August 15, 2023 | 15:05 GMT+7

“Nóng” chuyện giáo viên làm 10-11 tiếng, lương 5 triệu đồng

Đỗ Như -

Thời gian làm việc của giáo viên mầm non đang ở mức 10-11h/ngày, thay vì 8 tiếng như quy định, nhiều người không có thời gian lo cho gia đình nhưng mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa đáp ứng tối thiểu nhu cầu cuộc sống...

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục sáng 15/8.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục sáng 15/8.

Sáng 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức buổi gặp gỡ giữa Bộ trưởng với nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục.

GIÁO VIÊN MẦM NON PHẢI LÀM VIỆC HƠN 10 TIẾNG/NGÀY

Trong lời mở đầu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói: “Có người khuyên tôi không nên tổ chức cuộc này vì làm sao mà trả lời hết, nhỡ không trả lời hết thì mọi người chuyển từ sự hồ hởi trông chờ ngóng đợi sang thất vọng thì sao? Nhỡ lỡ mồm thì sao. Mọi điều đều có thể xảy ra”. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, mong muốn làm thì cứ phải làm và đây là cuộc trao đổi để gần nhau hơn, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung.

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, cho biết rất nhiều ý kiến gửi về phản ánh về chế độ tiền lương, phụ cấp của giáo viên mầm non. Giáo viên mầm non nói riêng và giáo viên nói chung có mức thu nhập thấp hơn mặt bằng xã hội so với thời gian làm việc và tính chất vất vả của công việc. Đó là lý do nhiều giáo viên bỏ nghề. Những giáo viên còn bám trụ với nghề phải làm thêm những công việc khác, dẫn tới không có thời gian đầu tư nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, có nhiều giáo viên chỉ xem nghề là "cái phao" để làm kinh tế bên ngoài, lên lớp dạy cho hết tiết. Những bộ tiêu chuẩn đánh giá nghề nghiệp, xếp loại thi đua còn chung chung và không phân loại được những giáo viên như trên để đào thải họ ra ngoài ngành.

Theo cô Lê Thị Tuyết Hường, giáo viên trường Mầm non Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, thời gian làm việc của giáo viên mầm non đang ở mức 10-11h/ngày, thay vì 8 tiếng như quy định, nhiều người không có thời gian lo cho gia đình. Song mức lương của đội ngũ này chỉ ở mức dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa đáp ứng tối thiểu nhu cầu cuộc sống. Một số tỉnh, quãng đường từ trung tâm đến điểm trường gần 50km, giao thông khó khăn, ảnh hưởng tới tính mạng nhưng chưa có chế độ hỗ trợ đi lại cho đối tượng này.

Mặt khác, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non đang theo quy định là chưa phù hợp, thiếu nhà công vụ, nguồn nước sạch, giáo viên ăn ngủ tại điểm trường cả tháng mới về với gia đình, rất vất vả.

Cô giáo Dương Thị Thanh Hồng, giáo viên mầm non ở Hà Tĩnh - chia sẻ vấn đề, lương giáo viên hiện chưa theo chuẩn trình độ đào tạo, gây thiệt thòi cho nhiều người, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non nên giữ ở mức 55 tuổi. Ngoài ra, đội ngũ hành chính trường học có mức lương rất thấp nhưng không có nguồn thu gì thêm.

Cô giáo này đề xuất xếp lương cấp mầm non tương quan với các bậc học khác và có thêm phụ cấp cho đội ngũ hành chính trường học.

Đề cập đến chương trình phổ thông 2018, ông Nguyễn Bá Dũng - Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, tỉnh Đắk Nông đề nghị điều chỉnh định mức giáo viên/lớp phù hợp hơn, chẳng hạn ở mức 1,7 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học 2 buổi/ngày. Ông cũng đề xuất có chế độ tiền lương cho đội ngũ làm công tác hành chính trong nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Diệu Hoa, giáo viên trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh, Nghệ An, cho rằng việc bồi dưỡng theo khung chương trình giúp giáo viên dạy được các môn. Tuy nhiên, để giúp giáo viên tự tin, dạy được hiệu quả hơn, cô Hoa xin kiến nghị Bộ có giải pháp.

Thông tin tại buổi gặp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ đã thống nhất với Bộ Nội vụ, dự kiến tăng ưu đãi phụ cấp cho giáo viên mầm non lên 10% và tăng 5% cho giáo viên tiểu học.

Mức tăng này đang chờ ý kiến của Bộ Tài chính. Bộ trưởng hy vọng việc tăng phụ cấp sẽ giúp bù đắp cho các giáo viên.

"Nhà nước có rất nhiều chính sách ưu tiên ngoài lương cho giáo viên mầm non chứ không phải không quan tâm, như phụ cấp thu hút, trợ cấp lần đầu khi chuyển công tác, phụ cấp thâm niên… Tuy nhiên, tất cả những chính sách đó cộng lại thì mức lương giáo viên mầm non vẫn thấp so với mặt bằng thu nhập, đặc biệt thấp so với công sức mà các cô giáo bỏ ra.

Số giờ lao động của giáo viên mầm non đang quá nhiều, không có thời gian chăm sóc gia đình. Một số tỉnh và địa phương có giải pháp huy động nguồn lực xã hội để bù đắp thù lao cho số giờ làm việc ngoài giờ của giáo viên mầm non nhưng thiếu chính sách ổn định, bền vững cho vấn đề này", Bộ trưởng nhận định.

Liên quan tới tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã  đề nghị đưa đối tượng giáo viên mầm non vào đối tượng nặng nhọc, để giữ nguyên tuổi hưu của nữ là 55. Bộ trưởng khẳng định sẽ kiên trì kiến nghị việc này, đồng thời kiến nghị giữ nguyên các chính sách để đảm bảo thu nhập, tránh sự thiệt thòi cho giáo viên mầm non cao tuổi.

RÀ SOÁT HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh cần thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018, coi đây là phương thức để đổi mới toàn diện, thực hiện thành công chương trình mới, “nền giáo dục thay đổi về chất”. Tiếp đó là thay đổi vai trò, vị trí của nhà giáo từ chỗ là người truyền thụ kiến thức sang người tổ chức, dẫn dắt, hỗ trợ học sinh. Muốn chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt được chiều sâu thì phải thay đổi từng thành tố, từng môn học.

Trao đổi tại hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận thiếu sót do làm “truyền thông chưa tốt”. “Có nhiều cái mới, nhiều cái đã làm được trong ngành nhưng chúng ta chưa chia sẻ, chưa làm cho xã hội thấu hiểu chúng ta. Trước tiên trách mình, sau mới trách người. Chúng ta chưa làm cho phụ huynh thấu hiểu, chia sẻ với chúng ta, chúng ta chưa làm cho xã hội hiểu những công việc mới khó khăn đang làm, đó là lỗi của chúng ta”, Bộ trưởng nói.

Vậy Bộ sẽ làm gì cho nhà giáo? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết thời gian tới Bộ sẽ rà soát hệ thống chế độ chính sách; đồng thời gấp rút các công việc để điều chỉnh Nghị định 116 trong việc đào tạo lực lượng giáo viên, nguồn tuyển cho tương lai; sửa đổi Thông tư 16 về định mức giáo viên/lớp. Có rất nhiều việc đang làm để phát triển số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo bao gồm cả chính sách thi đua khen thưởng…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate