Điều chỉnh trong giai đoạn mới
Ngày 10/3/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 06 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP về thuế suất nhập khẩu MFN, đảm bảo sự hài hòa và hợp lý. Mục tiêu là hoàn thành trong tháng 3/2025 theo trình tự thủ tục rút gọn.

Theo Nghị định sửa đổi, ô tô thuộc 3 mã hàng HS 8703.23.63, 8703.23.57, 8703.24.51 từ 64% và 45% về cùng một mức thuế suất là 32%.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết việc điều chỉnh thuế suất MFN lần này có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt là Mỹ.
Từ ngày 11/9/2023, Việt Nam và Mỹ đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, do chưa có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương, hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ vẫn chịu mức thuế MFN áp dụng chung cho các quốc gia thành viên WTO. Điều này tạo ra sự chênh lệch đáng kể so với các đối tác đã có FTA với Việt Nam.
Hiện ngoài Mỹ, Việt Nam còn có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 11 quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Nga, Ấn Độ, Pháp, Singapore, Malaysia, Indonesia và New Zealand. Do đó, sự điều chỉnh để đảm bảo công bằng trong chính sách thuế giữa các đối tác thương mại quan trọng là rất cần thiết.
Trước đó, kể từ ngày 1/1/2025, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), mức thuế nhập khẩu ô tô năm 2024 là 39% - 42,5% được giảm xuống 31,2% - 35,4%. Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) với cam kết EU sẽ mở cửa thị trường ô tô cho Việt Nam. Theo đó, ô tô con thuộc nhóm 87023 đang hưởng thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) 10% sẽ giảm về 0% sau 7 năm, còn linh kiện ô tô có thuế nhập khẩu từ 3 - 4% sẽ được cắt bỏ ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Ở Việt Nam, các loại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ EU về hầu hết nằm ở phân khúc xe hạng sang như Mercedes, Audi, BMW, Land Rover v.v… còn xe từ thị trường Mỹ nhưu Ford, Jeep, Cadillac, Lincoln,… là những loại xe có động cơ dung tích lớn và thiết kế cơ bắp mạnh mẽ. Trước khi các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, mức giá bán của các dòng xe này khá cao nên người tiêu dùng chưa tiếp cận nhiều bằng các mẫu xe có xuất xứ từ các nước trong khối ASEAN. Tuy nhiên, khi mức thuế MFN mới khi được thông qua thời gian tới thì người tiêu dùng sẽ có cơ hội được tiếp cận các mẫu xe từ Mỹ với giá cả dễ chịu hơn.
Bên cạnh việc mang lại cho người tiêu dùng Việt thêm nhiều lựa chọn, các Hiệp định thương mại tự do như các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) còn mang lại nhiều cơ hội cho ngành ô tô Việt Nam và doanh nghiệp sản xuất trong nước thông qua việc giảm thuế và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ứng phó của ngành ô tô Việt Nam

Việt Nam hiện đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0%. Từ 2018, Việt Nam đã đưa thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi ô tô về 0%, dành cho các nước thành viên Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Đến 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, dành cho các khu vực châu Âu, Nhật Bản, Mexico…
Bên cạnh thuận lợi cũng sẽ là những thách thức rất lớn khi ngành công nghiệp ô tô trong nước chưa thực sự mạnh. Gần đây nhất, năm 2024 là một năm xe lắp ráp trong nước gặp rất nhiều khó khăn trước sự lớn mạnh không ngừng của xe nhập khẩu. Tình hình chỉ khởi sắc hơn khi chính sách ưu đãi trước bạ trong 3 tháng cuối năm.
Trước bối cảnh mới khi việc triển khai các mức thuế mới với các FTA có hiệu lực, bên cạnh các chính sách hỗ trợ ngắn hạn như ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ ô tô đến hết năm 2027, ưu đãi thuế trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước… Chính phủ Việt Nam đã xây dựng chiến lược dài hơi trong Chiến lược phát triển các ngành ô tô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt ra mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.
Tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước đặt mục tiêu phải chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa. Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Giai đoạn 2026 - 2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về link kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Bên cạnh đó, trong Dự thảo chiến lược triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã có nhiều giải pháp về chính sách dài hơi được Bộ Công Thương đưa ra.
Về chính sách, theo Bộ Công Thương, để phát triển thị trường ô tô trong nước cần thực hiện các chính sách ưu đãi về vay vốn và khuyến khích đầu tư CNHT theo hướng đổi mới và chuyển giao công nghệ tiên tiến để tăng qui mô sản xuất nhằm đạt được hiệu quả kinh tế theo qui mô, giảm giá thành.
Phát triển danh mục sản phẩm và dòng sản phẩm CNHT (product - mix and product lines) đáp ứng nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước và xuất khẩu: Lựa chọn danh mục sản phẩm và các dòng sản phẩm trong mỗi danh mục đáp ứng nhu cầu của từng nhóm khách hàng mục tiêu là các doanh nghiệp lắp ráp ô tô để lựa chọn đầu tư kỹ thuật sản xuất và công nghệ phù hợp. Xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế làm căn cứ cho việc định hướng phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô.

Đặc biệt, cần điều chỉnh một cách đồng bộ các loại thuế, phí và lệ phí liên quan đến sản xuất, tiêu thụ, xuất và nhập khẩu ô tô: Ổn định các chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan đến ô tô (SCT/OT/VAT, phí duy tu, bảo dưỡng đường bộ, phí môi trường...) với lộ trình ổn định trong vòng 10 năm; điều chỉnh giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu cho hợp lý.
Để khắc phục tình trạng giá trị tạo ra trong nước còn thấp, cần tập trung vào các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước: (1) Khuyến khích đầu tư: Bổ sung công nghiệp ô tô và phụ tùng vào danh mục các lĩnh vực ưu đãi đầu tư trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư mới; (2) Đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu và vận chuyển linh kiện và định kỳ rà soát, điều chỉnh danh mục phụ tùng, linh kiện ô tô được giảm thuế nhập khẩu; (3) Chính sách cắt giảm chi phí sản xuất: Nghiên cứu chính sách và thực thi giải pháp phù hợp nhằm giải quyết vấn đề chi phí sản xuất cao của ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển CNHT: (i) Cụ thể hóa tiêu chí đánh giá dự án, đơn giản hóa thủ tục đánh giá và phê duyệt dự án để áp dụng các ưu đãi đầu tư; (ii) Lựa chọn danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển theo hướng chọn lọc, tập trung và qui mô lớn; (iii) Bổ sung công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô vào danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm khuyến khích phát triển, trong đó đưa một số linh kiện, phụ tùng ô tô vào danh mục các sản phẩm công nghệ cao.
Ứng dụng công nghệ 4.0 vào các doanh nghiệp CNHT và doanh nghiệp sản xuất ô tô. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, tạo bước phát triển mang tính đột phá theo 4 xu hướng chính gồm: lái tự động, kết nối, xe điện và chia sẻ tiện ích.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp CNHT: (i) Rà soát, khảo sát các cơ sở đào tạo kỹ thuật (đại học, cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề,...); (ii) Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường; (iii) Thực thi việc cấp giấy chứng nhận tay nghề trong ngành công nghiệp ô tô (đặc biệt trong sản xuất phụ tùng, linh kiện). 8) Phát triển cơ sở hạ tầng cho CNHT: (i) Nghiên cứu, đề xuất phát triển các cụm liên kết (cluster) công nghiệp ô tô nhằm tận dụng sự tập trung công nghiệp hiện có của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp ô tô và định hướng cho những dự án, nhà đầu tư mới; (ii) Xây dựng các khu công nghiệp dành cho các DNNVV Nhật Bản với đầy đủ dịch vụ hỗ trợ đi kèm,...- Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động công nghiệp cả về quy mô, chất lượng lao động và cơ cấu ngành nghề.
Với những đòn bẩy chính sách, các doanh nghiệp Việt đầu tiên có thể an tâm mở rộng quy mô, cải tiến thiết bị trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, ưu đãi cũng là điểm nhấn quan trọng để doanh nghiệp Việt có thêm tinh thần tự cường và động lực tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu và đặc biệt là cần sự nỗ lực không ngừng để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh mới.