Theo Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế nợ ngành thuế quản lý ước tính đến cuối tháng 7 là 133.639 tỷ đồng. So với thời điểm cuối năm 2021, số nợ này tăng 16,2% và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021.
Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm cuối tháng 7 là 115.853 tỷ đồng.
Trong số đó, tiền nợ thuế có khả năng thu là 68.141 tỷ đồng, tăng 0,5% so với thời điểm cuối tháng 6; tiền phạt và tiền chậm nộp của nợ có khả năng thu là 22.748 tỷ đồng.
Cùng với đó, số tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 24.964 tỷ đồng; tiền thuế nợ đang xử lý là 7.980 tỷ đồng; tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện là 9.802 tỷ đồng.
Về kết quả thu hồi nợ thuế, theo Tổng cục Thuế, số nợ thu hồi được trong tháng 7 ước đạt 3.600 tỷ đồng. Lũy kế tính đến cuối tháng 7, ngành thuế thu được 19.845 tỷ đồng, bằng 47% chỉ tiêu thu nợ năm 2022.
Cũng tính đến thời điểm cuối tháng 7, so sánh với tổng dự toán thu năm 2022, tỷ lệ tổng tiền thuế nợ chiếm khoảng 11,4%.
Trong đó, tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu chiếm 7,7%. Còn tỷ lệ tiền thuế nợ không còn khả năng thu trên tổng dự toán thu năm 2022 là 2,1%.
Tổng cục Thuế lý giải, tổng số tiền thuế nợ ước tại thời điểm cuối tháng 7 tăng so với thời điểm cuối năm 2021 là do một phần phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày trên tổng số tiền nợ thuế.
Bên cạnh đó, có tình trạng một số người nộp thuế thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất.
Do đó, "ngành thuế vẫn phải theo dõi nợ thuế làm tổng số nợ thuế tăng lên", Tổng cục Thuế chỉ rõ.
Một số người nộp thuế cũng gặp phải khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến chưa nộp kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý, liên quan đến các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của một số dự án, Tổng cục Thuế cho biết vướng mắc chính là do các dự án chưa đi vào hoạt động, khai thác. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, cơ quan thuế phải thực hiện tính nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, do đó, người nộp thuế chưa thể thực hiện nghĩa vụ với ngân sách.
Một số khoản tiền thuế, tiền thuê đất hết thời gian gia hạn nộp thuế, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện biện pháp đôn đốc thu nhưng người nộp thuế vẫn còn khó khăn về dòng tiền, chưa nộp được tiền thuế đã được gia hạn vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, dù áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiếp theo như kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu tài sản của đối tượng bị cưỡng chế cũng gặp khó, không thực hiện được vì người nộp thuế không còn tài sản, hay tài sản đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng.
Từ đầu năm đến nay, cục thuế các địa phương tiến hành nhiều giải pháp quản lý, đôn đốc thu hồi nợ đọng. Chẳng hạn, tại Cục Thuế TP. Hà Nội, trong kỳ đăng công khai gần đây, có hơn 280 người nợ thuế lần đầu, với tổng số nợ khó thu và khả năng thu 112,5 tỷ đồng; 75 người nộp thuế nợ "chây ỳ" khó thu với số tiền hơn 11 tỷ đồng. Cùng với đó là 136 người nộp thuế sau khi thực hiện công khai trong năm 2022 đến thời điểm rà soát, đã nộp hết nợ với số tiền gần 40 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Tại Cục Thuế Bắc Giang, từ đầu năm đến nay, thu được gần 850 tỷ đồng nợ thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong tổng số thu nêu trên có khoảng 530 tỷ đồng nợ phát sinh năm 2022, còn lại là nợ của năm trước chuyển sang.
Như vậy, đến nay, tổng nợ đọng thuế có khả năng thu trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn khoảng 610 tỷ đồng, thấp hơn 5% so với tổng thu ngân sách năm 2022, bảo đảm chỉ tiêu Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao theo quy định.