Ngày 25/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã chủ trì hội nghị đánh giá tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến nông nghiệp - nông thôn Việt Nam.
Trong phát biểu đề dẫn, ông Phát nhấn mạnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành nông nghiệp trong năm 2008 cao gấp 1,8 lần GDP của ngành nông nghiệp chứng tỏ nông nghiệp nước ta là một nền nông nghiệp mở rất rộng.
Vì vậy, những tác động của thị trường quốc tế có ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp tới đời sống và thu nhập của nông dân. Giá các mặt hàng xuất khẩu như cao su, hồ tiêu, cà phê, gạo đã giảm và giá đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm... Diễn biến thị trường hết sức nhanh, vì vậy cần phải thảo luận để đưa ra những biện pháp ứng phó kịp thời.
Khó khăn chồng chất
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản của Việt Nam trong năm 2008 ước đạt 15,4 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2007.
Song từ quý 4/2008 đã xuất hiện rất nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp được mùa, nhưng giá nông sản không giữ ở mức cao như nửa đầu năm 2008. Nếu tháng 7/2008, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt kỷ lục 1,75 tỷ USD thì trong tháng 11/2008 đã giảm gần 32%.
Nguyên nhân lớn nhất của sự sụt giảm này là do cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề tại các thị trường chủ chốt như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản khiến sức cầu sụt giảm mạnh.
Hệ thống ngân hàng ở những thị trường lớn gặp vấn đề đã làm hạn chế khả năng thanh khoản của các doanh nghiệp nhập khẩu đối với các đơn hàng từ Việt Nam. Nhiều quỹ đầu tư rút vốn khỏi ngành hàng nông sản, cộng với việc nhiều quốc gia tăng trợ cấp nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực cũng khiến giá nông sản trên thị trường thế giới giảm xuống như giá cà phê đã giảm 32%, cao su giảm 50%...
Những sự suy giảm này đưa đến hệ lụy là việc làm và thu nhập của người nông dân giảm theo.
Tuy nhiên, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng, xuất khẩu nông sản khó khăn không chỉ do tác động bên ngoài bởi nội tại ngành nông nhiệp cũng có vấn đề.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của thế giới trong giai đoạn 2004-2007 là 13,91% thì tốc độ tăng của Việt Nam đạt tới 33,87%, song trong 8 tháng đầu năm 2008 chúng ta chỉ còn tăng 21,4% trong khi tăng trưởng nhập khẩu của thế giới giảm nhẹ còn 13,01%.
Những bất lợi được ông Sơn chỉ ra: tỷ giá hối đoái của chúng ta bất lợi so với các nhà xuất khẩu nông nghiệp khác, thiên tai, dịch bệnh, công tác chỉ đạo điều hành yếu kém, vấn đề lãi suất cho vay vốn đang là trở ngại lớn, phối hợp giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu không tốt...
Bộ trưởng Cao Đức Phát so sánh, nếu cùng xuất khẩu được 100 đồng thì dệt may ta chỉ được 30 đồng nhưng nông sản được tới 70 đồng. Vì vậy, "bài toán" được đặt ra là phải duy trì sản xuất nông nghiệp như thế nào khi đầu ra đang bị thu hẹp.
Giải pháp nào?
Có 3 kịch bản về khủng hoảng tài chính toàn cầu được Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra là phục hồi nhanh trong quý 1/2009; kết thúc khủng hoảng trong năm 2009 và khủng hoảng tiếp tục lún sâu...
Cả 3 kịch bản này đều dẫn tới hệ quả xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm tương tự 10,8 tỷ USD; 13 tỷ USD, 15,3 tỷ USD. Và dù ở kịch bản nào thì ngành nông nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn không chỉ trong xuất khẩu mà cả cạnh tranh thị trường trong nước khi sản lượng thương mại toàn cầu sẽ giảm từ 1,8% xuống -1,1%.
Mặc dù cầu giảm nhưng nguồn cung những mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su... cũng ít hơn nên giá nông sản sẽ giảm không nhiều. Do vậy, phải giữ ổn định sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi...
Đối với ngành lương thực, phải giữ vững sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ xuất khẩu 4,5-5 triệu tấn gạo; ngành chăn nuôi, thủy sản cần tận dụng cơ hội giá nguyên liệu đầu vào giảm để thúc đẩy sản xuất, chiếm lĩnh thị trường trước khả năng thực phẩm nhập khẩu sẽ "đổ bộ" ồ ạt vào Việt Nam với giá rẻ.
Công tác thông tin, dự báo thị trường phải được cải thiện mạnh mẽ để có thể tận dụng những cơ hội thuận lợi trên thị trường đảm bảo người nông dân có thể ứng phó linh hoạt hơn.
Đặc biệt, ông Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, cho rằng thị trường trong nước vẫn chưa được chú ý đến khi các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta như cà phê, hạt điều, chè đều hướng ngoại tới 80-90% sản lượng.
Vì vậy cần phải chiếm lĩnh lại thị trường này bằng nâng cao chất lượng, công nghệ chế biến, tăng kích cầu nội địa, đồng thời xây dựng hàng rào kỹ thuật quản lý chất lượng nông sản nhập khẩu, cải thiện hệ thống lưu kho, phân phối nông sản trong nước.
Trong quá khứ có những thời kỳ như công nghiệp tăng trưởng âm song tăng trưởng mạnh của nông nghiệp, dịch vụ đã tạo lực đẩy giúp nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng. Như năm 1999, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính châu Á, thì cả công nghiệp, dịch vụ đều giảm mạnh nhưng nông nghiệp vẫn duy trì giúp chúng ta thoát khỏi khủng hoảng.
Song hiện nay, nông nghiệp không có những chính sách phát triển đột biến, để đủ sức chống chọi với khủng hoảng trong khi công nghiệp, dịch vụ chúng ta đã bắt đầu giảm, kéo theo một lượng lao động mất việc tạm thời đổ về nông thôn.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: mục tiêu của năm 2009 là tiếp tục kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội và nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Cần phải cân đối kế hoạch phát triển từng ngành hàng của nông nghiệp để bảo đảm mục tiêu xuất khẩu mà không ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate