Tại hội nghị Tổng kết năm 2024 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết việc hợp lực của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với ngành Tài Nguyên và Môi trường là để thích ứng kịp thời với xu hướng toàn cầu; gắn kết hiệu lực hiệu quả với mục tiêu tăng trưởng bền vững.
CẦN HỢP LỰC NÔNG NGHIỆP VỚI MÔI TRƯỜNG
Theo Bộ trưởng, ngày nay sản xuất nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, đem về ngoại tệ từ xuất khẩu và đem lại lợi nhuận cho nông dân, mà còn phải hướng tới giá trị xanh bền vững. Trong sản xuất nông nghiệp, cần phải giảm rác thải, giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn tài nguyên… Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng, giá cả, mà chú trọng cả về tổng thể quy trình sản xuất, cách thức sản phẩm nông nghiệp được tạo ra, về quá trình vận chuyển nông sản, từ cánh đồng, ao nuôi… đến bàn ăn, có bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn, thân thiện với môi trường.
“Do đó, tối ưu hóa quy trình sản xuất không còn khẩu hiệu mà hiện diện trong đời sống hàng ngày. Do đó, cần sự hợp lực, đồng lòng, tất cả vì sự dốc sức cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân; vì sự bền vững của tài nguyên và môi trường của đất nước", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thích ứng linh hoạt là cách thức để vượt qua khó khăn và tận dụng các cơ hội mới. Khơi thông nguồn lực cả bên trong và bên ngoài là động lực tăng trưởng, phát triển bền vững. Tăng tốc bứt phá là hướng đến mục tiêu vươn xa, từng bước khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp quốc gia.
"Trong bối cảnh mới, sự hợp lực của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với ngành Tài nguyên và Môi trường vừa thích ứng kịp thời với xu thế toàn cầu, vừa tạo nên sự gắn kết tổng thể, hiệu lực, hiệu quả, hướng đến mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững. Hợp lực, đồng lòng tất cả cùng dốc sức cho sự phát triển nông nghiệp-nông dân-nông thôn và vì sự bền vững của tài nguyên-môi trường”.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về việc xây dựng Đề án sắp xếp lại của Bộ Nông nghiệp, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Thông báo số 02/TB-BCĐ, thay thế cho Thông báo số 01/TB-BCĐ. Theo đó, so với Thông báo số 01/TB-BCĐ trước đó, ngoài hai tổ chức hành chính là Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung việc tiếp tục duy trì Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.
Như vậy, sẽ chỉ hợp nhất Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư thành Cục Thủy sản - Kiểm ngư, chứ không sáp nhập 3 Cục gồm: Cục Thủy sản, Cục Kiểm ngư, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường như trong Thông báo số 01/TB-BCĐ.
Ngoài ra, sẽ hợp nhất Cục Thủy lợi và Cục Quản lý Xây dựng công trình thành Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi; chuyển một số chức năng của Cục Quản lý và Xây dựng công trình về các cục chuyên ngành.
Đối với các đơn vị hành chính khác, vẫn giữ nguyên như thông báo số 01/TB-BCĐ. Đó là tiếp tục duy trì 6 đơn vị tham mưu tổng hợp, sẽ hợp nhất với các đơn vị tương ứng của Bộ Tài nguyên và Môi trường bao gồm: Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ.
DỰ KIẾN TÊN GỌI MỚI LÀ BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Đề án sáp nhập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường, tên gọi thống nhất của Bộ mới sẽ là “Bộ Nông nghiệp và Môi trường”. Về cơ cấu tổ chức của Bộ mới sau khi hợp nhất có 30 đầu mối, giảm 25 đầu mối so với 55 đầu mối hiện có trong cơ cấu tổ chức của hai Bộ (tương ứng với tỷ lệ giảm trên 45%)”.
Phát biểu tại hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng với những chỉ đạo về sản xuất kinh doanh, quản lý lĩnh vực nông lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu những ý kiến chỉ đạo về việc sáp nhập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, trình đề án hợp nhất theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tập trung làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; tháo gỡ những nút thắt về thể chế để thúc đẩy ngành phát triển nhanh và bền vững. Quá trình sắp xếp kiện toàn bộ máy dựa trên những nguyên tắc chung:
Một là, không bỏ sót chức năng nhiệm vụ, hoàn thiện chức năng nhiệm vụ tốt hơn, triệt để hơn.
Hai là, không chồng chéo chức năng nhiệm vụ, hạn chế tối đa giao thoa.
Ba là, tăng cường phân cấp phân quyền, đi đôi với đó là phân bổ các nguồn lực. Đồng thời tăng cường giám sát kiểm tra, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, bỏ khâu trung gian để tránh gây sách nhiễu, phiền hà gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Bốn là, phải minh bạch công khai, phải sử dụng chuyển đổi số trong bộ máy, để giảm chi phí đầu vào cho người dân và doanh nghiệp.
"Chuyển đổi bộ máy không được cứng nhắc, phải linh hoạt, làm sao để đạt được mục tiêu chung là tinh gọn mạnh, đạt hiệu quả, giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Tất cả hy sinh vì mục tiêu chung".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng ghi nhận sự cố gắng của hai Bộ, khi từ 55 đầu mối tinh gọn còn 30 đầu mối; đồng thời nhấn mạnh: "Bớt được 25 đầu mối, từ đó bớt được các thủ tục hành chính. Việc tinh gọn bộ máy phải nhanh gọn khẩn trương, quý trọng thời gian, trí tuệ, quyết đoán, đúng thời điểm. Việc sắp xếp bộ máy phải đi vào ổn định ngay".
Về lộ trình sáp nhập, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc sáp nhập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ được đưa vào cuộc họp Trung ương trong tháng 1/2025, Quốc hội thông qua vào tháng 2/2025. Thời gian từ nay đến trước ngày 15/1, hai Bộ sẽ phải hoàn thành các mục tiêu sáp nhập mà Ban Chỉ đạo Trung ương đề ra. Sau khi Đề án được Quốc hội thông qua, thì quá trình sáp nhập mới chính thức được tiến hành.