"Mô hình kết hợp năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp: Kinh nghiệm quốc tế và tiềm năng cho Việt Nam" được Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) công bố kết quả nghiên cứu mang tính gợi mở giải quyết xung đột giữa phát triển năng lượng tái tạo và nông nghiệp, thủy sản ở các địa phương.
Theo Nghị quyết số 55 ngày 11/2/2020 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 2068/TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì điện mặt trời là 1 trong 4 nguồn năng lượng tái tạo được ưu tiên, khuyến khích phát triển và đang được triển khai ở nước ta hiện nay, bao gồm: điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối và thủy điện.
TIỀM NĂNG VÀ THỰC TRẠNG
Kể từ năm 2002, sản lượng điện mặt trời tăng 48%/năm, nghĩa là cứ hai năm lại tăng gấp đôi và đã giúp ngành năng lượng đạt tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 22/8/2020, cả nước có 45.299 dự án điện mặt trời áp mái, tổng công suất lắp đặt lên đến 1.029 MWp với tổng sản lượng điện phát lên lưới là 500.692 MWh, giúp giảm phát thải 457.132 tấn khí CO2.
Đã có 5.000 MW từ nguồn điện mặt trời đi vào vận hành, trong đó dự án quy mô nối lưới đạt khoảng 4.500 MW, điện mặt trời mái nhà đạt trên 31.570 dự án với tổng công suất là 657,88 MWp. Khu vực Trung, Nam Bộ có thời gian nắng nhiều trong năm với cường độ bức xạ lớn, tiềm năng điện mặt trời rất lớn. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm nông nghiệp, thủy sản của cả nước, cũng là vùng có tiềm năng to lớn trong bản đồ năng lượng tái tạo quốc gia.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Phát triển Đức, tiềm năng tổng công suất điện mặt trời vùng này có thể lên tới 136.275 MW, điện lượng ước tính 216,5 tỉ kWh/năm, nhiều gấp đôi so với 108 tỉ kWh/năm của 14 nhà máy nhiệt điện than dự kiến xây dựng trong vùng.
Thực tế đang nổi lên xung đột từ hai thế mạnh – nông nghiệp, thủy sản và tiềm năng phát triển điện mặt trời trong những năm gần đây. Vấn đề là có mô hình, cách thức nào có thể để hoá giải xung đột này? Khái niệm sử dụng kết hợp điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp có thể giải quyết xung đột trong sử dụng tài nguyên đất giữa phát triển năng lượng và sản xuất nông nghiệp bằng cách kết hợp cả hai hoạt động này trên cùng một khu vực.
Kết quả nghiên cứu điển hình tại Thành phố Cần Thơ xác định 9 loại cây trồng, vật nuôi có thể phát triển kết hợp nhằm thực hiện mục tiêu trên là: cây lúa, bắp, đậu nành, mè, rau, khoai mì, gia súc/gia cầm, cá và tôm. Lợi ích hàng đầu của mô hình này là tạo ra "nguồn thu kép" cho nông dân bằng việc bán điện mặt trời cho lưới điện quốc gia và chủ động nguồn năng lượng tại chỗ cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Điện mặt trời có thể ứng dụng để thắp sáng vuông tôm, ao cá, vườn cây thanh long; hoặc sử dụng cho các công cụ cơ điện hay vận tải thủy nội bộ. Dùng làm điện tiêu dùng cho hộ gia đình, trang trại; kiểm soát nhiệt độ nước hiệu quả hơn, giảm tình trạng bốc hơi nước, ức chế rong tảo sinh sôi. Nghiên cứu giả định rằng, chỉ cần 10% tiềm năng kỹ thuật nói trên được hiện thực hóa, thì với tổng diện tích 3,8 triệu ha trồng bắp, khoai mì, khoai lang và thủy sản hiện nay, mô hình này có thể đạt công suất 12,5 GW điện sạch.
ĐIỂM NGHẼN VỀ PHÁP LÝ, HẠ TẦNG, GIÁ ĐIỆN
Thực tiễn triển khai đầu tư phát triển điện mặt trời ở các địa phương đang vướng nhiều điểm nghẽn, có thể nêu ra 3 điểm nghẽn nổi lên cần được nhận diện để tháo gỡ:
Một là, vướng mắc từ nền tảng pháp lý, cơ chế chính sách và quy định hiện hành. Dù thừa nhận hàng loạt chính sách phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua đã có sự bứt phá mạnh mẽ, nhưng so với yêu cầu thực tiễn vẫn chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng mang tính bùng nổ của điện mặt trời trong 2 năm qua cũng như sự phát triển rất nhanh của công nghệ, nhu cầu đầu tư và sử dụng điện mặt trời.
Đang có sự chồng chéo trong qui định của các văn bản, dẫn đến cách hiểu và thực thi chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư điện mặt trời. Về khái niệm "điện mặt trời áp mái nhà" hay điện mặt trời áp mái", trong Nghị quyết số 55/TƯ mang tính định hướng và thông thoáng "Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước", thì hàng loạt các văn bản cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện việc khuyến khích, ưu đãi đầu tư điện mặt trời mang tính bó hẹp với khái niệm "điện mặt trời mái nhà".
Điều đó đã cản trở, làm khó, ngăn cản đầu tư hiệu quả, tiết kiệm các dự án đầu tư điện mặt trời áp mái trường học, kho xưởng, đặc biệt là không thể lồng ghép với nông nghiệp, thủy sản. Đối với các dự án điện mặt trời trên mặt nước (nuôi thủy sản) và mặt đất (sản xuất nông nghiệp), đầu tư lồng ghép "mục tiêu kép" của các trang trại càng khó thực hiện hơn.
Thực tế này đang vướng mắc ở An Giang, nhiều địa phương Đồng bằng sông Cửu Long và các nơi khác. Ngoài ra, đã có hiện tượng "né thủ tục quy hoạch" khi chọn quy mô dự án điện mặt trời dưới 1MW. Những qui định liên quan đất đai, mục đích sử dụng đất không có quy định cho phép sử dụng đất nông nghiệp, thủy sản cho sản xuất điện.
Hai là, sự phát triển nhanh của năng lượng tái tạo và sự yếu kém của hạ tầng lưới điện cũng là một điểm nghẽn lớn. Đa số các đường dây, trạm biến áp từ 110-500 kV nhiều nơi quá tải, có nơi quá tải lên đến 360%. Nhiều nhà máy điện mặt trời đang phải giảm phát khoảng 60% công suất do hệ thống truyền tải chưa đáp ứng được công suất sản xuất điện từ các nhà máy điện mặt trời, cá biệt có những dự án chưa nối lưới được do hạ tầng truyền tải.
Ba là, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, mới ở bước sơ khai, mới vận hành thí điểm "phát điện cạnh tranh" theo cơ chế thí điểm, chưa có thị trường bán điện cạnh tranh, nên giá điện vẫn là vấn đề nóng, ảnh hưởng đến đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, điện mặt trời và lồng ghép điện mặt trời với nông nghiệp.
ĐỀ XUẤT CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP
Chính phủ ưu tiên tháo gỡ về nhận thức, các nút thắt đang vướng từ thực tiễn liên quan: quy định pháp lý, cơ chế chính sách, quy hoạch và tiếp cận quy hoạch theo lợi thế tiềm năng điện mặt trời ít nhất theo tiểu vùng, vùng chứ không bị đóng khung theo ranh giới hành chính tỉnh. Quy hoạch điện lực VIII và các quy hoạch, kế hoạch quốc gia, ngành, cần tích hợp vùng, các quy hoạch cấp tỉnh, liên kết vùng đầu tư kết cấu hạ tầng năng lượng. Cần đầu tư phát triển hạ tầng truyền tải điện đồng bộ với sự tăng trưởng nguồn phát điện, trong đó có điện mặt trời. Thiết lập hệ thống thông tin tích hợp dữ liệu chuyên ngành điện. Thúc đẩy nhanh hơn sự vận hành thị trường điện cạnh tranh. Tiếp tục xem xét hỗ trợ tài chính phù hợp cho cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.
Đề xuất Chính phủ rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan tới điện mặt trời. Khắc phục các bất cập đã nêu, có cơ chế, chính sách, pháp luật về huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực gắn với việc thể chế hoá Nghị quyết 55/TƯ, quy hoạch điện lực VIII, tiến hành điều tra tài nguyên nguồn năng lượng tái tạo tại một số vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ được cho có tiềm năng to lớn về điện mặt trời để làm cơ sở quy hoạch và phát triển các dự án điện mặt trời. Tháo gỡ các vướng mắc liên quan về đất đai cho việc đáp ứng mục tiêu kép – phát triển điện mặt trời và nông nghiệp.
Bên cạnh đó, cần xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng truyền tải, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức, điều phối. Việc xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp tạo lập nguồn vốn từ liên kết "tài nguyên ảo" phát triển kinh tế vùng có ý nghĩa quan trọng. Nhưng quan trọng hơn vẫn là tư duy, tầm nhìn và giải pháp khả thi để thực hiện theo lộ trình phù hợp để hiện thực hóa.
(*) Nguyên cán bộ của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, hiện nay là chuyên gia cố vấn Nhóm đối tác chuyển dịch năng lượng bền vững ĐBSCL thuộc GreenID.