Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (mã OGC-HOSE) thông báo tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, thời gian thực hiện từ ngày 10/6 đến 14/6/2022.
Cụ thể, công ty đưa ra theo dõi ngoại bảng trên báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc 31/12/2021 đối với các khoản nợ phải thu khó đòi đã được trích lập dự phòng 100% giá trị là 2.553,2 tỷ đồng. Trong đó, phải thu về cho vay ngắn hạn 1.154,3 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn của khách hàng 81,7 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khác 868,7 tỷ đồng; trả trước cho người bán ngắn hạn 168,1 tỷ đồng; và trả trước cho người bán dài hạn 276,8 tỷ đồng.
Công ty cho biết thêm, các khoản nợ phải thu khó đòi của Công ty và các công ty con đã tồn tại từ năm 2014 đến nay, các khoản nợ này đều liên quan đến thời kỳ của các lãnh đạo cũ với tính pháp lý phức tạp, hầu hết các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, khó có khả năng thu hồi. Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thu hồi các khoản nợ phải thu khó đòi nhưng không hiệu quả.
Công ty đã có phương án xóa nợ, bán nợ trình ĐHĐCĐ trong các năm trước xem xét với kết quả thực hiện như sau:
Một là, nghị quyết ĐHĐCĐ số 01/2020/NQ-ĐHĐCĐ ngày 18/7/2020 thông qua báo cáo số 01/2020/OGC-BTGĐ ngày 28/5/2020 của BTGĐ về kết quả hoạt động SXKD năm 2019 và kế hoạch SXKD năm 2020 với nội dung bao gồm: “giao và ủy quyền cho Hội đồng quản trị xem xét và quyết định việc xóa nợ, bán các khoản nợ phải thu khó đòi đã lập dự phòng và có tuổi nợ trển 3 năm theo báo cáo tài chỉnh đã được kiểm toán tại ngày 31/12/2019 trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Trong đó, các khoản nợ phải thu ngắn hạn đã lập dự phòng khoảng 2.158 tỷ đồng và các khoản phải thu dài hạn đã lập dự phòng khoảng 525 tỷ đồng.”. Theo đó, Công ty đã thực hiện xóa một số khoản nợ các cá nhân đang chấp hành các bản án của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thực hiện tìm kiếm các đối tác bán các khoản nợ phải thu khó đòi của Công ty nhưng không có hiệu quả khi chỉ bán được 01 khoản nợ hồ trợ vổn với giá trị thu hồi 10% trên giá trị nợ gốc 40 tỷ đồng.
Hai là, nghị quyết 01/2022/NQ-ĐHĐCĐ ngày 29/4/2022 của ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 thông qua Báo cáo số 01/2022/OGC-BTGĐ ngày 30/3/2022 của BTGĐ về kết quả hoạt động SXKD năm 2021 và kế hoạch SXKD năm 2022 với kế hoạch thu hồi các khoản công nợ: “Tiếp tục tìm kiếm các đối tác bán các khoản nợ xấu theo phê duyệt của ĐHĐCĐ thường niên năm 2020”. Theo đó, công ty đã thực hiện thủ tục chào bán công khai một số khoản nợ phải thu khó đòi với tổng giá trị nợ gốc khoảng 1.072 tỷ đồng nhưng không có đối tác quan tâm mua nợ.
OGC cho biết, các khoản phải thu khó đòi đã được trải qua quá trình thu hồi kéo dài nhiều năm, khó có khả năng thu hồi và cũng không có đối tác quan tâm mua nợ. Đồng thời, các khoản nợ phải thu khó đòi của Công ty đều đã được trích lập dự phòng 100% từ khi phát sinh năm 2014 đến nay và để thông tin về các khoản nợ phải thu khó đòi được phản ánh một cách phù họp hơn, Công ty cần thực hiện việc phân loại và trình bày lại các thông tin này.
Theo Quy định của Nhà nước về xử lý nợ phải thu không có khả năng thu hồi: Thông tư 48/2019/TT-BTC ngày 8/8/2019 (trước đó là Thông tư 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009) về hướng dẫn trích lập và xử lý các khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi làm cơ sở xác định các chi phí họp lý hợp lệ cho mục tiêu tính toán nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Theo đó, các khoản nợ phải thu khó đòi của Công ty có đủ các điều kiện để xử lý như các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi theo hướng dẫn của Thông tư này.
Do đó, HĐQT OGC trình ĐHĐCĐ thông qua việc điều chỉnh đưa ra theo dõi ngoại bảng trên báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2021 đối với các khoản nợ phải thu khó đòi đã được trích lập dự phòng 100% với tổng số tiền là 2.553.182.060.477 đồng, bao gồm: các khoản “Phải thu về cho vay ngắn hạn” với số tiền 1.154.283.169.169 đồng, các khoản “Phải thu ngắn hạn của khách hàng” với sổ tiền 81.733.555.661 đồng, các khoản “Phải thu ngắn hạn khác” với số tiền 868.707.686.006 đồng, các khoản “Trả trước cho người bán ngắn hạn” với số tiền 168.146.568.334 đồng, các khoản “tài sản thiếu chờ xử lý” với số tiền 3.508.248.253 đồng, và các khoản “Trả trước cho người bán dài hạn” với số tiền khoảng 276.802.833.054 đồng.
Việc điều chỉnh theo dõi ngoại bảng sẽ ghi nhận giảm các khoản phải thu trên đây và ghi nhận giảm các khoản “dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi” và “dự phòng phải thu dài hạn khó đòi” tương ứng trên bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/2021. Các khoản phải thu đã lập dự phòng 100% nên các chỉ tiêu về tổng tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của công ty sẽ không bị ảnh hưỏng. Các khoản công nợ được theo dõi ở tài khoản ngoại bảng trên báo cáo tài chính không ảnh hưởng đến việc thực hiện thu hồi công nợ và quyền lợi của Công ty đối với các khoản công nợ này.
Mới đây, HOSE cho biết cổ phiếu OGC được chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 9/6/2022 do công ty này chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định theo điểm a Khoản 1 Điều 39 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Đồng thời, cổ phiếu này chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thoả thuận, từ ngày 9/6/2022.
Bên cạnh đó, cổ phiếu OGC vẫn thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019 và 2020 có ý kiến kiểm toán ngoại trừ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 38 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.