Dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden, các phe phái đại diện cho các lợi ích tranh chấp đang xây dựng, đề xuất hoặc ban hành các chính sách mới nhằm điều tiết nền kinh tế, hướng tới một số mục tiêu xã hội hoặc lật ngược các chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump trước đó.
Theo các nhà phân tích, nền kinh tế Mỹ đang bị xé nhỏ - thông qua thuế, vay nợ, chi tiêu và quy định - có khả năng cản trở dự báo tăng trưởng cao trong thời kỳ hậu đại dịch. Các chuyên gia cho rằng cái đang thiếu hiện giờ là nỗ lực phối hợp chính sách giữa các phe phái trong Nhà Trắng, các cơ quan chính phủ, các đảng phái chính trị và Quốc hội, chưa kể đến các nhóm vận động chính sách, các viện hàn lâm và khu vực tư nhân.
Những nghi ngờ về tăng trưởng kinh tế đã trở thành hiện thực vào tháng Năm. Cục Thống kê Lao động (BLS) thông báo rằng chỉ có 266.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng Tư. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn tiếp tục duy trì ở mức 6%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng lên 4,2%, đạt mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 9 năm 2008. Chỉ số giá sản xuất cũng tăng vọt lên mức kỷ lục là 6,2%.
CÁC VẤN ĐỀ VỀ LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có hai cách nhìn nhận kinh tế khác nhau. Đảng Dân chủ tin rằng các báo cáo kinh tế "xấu" chỉ phản ánh tình hình nhất thời, điều đó sẽ tự điều chỉnh và chi tiêu của Chính phủ nên được tăng thêm. Đảng Cộng hòa tin rằng nền kinh tế đang bên bờ vực khủng hoảng và cần cắt giảm đáng kể các chính sách chi tiêu hiện thời.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) và Kho bạc nghiêng về quan điểm của Đảng Dân chủ cho rằng những báo cáo này chỉ mang tính nhất thời. Nhưng các báo cáo cũng làm dấy lên câu hỏi về nhiệm vụ của các cơ quan này, đó là đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát ở mức thấp, đồng thời duy trì ổn định giá cả.
Khoảng 9,8 triệu người lao động thất nghiệp đã quyết định không quay lại làm việc. Các khoản phúc lợi hào phóng do Chính phủ liên bang và tiểu bang cung cấp đã trở thành “động lực” khiến người thất nghiệp tiếp tục lựa chọn được thất nghiệp.
Người lao động mất việc làm ở Mỹ hiện có thể nhận được từ 800 đến 1.000 USD mỗi tuần. Ngoài ra, họ cũng được nhận các khoản bảo lãnh khi trả tiền thuê nhà và thế chấp tài sản.
Ngân hàng Bank of America ước tính rằng nếu một lao động mất việc làm không thể kiếm được ít nhất 32.000 USD/năm khi quay trở lại làm việc thì họ thà tiếp tục ở nhà và nhận trợ cấp của Chính phủ còn hơn.
Thực tế là thị trường lao động không thiếu việc làm. Cục Thống kê Lao động ước tính hiện tại đang có 8,1 triệu cơ hội việc làm còn trống, và đây là một con số kỷ lục. Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ và các hiệp hội kinh doanh khác cho biết các thành viên của họ không thể thuê nhân công cho các vị trí việc làm còn đang trống. Theo báo cáo của Liên đoàn các doanh nghiệp độc lập, 44% các công ty thành viên không thể tuyển dụng được nhân công.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, đang bị ép buộc phải tăng lương lên cao hơn mức lương tối thiểu là 7,25 USD/giờ nhưng vẫn không có ai nộp đơn. Nhiều công ty đang đưa ra các khoản thưởng dành cho những người lao động quay trở lại làm việc.
Đảng Dân chủ, với quan điểm rằng không có mối liên quan gì giữa việc người lao động không quay lại làm việc và chính sách trợ cấp thất nghiệp, đang tăng cường các khoản phúc lợi hơn nữa. 2/3 dân số California đang được nhận khoản trợ cấp hỗ trợ phục hồi kinh tế trị giá 600 USD của chính quyền tiểu bang. Những người nước ngoài lưu trú bất hợp pháp cũng được nhận khoản tiền này.
Đảng Dân chủ cho rằng các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về việc sa thải người lao động trong thời gian đại dịch Covid-19 cũng như tình trạng thiếu lao động hiện nay. Doanh nghiệp phải tăng lương vĩnh viễn cho người lao động. Đảng Cộng hoà cho rằng đây chính là một nỗ lực của phe đối lập nhắm tới mức lương tối thiểu 15 USD/giờ - một dự luật không nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội.
Đáp lại, 15 chính quyền tiểu bang do Đảng Cộng hoà nắm quyền đã tuyên bố họ sẽ chấm dứt các khoản phúc lợi trước ngày hết hạn vào tháng 9. Thay vào đó, một số tiểu bang sẽ đưa ra các khoản thưởng cho người lao động trở lại làm việc. Các nghị sỹ Cộng hoà cũng đang nỗ lực ngăn chặn thông qua dự luật cứu trợ kích thích kinh tế.
Lý do quan trọng thứ hai dẫn đến số liệu thất nghiệp cao như vậy là các trường học đóng cửa toàn bộ hoặc một phần do các quy định hạn chế trong đại dịch.
Đảng Cộng hòa cho rằng việc đóng cửa trường học từ năm ngoái là không có lý do chính đáng. Khoa học chứng minh trẻ em không phải là đối tượng có nguy cơ nhiễm Covid. Các trường tư thục và trường dòng vẫn mở cửa đón học sinh trong khi các trường công lập đóng cửa. Vì vậy, chính sách này đã cản trở người lao động quay lại làm việc một cách thiếu khôn ngoan. Nếu có thể, các tiểu bang của Đảng Cộng hoà nắm quyền đã mở cửa trường học trước các bang Dân chủ từ rất lâu.
Thứ ba, các chính quyền tiểu bang không thi hành các quy định về trợ cấp thất nghiệp, bao gồm yêu cầu người lao động thất nghiệp phải tìm kiếm việc làm, và nếu nhận được chấp thuận tuyển dụng thì họ phải nhận việc. Còn nếu từ chối, họ sẽ không tiếp tục được nhận trợ cấp thất nghiệp. Cho đến bây giờ, Nhà Trắng mới kêu gọi các tiểu bang yêu cầu người lao động tìm kiếm việc làm.
Thứ tư, một yếu tố nữa là người lao động e sợ nhiễm Covid khi trở lại làm việc. Một phần ba dân số Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ. Mỹ đang dư thừa 300 triệu liều vaccine do nhiều người dân từ chối tiêm chủng. Phe Cộng hoà cho rằng đây là hệ quả của những thông điệp “bất nhất” của Chính phủ về vaccine. Dù nói thế nào thì việc người lao động sợ hãi nhiễm virus là có thật, tuy nhiên rủi ro đang giảm dần từng ngày.
NHỮNG LO NGẠI VỀ NỢ, CHI TIÊU VÀ LẠM PHÁT
Mức tăng trưởng kinh tế dự kiến sau đại dịch, nếu không được quản lý cẩn trọng, có thể dẫn đến gia tăng lạm phát. Phân tích của các chuyên gia dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ có thể đạt đến 6%.
Tuy nhiên, việc tăng lương cho người lao động đang có việc làm và trợ cấp phúc lợi cho người lao động mất việc, cùng với việc hàng hoá và nhà ở tăng giá làm dấy lên nhiều mối lo ngại.
Trong thời kỳ đại dịch, các gia đình ở Mỹ đã tiết kiệm được một khoản tiền khổng lồ với tổng giá trị 1,5 nghìn tỷ USD. Khi nền kinh tế có bước chuyển, nhiều khả năng người dân sẽ đổ khoản tiền vào chi tiêu.
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, chi tiêu chính phủ tăng mạnh cho các chương trình cứu trợ Covid với khoản ngân sách 1,4 nghìn tỷ USD và Đạo luật cứu trợ Covid trị giá 900 tỷ USD. Dưới thời Tổng thống Biden, kế hoạch giải cứu Covid đã được bổ sung thêm 1,7 nghìn tỷ USD.
Hai dự luật chi tiêu nữa — dành cho cơ sở hạ tầng và gia đình — nếu được thông qua, thì tổng chi tiêu cứu trợ Covid sẽ được cộng thêm 4 - 5 nghìn tỷ USD nữa. Đảng Cộng hòa đang nỗ lực ngăn chặn các dự luật chi tiêu này, nhưng Đảng Dân chủ không hề nao núng.
Các gói chi tiêu khổng lồ dưới thời của ông Trump và ông Biden đã khiến khoản nợ quốc gia lên đến hơn 30 nghìn tỷ USD, tương đương hơn 130% GDP. Đảng Dân chủ tin rằng họ có thể in thêm tiền để tránh nợ. Họ đang áp dụng Thuyết tiền tệ hiện đại chưa được kiểm chứng với niềm tin rằng một quốc gia chỉ cần nắm quyền kiểm soát tiền tệ thì sẽ không phải lo lắng gì về nợ nần.
Đảng Dân chủ dự kiến sẽ tăng thuế để có ngân sách chi trả cho các khoản chi tiêu mới, chủ yếu bằng cách tăng mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% lên 28% và thuế thu nhập đối với những người giàu nhất lên gần 50%, tính gộp cả phần thuế tiểu bang.
Đảng Cộng hòa muốn duy trì mức thuế thấp có được từ chính sách cắt giảm thuế dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump. Họ tin rằng chính sách đó là đòn bẩy cho sự thịnh vượng kinh tế đạt mức kỷ lục. Và khi có được sự thịnh vượng kinh tế thì Chính phủ không cần đến các gói kích kích khổng lồ nữa. Trong khi đó, nguồn thu ngân sách từ chính sách thuế tăng đột biến của Đảng Dân chủ vẫn không thấm vào đâu so với các khoản thanh toán gây thâm hụt ngân sách và nợ dài hạn.
Đảng Dân chủ không chấp nhận cắt giảm bất kỳ một khoản chi tiêu nào để bù đắp cho các khoản chi tiêu mới ngoại trừ giảm ngân sách quốc phòng. Đảng Cộng hoà chống lại các khoản chi tiêu mới đang được đề xuất đồng thời cũng phản đối cắt giảm các chương trình chi tiêu hiện thời.
Theo các nhà phân tích, nền kinh tế Mỹ đang đứng trước “thời điểm bản lề”, và nước Mỹ có thể đi theo bất kỳ hướng nào: hoặc theo hướng của Đảng Dân chủ hoặc theo Đảng Cộng hoà. Vài tháng tới đây sẽ là khoảng thời gian vô cùng quan trọng.