Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Trần Mạnh Báo kể, khoảng những năm 2000 khi đón đoàn doanh nghiệp nước ngoài tới thăm vựa lúa Thái Bình, đã có một doanh nhân thốt lên: “Chúng tôi mơ ước có được thời tiết, khí hậu và những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ như tại đây…”.
“Các bạn có thể trồng được mọi thứ cây trái. Thiên nhiên quá ưu đãi Việt Nam. Nếu...”, vị doanh nhân bỏ lửng câu nói và vội lảng sang chuyện khác vì có lẽ e ngại nói ra sẽ làm ông Báo và những quan chức địa phương tự ái.
SỰ MẠO HIỂM, ĐỘT PHÁ CỦA THẾ HỆ ĐI TRƯỚC
Chữ “nếu” của người bạn nước ngoài khiến ông Báo “mất ăn, mất ngủ”. Là một người dạn dày trên thương trường, am hiểu nông nghiệp, cũng đã từng đi tham quan nhiều mô hình nông nghiệp trên thế giới, ông hiểu hàm ý của câu nói đó.
Nếu họ, những người làm nông nghiệp trên cát bỏng, có được điều kiện như của Việt Nam, thì không biết nền nông nghiệp của họ đã phát triển, bỏ xa chúng ta tới chừng nào.
Đúng là thiên nhiên rất ưu đãi Việt Nam, chúng ta có mưa thuận gió hòa, có điều kiện thổ nhưỡng lý tưởng, có những vùng trồng lúa, trồng cây nông nghiệp mênh mông bát ngát, có cả những vùng nuôi trồng thủy hải sản rộng rãi trải dọc bờ biển Việt Nam. Nhưng vì sao nhiều nơi nông dân, ngư dân vẫn nghèo, cuộc sống vẫn khó khăn?
Trong quá khứ, ông Báo là một trong những người đầu tiên ở Thái Bình cũng như ở Việt Nam dám “xé rào” để làm nông nghiệp. Trong thập niên 90, ông đã mạnh dạn xây dựng đề án giao khoán ruộng đất cho nông dân.
Thời đó, việc tính toán, xin giao khoán ruộng đất cho nông dân tự làm chủ, tự canh tác là việc động trời, có thể can hệ đến sinh mạng chính trị của bất kỳ ai.
Ông Báo kể lại: “Đề án của tôi, nói chính xác đã vẽ ra một lộ trình, một cách làm ngược hẳn với cơ chế đang được vận hành trong quản lý nông nghiệp thời đó. Không cẩn thận, cái mũ “đi ngược đường lối chính sách về nông nghiệp của Đảng, Nhà nước” rất dễ chụp lên đầu”.
Mặc dù cũng rất lo sau khi nghe phản biện của nhiều người, nhất là những ý kiến kiểu dọa dẫm, bàn lùi, nhưng ông Báo vẫn quyết liệt bảo vệ đề án của mình. Vì nếu “Không khoán sản phẩm thì không còn con đường nào khác. Nếu không làm, sẽ có tội với lịch sử, với nông dân”.
Và đúng như tính toán của ông, sau một năm thực hiện giao đất cho nông dân, năng suất của những thửa ruộng khoán đã tăng vọt, thậm chí tăng gấp 10 lần so với ruộng tập thể.
Năm 1988, để chuẩn bị ra Nghị quyết số 10, về khoán sản phẩm trong nông nghiệp (nay vẫn quen gọi là Khoán 10), Bộ Chính trị đã cử một đoàn cán bộ về Thái Bình nghiên cứu. Một vị lãnh đạo cao cấp đã nhận xét: “Việc khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động ở Đông Cơ, lý luận hoàn toàn phù hợp với thực tiễn”. (Đông Cơ là trại giống nơi ông Báo đang công tác và đề xuất cơ chế khoán).
Nhớ về những ngày tháng rất gian khó đó, ông Báo khẳng định, thời đó với những khó khăn không tưởng như vậy, mà nông dân, nông nghiệp cũng đã vận động để vượt qua và phát triển thành bệ đỡ của quốc gia như ngày nay.
Tôi tin rằng, nếu tiếp tục đổi mới, áp dụng công nghệ, học hỏi nước ngoài, tiếp tục thay đổi chính sách quản lý để nông nghiệp không còn manh mún, thì chúng ta sẽ phát triển nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa, xứng đáng với tinh thần lao động của nông dân cũng như những gì thiên nhiên đã biệt đãi, dành cho Việt Nam.
SỰ TRỞ VỀ CỦA THẾ HỆ ĐI SAU
Sự trăn trở với nông nghiệp không chỉ của những người già như thế hệ ông Trần Mạnh Báo ở Thái Bình. Nhiều người trẻ cũng nhận ra quê hương họ đang sở hữu những tài nguyên vô giá, đó là nơi có thổ nhưỡng tốt, đó là nơi đất trời giao hoà, mạch nước trong lành, mát ngọt, để những giống cây đặc hữu đơm hoa kết trái. Vùng đất ấy chờ bàn tay họ cày xới, vun trồng và chăm sóc mà thôi.
Phan Trang, một cử nhân ngành báo chí và chồng là cử nhân công nghệ thông tin, cả hai đều ở Hoà Bình, yêu và lấy nhau rồi quyết định lập nghiệp tại Hà Nội. Tốt nghiệp đại học và đi làm đã 4 năm, nhưng việc phải tìm kiếm cơ hội, tạo lập từ con số 0 với đồng lương hạn hẹp khiến cả hai thấy mệt mỏi và stress. Đôi khi cả hai không kiềm chế nên cãi vã. Tình yêu sâu sắc bị thử thách dữ dội.
Sau cùng, Dũng, Trang quyết định về Cao Phong, Hòa Bình. Ở đó là vùng đất trù phú của gia đình đang không có người coi sóc. Ở đó có giống cam nổi tiếng ngon ngọt. Về quê họ sẽ phải làm nhiều thứ, phải đày nắng, lao ra vườn cuốc xới, nhưng cơ hội cực kỳ rộng mở. Vùng cam quê Dũng-Trang đã nhiều gia đình phất lên giàu có.
Ba năm ở quê, trải qua một số thất bại nhỏ, nhưng nhờ sự hỗ trợ của anh em, bà con làng xóm, vườn cam của Dũng-Trang được mở rộng thêm mấy lần, từ khi về. Đương nhiên thu nhập tăng cao. Cả hai rắn rỏi, đỡ cớm nắng hơn. Lũ trẻ thì thích vườn cam mê li.
Dũng kể: “Em về không phải nghe theo lời bài hát kiểu mệt quá thì mình về quê, nuôi cá và trồng thêm rau đâu. Về quê để làm giàu. Đó là mục đích chính. Đất quê em giàu có, chịu làm, chịu lao động, chịu học hỏi và ứng dụng cả công nghệ nữa thì không sợ gì thất bại. Mấy năm qua, bọn em vừa làm vừa bán đặc sản cam Cao Phong trên mạng, kết quả rất tốt”. Nói đến đây, cả Dũng và Trang cười tỏa nắng. Năm nay cam được giá, được cả mùa.
Được mùa, được cả giá ở giữa thời Covid-19 hoành hành dữ dội, tưởng phải bán tống bán tháo hàng tấn vải thiều, là viễn cảnh mà Thìn, nông dân ở Lục Ngạn, Bắc Giang đã nghĩ tới.
Anh Trần Trọng Thìn kể: “Đợt dịch tháng 5, 6 quét qua Bắc Giang, đúng lúc vải rộ mùa khiến nông dân hãi quá nhà báo ạ. Thời điểm ấy, chào mào, tu hú đã ríu ran khắp cả. Chúng đợi để kiếm những chùm vải chín đầu tiên. Thế mà vì dịch bệnh, mọi năm thương lái đã rậm rịch hỏi han, năm nay mất bóng. Lúc ấy, báo chí cứ râm ran lên rằng “phải giải cứu vải thiều”.
Người làng vừa đùa nhau vừa “mếu”, khéo cả nước phải ăn vải thay cơm để giải cứu mất thôi. Nhưng các cán bộ tỉnh Bắc Giang họ không tư duy và hành động bằng cách hô hào giải cứu. Họ ra văn bản đề nghị không dùng từ “giải cứu” trên báo chí. Từ giải cứu sẽ làm hỏng thương hiệu, hỏng quả vải thiều”.
Và đúng như định hướng, suy nghĩ của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. Quả vải thiều đặc hữu, đặc sản, là món hàng cao cấp, bao nhiêu người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới thích thú, muốn bỏ tiền ra mua về để thưởng thức. Sao lại cần giải cứu?
Và quả vải Việt Nam sau khi khước từ sự giải cứu đã giữ lại được thương hiệu, sự “tự tôn” của mình. Ông Thìn rạng rỡ khoe cơ ngơi hoành tráng giữa vườn vải bạt ngàn của gia đình.
XỨNG ĐÁNG VAI TRÒ "TRỤ ĐỠ" CỦA NỀN KINH TẾ
Năm 2021, nông nghiệp Việt Nam đã trải qua những khó khăn “cực đại” khi dịch bệnh, thiên tai song hành. Nhưng những người làm nông nghiệp Việt Nam chưa bao giờ để khó khăn làm nhụt chí.
Năm 2021, xuất khẩu nông lâm thủy sản tính đến hết tháng 11 đã đạt 43,48 tỷ USD, dự kiến cả năm sẽ đạt 46 đến 47 tỷ USD, vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao là 42 tỷ USD.
Những con số rất đáng tự hào của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đạt được trong năm 2021 là đặc biệt phi thường. Những con số ấn tượng đó khẳng định vai trò “trụ đỡ” của tam nông đối với nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định xã hội trong lúc đất nước gặp khó khăn do dịch bệnh.
Và câu chuyện của cây lúa Thái Bình, cam Cao Phong, vải Lục Ngạn... trong quá khứ cũng như trong đại dịch vừa qua đã minh chứng, hàng chục triệu hộ nông dân Việt là những mắt xích quan trọng nhất đã và đang nỗ lực từng ngày để góp phần vận hành, giữ cho trụ đỡ được ổn định.
Họ đang giữ cho “ngôi nhà” của người Việt được vững chắc, an toàn.