October 27, 2022 | 07:00 GMT+7

Nông nghiệp Việt Nam hướng đến những giá trị xanh

Chương Phượng -

Trước các vị Bộ trưởng Nông nghiệp trong khối ASEAN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh…

Tại Việt Nam, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đã phát huy hiệu quả.
Tại Việt Nam, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đã phát huy hiệu quả.

Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 44 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 26/10/2022 do Chính phủ Lào đăng cai chủ trì. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham dự tại điểm cầu Hà Nội và đã có những phát biểu quan trọng.

NÔNG NGHIỆP ASEAN ỨNG PHÓ VỚI NHỮNG THÁCH THỨC MỚI

Tại hội nghị này, Bộ trưởng ngành nông nghiệp của các nước Đông Nam Á đều có chung nhận định rằng nông nghiệp là một trong những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, xung đột Nga – Ukrane và lạm phát ở nhiều nơi trên thế giới.

Vì vậy, hội nghị đã đi đến nhất trí trong việc nỗ lực thực hiện các biện pháp phục hồi để đảm bảo nguồn cung cấp lương thực đầy đủ và liên tục cũng như hoạt động của các hoạt động kinh doanh và dịch vụ cho hệ thống lương thực thực phẩm và nông nghiệp.

Cụ thể, sẽ thúc đẩy sự hỗ trợ của Chính phủ về Đối tác công tư để phát triển các Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm phù hợp cho các doanh nghiệp nông nghiệp với tất cả các quy mô. Các đại biểu đã nhắc lại tầm quan trọng của Hướng dẫn ASEAN về Thúc đẩy đầu tư vào lương thực thực phẩm, nông lâm nghiệp (ASEAN-RAI).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham dự hội nghị từ điểm cầu Hà Nội.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tham dự hội nghị từ điểm cầu Hà Nội.

Các nước cần tăng cường kiểm soát bệnh động vật và bệnh truyền nhiễm từ động vật bằng cách ứng dụng kiến thức chuyên môn của các thành viên trong Trung tâm Điều phối ASEAN về Thú y và Bệnh động vật (ACCAHZ).

Đối với Chiến lược ASEAN về Năng lượng sinh khối cho các Cộng đồng nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực giai đoạn 2020-2030, Hội nghị khuyến khích tất cả các đối tác ASEAN và các bên liên quan phối hợp với ASEAN để thực hiện các Kế hoạch hành động liên quan nhằm đóng góp vào việc cung cấp năng lượng và an ninh năng lượng cho các cộng đồng nông thôn bằng cách tạo ra năng lượng sinh khối thông qua quản lý chất thải hữu cơ phụ phẩm nông nghiệp.

 

"Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh. Đó là nền nông nghiệp sản xuất tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm…"

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Những nỗ lực trong việc tăng cường hợp tác giữa các ngành về nông nghiệp bảo tồn, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và các sáng kiến quản lý đất bền vững nhằm đảm bảo tính bền vững của hệ thống nông nghiệp sinh thái trong khu vực cũng được ghi nhận. 

Đối với lĩnh vực thủy sản, các nước ASEAN cần tập trung nỗ lực vào việc thực hiện đầy đủ 12 Khung chính sách nghề cá khu vực bao gồm cả rác thải biển.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Với nỗ lực xây dựng nền kinh tế xanh, giảm phát thải cũng như thực thi các cam kết, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành nhiều chiến lược như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050… Tất cả đều hướng đến thúc đẩy nền nông nghiệp thân thiện với môi trường, carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

VIỆT NAM ĐÃ CÓ NHIỀU MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP XANH

Bộ Trưởng Lê Minh Hoan cho biết tại Việt Nam, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đã được thực hiện, qua đó giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Đó là như những mô hình canh tác lúa giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo“4 đúng,” giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như "3 giảm 3 tăng," "1 phải 5 giảm," kỹ thuật tưới nông-lộ- phơi... Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt mô hình xen canh lúa-tôm, lúa-cá… là một trong những mô hình điển hình về thích nghi với biến đổi khí hậu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Đây chính là những hướng đi mới phù hợp với thị trường hiện nay bởi trên thị trường thế giới, nhiều quốc gia đã khuyến khích, ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ.

 

"Các cuộc xung đột ở nhiều khu vực trên thế giới cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tình trạng biến đổi khí hậu và gia tăng dân số cũng đang đặt thêm gánh nặng cho ngành nông nghiệp toàn cầu nói chung và khu vực nói riêng".

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chia sẻ những khó khăn thách thức hiện nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định: Chúng ta vừa trải qua một giai đoạn rất khó khăn do đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu khiến tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, làm chuỗi cung ứng và lưu thông thương mại bị gián đoạn, đẩy thêm hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo. Giá lương thực tăng cao, làm dấy lên mối lo ngại nguy cơ thiếu đói tại nhiều quốc gia.

Trước bối cảnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”. Song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp “đa giá trị” để tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, quá trình cơ cấu lại nông nghiệp cũng đưa ra ưu tiên cao trong phục vụ lợi ích của nông dân nhỏ và người tiêu dùng, phát triển hợp tác xã gắn kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao tinh thần chủ động và nỗ lực của các cơ quan kỹ thuật trong khuôn khổ hợp tác nông lâm nghiệp ASEAN để một loạt các tài liệu, sáng kiến được đề xuất cho năm 2022 đã được thảo luận và đệ trình Hội nghị Bộ trưởng ngày hôm nay xem xét thông qua, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

“Tôi tin tưởng rằng hợp tác ASEAN sẽ tạo ra động lực và cơ hội mới để hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, bền vững và đảm bảo an ninh lương thực cho toàn khu vực ASEAN”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate