn, suy thoái kinh tế chung hiện nay, Tập đoàn Danh Khôi cũng đang đối diện với muôn vàn khó khăn, thách thức khi nguồn tín dụng bất động sản bị siết chặt; thị trường bất động sản khó khăn, dự án bị ảnh hưởng tiến độ, khách hàng và nhà đầu tư lung lay niềm tin, dẫn đến tình trạng giảm thanh khoản.
Để vượt qua những khó khăn trước mắt, Tập đoàn Danh Khôi cho biết đang triển khai các giải pháp tài chính để hoàn tất các nghĩa vụ thuế trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, tập đoàn cũng cam kết thực hiện quyết định của các cơ quan ban ngành trên tinh thần tuân thủ các quy định của pháp luật.
DOANH NGHIỆP CÓ THỂ NỘP NGAY 18% "TIỀN TƯƠI" TRẢ NỢ THUẾ
Rõ ràng, việc bị cưỡng chế hóa đơn của doanh nghiệp có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, thậm chí gây ra những tổn thất không nhỏ về tài chính bởi không thể xuất hóa đơn cho các giao dịch bán hàng hóa, dịch vụ. Cùng với đó, nhà đầu tư, đối tác, khách hàng của doanh nghiệp sẽ vô cùng hoang mang sau khi thông báo cưỡng chế nợ được công khai.
Vì vậy, người nộp thuế thắc mắc về việc có cách nào để gia hạn hoặc hoãn việc đóng thuế hoặc mở lại hóa đơn hay không?
Trao đổi với VnEconomy, giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thuế, kế toán và pháp lý cho doanh nghiệp, cho hay để dùng hoá đơn trở lại, doanh nghiệp phải thu xếp tiền nộp đủ thuế nợ vào ngân sách; hoặc sẽ bị cưỡng chế bằng các biện pháp mạnh hơn như kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên.
Một cách khác, người nộp thuế vẫn có thể sử dụng từng hóa đơn lẻ, với điều kiện có văn bản cam kết thực hiện nộp ngay 18% "tiền tươi" là doanh thu trên hóa đơn lẻ được sử dụng vào ngân sách nhà nước.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan quản lý thuế sẽ thông báo hóa đơn có hiệu lực và doanh nghiệp sẽ được xuất hóa đơn như bình thường.
"Nhiều khi doanh nghiệp cần hoá đơn để thu các khoản lớn hơn cân đối dòng tiền, do đó, họ chấp nhận nộp ngay 18% doanh thu để có hoá đơn xuất cho khách hàng và thu tiền về", vị này lý giải.
Quy định này cũng được Bộ Tài chính nêu rõ tại Công văn số 5936/TCT-QLN ngày 21/12/2016 hướng dẫn sử dụng hóa đơn đối với các trường hợp đang bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn, tạo lối mở và cơ hội để cho người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách.
Theo đó, "nếu người nộp thuế có văn bản đề nghị sử dụng từng hóa đơn lẻ cho từng lô hàng, hạng mục công trình hoàn thành, để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí, đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì Cục Thuế các tỉnh, thành phố cho phép sử dụng từng hóa đơn lẻ, với điều kiện người nộp thuế có văn bản cam kết thực hiện nộp ngay 18% doanh thu trên hóa đơn lẻ được sử dụng vào ngân sách nhà nước", công văn số 5936/TCT-QLN nêu rõ.
Chẳng hạn Tập đoàn Danh khôi đã có văn bản đề nghị và thực hiện trách nhiệm đóng 18% doanh thu trên hóa đơn lẻ được sử dụng vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định của cơ quan thuế.
Tuy nhiên, giám đốc công ty tư vấn thuế này cũng thừa nhận, nhiều doanh nghiệp cũng không gửi đơn đề nghị đến cơ quan thuế để mở lại hoá đơn, bởi dòng tiền đã cạn, thậm chí không còn tiền để nộp thuế, có những doanh nghiệp rắp tâm bỏ trốn, không muốn đóng thuế.