Ám ảnh ngập nước sau mỗi trận mưa đã quay lại với người dân sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Nhiều dự án tiêu nước, chống ngập tiêu tốn hàng trăm tỷ, nghìn tỷ đồng từ hơn chục năm qua, đến nay "đâu vẫn vào đấy", không phát huy hiệu quả. Sài Gòn hễ mưa là ngập!
SÀI GÒN HỄ MƯA LÀ NGẬP!
Tình trạng “mưa là ngập” ở TP.HCM hiện không còn là vấn đề “của nội thành” mà lan ra đến các vùng, quận ven, huyện ngoại thành, tập trung nhiều nhất và nặng nhất là thành phố Thủ Đức với những tuyến giao thông truyền thống “đường như sông”: Võ Văn Ngân, Nguyễn Duy Trinh, Kha Vạng Cân, Tô Ngọc Vân, Hiệp Bình, quốc lộ 13,… Người dân sinh sống và mưu sinh tại các khu vực này đã quá ngán ngẫm với tình trạng “bệnh di căn” này.
Quan sát những ngày từ giữa tháng 5/2024 đến nay, ghi nhận một số khu vực ở Thủ Đức có mực nước ngập cao hơn mọi thường vào đầu mùa mưa, từ 30 – 40 cm, có nơi ngập sâu 60 cm. Các hộ buôn bán dọc các tuyến đường này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều cơ sở bị hư hỏng đồ đạc, vật dụng, sản phẩm trưng bày như bách hóa, thời trang, thực phẩm, hàng điện máy, quầy ăn uống…
Nhiều khu vực khác ở các quận 8, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh,… mực nước ngập sau các trận mưa đầu mùa không thua kém gì mực nước ngập hàng năm như tuyến đường Hồ Học Lãm (Q. Bình Tân), An Dương Vương (Bình Chánh), Quang Trung, Lê Đức Thọ, Thống Nhất, Pahn Văn Trị (Q. Gò Vấp),…
Ông Mai Hữu Quyết, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Thủ Đức, lý giải về thực trạng ngập nước do mưa kéo dài này là bởi vị trí. So với những nơi khác ở Thủ Đức, chợ Thủ Đức thấp hơn rất nhiều vì nằm tại một vùng trũng và thấp hơn khu vực ngã tư Thủ Đức gần đó khoảng 20 m. Các tuyến đường đổ về chợ Thủ Đức có độ dốc đổ về hướng chợ, vì vậy khi có mưa và mưa lớn là lượng nước mưa từ các tuyến đổ về khu chợ gây ngập nặng tại đây. Một dự án nâng cấp các tuyến đường quanh chợ và nâng cao mặt bằng chợ Thủ Đức cũng đã được tính toán, nhưng chưa bố trí được nguồn vốn nên chưa thể triển khai.
Phát triển đô thị nóng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập úng sau mưa tại TP.HCM nói chung, nhiều khu vực cục bộ khác rải rác ở các quận nói riêng; trong đó cốt nền địa chất là yếu tố quan trọng: Vùng đất Sài Gòn – Gia Định thấp dần theo hướng tây bắc – đông nam, các quận 12, Hóc Môn thường ít ngập hơn khu vực Thủ Đức. Ngoài ra, việc lấp kênh rạch (có nơi lấp hẳn, có nơi đặt cống thay kênh…) nhằm tận dụng mặt bằng trong quá trình thi công hạ tầng, đô thị hóa đã làm tắc nghẽn dòng chảy tự nhiên của các dòng kênh thay vì phải khơi thông chúng.
TP.HCM từng có “đại dự án” về xây hồ điều tiết chống ngập từ năm 2015, trong đó sẽ xây 3 hồ điều tiết nhằm giải quyết tình trạng ngập ở khu trung tâm (Bàu Cát – Tân Bình, Gò Dưa – Thủ Đức, Khánh Hội – quận 4). Theo kế hoạch này, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM từng đưa ra tính toán rằng đến năm 2020, TP.HCM sẽ hết ngập nếu thực hiện xong các dự án theo quy hoạch thoát nước giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời lượng mưa không vượt tần suất dự báo. Dĩ nhiên, để làm được điều này thì phải có tiền, và đến nay đã bước vào mùa mưa của năm 2024!
Một chuyên gia về lĩnh vực giao thông, TS Phạm Sanh, nguyên giảng viên Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng: "Đã đến lúc phải nhìn lại kết quả công tác phòng chống bão lũ và chống ngập tại các thành phố ở Việt Nam sao cho bền vững hơn, khoa học hơn, vượt xa hơn các cảnh báo chung chung. Các giải pháp xử lý tình thế nhằm giải quyết hậu quả, các kết quả hội nghị, hội thảo dựa trên kiến thức các chuyên ngành riêng lẻ, các dự án tốn kém nhưng không đánh giá được hiệu quả. Cứ đổ lỗi cho thiên tai là không công bằng".
CẦN MỘT CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH TỔNG THỂ
Nhìn vấn đề dưới góc độ động lực học, nghiên cứu viên cấp cao TS. Trương Đình Hiển, khoa học gia về động lực học biển và công trình thầm lục địa, tác giả công trình nghiên cứu (cùng với các cộng sự) về xây dựng hệ thống thoát lũ cho tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè tại TP.HCM hơn 20 năm về trước, đã đưa ra các phân tích chi tiết.
Theo ông, có 3 nguyên nhân chủ yếu gây ngập nước tại TP.HCM: Do tác động của thủy triều bởi biến đổi khí hậu; do mưa và lũ (chủ yếu là mưa); và do nước thải và hệ thống cống rãnh tắc nghẽn. Để chống ngập có hiệu quả, nhà khoa học lão thành này khẳng định: “Không thể tiến hành đồng thời các yếu tố trên, mà phải nghiên cứu và đấu loại từng yếu tố một, một cách dứt khoát, dứt điểm".
TS. Trương Đình Hiển đưa ra công thức tổng quát 3 bước.
Bước 1, bằng mọi biện pháp và chương trình, phải loại thủy triều khỏi khu vực TP.HCM.
Bước 2, sau thủy triều, phải chọn thời điểm vào mùa khô (loại mưa) để xem xét các vùng bị ngập (không do triều).
Bước 3, khi mùa mưa đến, sẽ tiến hành xem xét các trận mưa cực lớn gây ngập những vùng còn lại, và khắc phục dứt điểm.
Để giải quyết yếu tố thứ nhất là ngập triều và nước dâng (do biến đổi khí hậu), theo TS. Hiển Tp.HCM phải có bình đồ rõ ràng, với tỷ lệ 1/500 để theo dõi và thi công rốt ráo từng vấn đề một. Các nhà khoa học phải tính được độ cao mực thủy triều lúc đạt đỉnh với đơn vị thời gian 100 năm/lần (tiêu chuẩn quốc tế). Kế tiếp, áp mực thủy triều này vào bình đồ hiện có của Tp.HCM. Ta sẽ phát hiện được tất cả các vùng bị ngập do thủy triều. Đây là vấn đề hoàn toàn mang tính kỹ thuật. Cũng theo ông, ngập do thủy triều lại bởi 2 yếu tố tác động trực tiếp, là ngập do địa hình thấp, và ngập do nước xâm lấn bằng hệ thống cống rãnh.
Khi đã loại trừ được yếu tố thủy triều, cần phải chọn thời điểm mùa khô để xem xét (tiếp tục) các vùng bị ngập. Vì đây là thời kỳ không mưa nên khi phát sinh ngập là do nguyên nhân hệ thống cống rãnh, nước thải bị nghẹt. Sau khi đã loại được 2 yếu tố trên, vào mùa mưa, sẽ tiến hành nghiên cứu những cơn mưa cực lớn khả dĩ gây ngập, để phát hiện những vùng còn ngập, nhằm xác định chắc chắn: “Ngập là do mưa!”, từ đó có giải pháp giải phóng nước mưa cho các vùng này.
Về vấn đề thoát nước mưa, TS. Trương Đình Hiển đề xuất trước hết cần nạo vét các kênh, rạch sẵn có tạo thành những vùng chứa nước mưa và nước thải. Trên thực tế, thời gian qua, khi triển khai một số dự án chống ngập, TP.HCM đã tiến hành san lấp một số các kênh, rạch để đặt cống hộp và làm đường trên chính dòng kênh, rạch này. Điều này là phản khoa học; vì vừa làm hẹp lưu lượng thoát nước tự nhiên (giữa cống so với dòng kênh), vừa làm gia tăng lượng nước thải do sinh hoạt bởi một tập quán rất Việt Nam: nơi đâu có con đường, có mặt tiền, nơi đó có cư dân sinh sống.