July 19, 2024 | 10:19 GMT+7

Nút giao An Phú dự kiến hoàn thành vào năm 2025

Xuân Nghi -

Là nút giao quan trọng đặc biệt thuộc dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM và được khởi công xây dựng vào cuối năm 2022, sau 18 tháng thi công, đến nay hình hài của nút giao lớn nhất và hiện đại nhất TP.HCM đang dần ló dạng...

Công trình nút giao thông An Phú với tháp biểu tượng Khát Vọng sau khi hoàn thành. Ảnh: TCIP.
Công trình nút giao thông An Phú với tháp biểu tượng Khát Vọng sau khi hoàn thành. Ảnh: TCIP.

Dự án nút giao An Phú (phường An Phú, thành phố Thủ Đức) là dự án trọng điểm có quy mô 3 tầng là hầm chui, cầu vượt và đường nối vào các tuyến đường trọng điểm, có tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng sau khi điều chỉnh. Dự án được chính thức khởi công vào ngày 29/12/2022 và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng dịp 30/4/2025.

Trước đó, dự án đã được Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua vào tháng 4/2021 với có tổng mức đầu tư 3.926 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách (ngân sách trung ương 1.800 tỷ đồng, ngân sách thành phố 2.126 tỷ đồng). Tổng diện tích đất sử dụng cho dự án là 29 ha, trong đó diện tích đất cần thu hồi khoảng 2.400 m2, là một trong những dự án trọng điểm của ngành giao thông thành phố giai đoạn 2021 – 2025.

Nút giao An Phú nằm tại điểm đầu của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đường Mai Chí Thọ (tức đại lộ Đông Tây), được kỳ vọng giảm ùn tắc cho khu vực và tuyến đường vào cảng Cát Lái (đường Đồng Văn Cống). Đây là một “điểm đen” về giao thông ở cửa ngõ phía đông của TP.HCM. Dự án sau khi hoàn thành sẽ kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đại lộ Mai Chí Thọ và các tuyến trục chính của TP.HCM; giải quyết bài toán ùn tắc giao thông quanh khu vực nút giao ở cửa ngõ phía đông, đặc biệt khi sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành và đưa vào khai thác.

Báo cáo mới đây của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) với Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, chủ đầu tư này cho biết hiện các phương án thiết kế đã báo cáo trước đó về nút giao có quy mô 3 tầng vẫn cơ bản được giữ nguyên. Còn quy mô và vị trí của tháp ở trung tâm mang tên “Khát vọng” thì cần tính toán lại phương án thiết kế sao cho tương xứng với quy mô nút giao và biểu tượng của thành phố Thủ Đức.

Đại diện TCIP cho biết rằng công trình đến nay đã đạt 50% tổng khối lượng, cơ bản đáp ứng tiến độ dự án; trong đó, các hạng mục cầu Bà Dạt (đạt 80%), cầu Giồng Ông Tố (đạt 85%) và hầm chui nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống thuộc công trình dự án nút giao An Phú sẽ hoàn thành trước trong năm 2024. Hiện tại, chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ các hạng mục, cũng như tranh thủ thi công các hạng mục còn lại khác trong thời gian chờ hoàn thiện các hạng mục sắp hoàn tất.

Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, nút giao An Phú sẽ giúp giải quyết bài toán kẹt xe triền miên tại "điểm đen" về giao thông này. Ảnh: Khu vực thi công nút giai An Phú.
Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, nút giao An Phú sẽ giúp giải quyết bài toán kẹt xe triền miên tại "điểm đen" về giao thông này. Ảnh: Khu vực thi công nút giai An Phú.

Dự án nút giao thông An Phú có quy mô phần đường từ 10 - 12 làn xe, phần hầm chui 4 làn xe hai chiều, các cầu vượt mỗi nhánh 2 làn xe. Theo thiết kế, đảo trung tâm nút giao An Phú sẽ có tháp trung tâm theo phương án kiến trúc đã được thông qua. Chiều cao đỉnh tháp 36 m, có trang bị thang xoắn phục vụ công tác duy tu bảo dưỡng. Phần đế tháp thể hiện cội nguồn là sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, sự hợp lực của nhiều thành phần xã hội trong thành phố hòa cùng một khát vọng xây dựng thành phố giàu mạnh. Tháp được trang bị thang xoắn để tiện duy tu, bảo dưỡng. Xung quanh đảo tháp trung tâm này là hồ nước cạn, đài phun nước, chiếu sáng mỹ thuật trụ tháp.

Các cầu vượt băng qua nút giao thông An Phú với mỗi nhánh được thiết kế hai làn xe, rộng 9 m, cao 4,75 m, vận tốc 50 km/h. Lan can cầu làm bằng thép mạ kẽm. Mặt cắt ngang hai hầm chui có bốn làn xe (hai chiều), tổng chiều dài 915 m; trong đó, hầm HC1 dài 455 m và HC2 là 460 m, vận tốc 50 km/h. Khu vực có bố trí hai trạm bơm thoát nước. Trong số 2 cầu vượt, một cầu chữ Y nối đường Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội) và đường Lương Định Của với đường cao tốc; một cầu rẽ phải từ đường cao tốc vào đường Mai Chí Thọ (phía đường Võ Nguyên Giáp).

Ngoài nút giao An Phú, khu vực thành phố Thủ Đức còn một số dự án hạ tầng trọng điểm khác đã và đang được khẩn trương triển khai nhàm giải quyết bài toán về giao thông ở của ngõ phía đông và đông bắc thành phố. Cụ thể, dự án nút giao Mỹ Thủy (cách nút giao An Phú khoảng 3 km) có tổng mức đầu tư 3.600 tỷ đồng vừa tái thi công sau nhiều năm bị đình trệ gây ách tắc trầm trọng cửa ngõ vào cảng Cát Lái lớn nhất thành phố. Dự án cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp hiện đạt gần 80% khối lượng, sẽ thông xe cuối tháng 9 năm nay. Dự án cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai sau nhiều năm đình trệ cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, sẽ hoàn thành một nhánh cầu cuối tháng 10/2024 và hoàn thành nhánh còn lại cuối năm 2025.

Phía Đông Bắc thành phố, dự án mở rộng quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh giới tỉnh Bình Dương, có tổng mức đầu tư hơn 13.850 tỷ đồng cũng đang được triển khai. Theo kế hoạch, dự án này sẽ khởi công cuối năm 2025 và hoàn thành vào năm2028.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate