Chi tiêu vượt quá dự toán đã trở thành một điều bình thường đối với các quốc gia chủ nhà tổ chức Olympic. Trên thực tế, Paris không phải là trường hợp vượt quá ngân sách tồi tệ nhất (theo ước tính hiện tại), mặc dù chi phí phát sinh đã vượt quá 115% dự trù ngân sách ban đầu, khiến số tiền chi cho việc tổ chức Olympic Paris lên tới 8,7 tỷ USD (không bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị và giao thông).
Chắc chắn là một con số khổng lồ, nhưng Olympic Paris vẫn là một trong những Thế vận hội ít tốn kém nhất kể từ những năm 1990, cùng với Thế vận hội Albertville (2,1 tỷ USD) và Bắc Kinh 2022 (8,3 tỷ USD). Những mùa Olympic đắt đỏ nhất có thể kể đến Thế vận hội Sochi, tiêu tốn 28,9 tỷ USD và Rio de Janeiro: 23,6 tỷ USD. Những con số khổng lồ này đã gây phẫn nộ cho người dân các quốc gia này vào thời điểm đó.
Ngoài ra, vấn đề vượt ngân sách của Olympic Paris chưa là gì so với Barcelona và Rio de Janeiro. Thế vận hội Olympic tại Barcelona năm 1992 vượt quá chi phí tới 266% và Rio de Janeiro năm 2016 còn kinh hoàng hơn khi vượt ngân sách 352%.
Thế vận hội mùa đông cũng có thể tốn kém hơn dự kiến, ví dụ như tại thành phố Sochi của Nga năm 2014, sự kiện này tốn kém hơn dự kiến tới 289%, hoặc tại Lillehammer, Na Uy năm 1994, đã xảy ra tình trạng vượt chi phí 277% (nhưng tổng chi phí vẫn chưa cao bằng Sochi).
Nhưng làm thế nào mà Pháp có thể tổ chức một trong những Thế vận hội ít tốn kém nhất? Theo CNBC, đó là nhờ vào số lượng cơ sở hạ tầng hiện có mà Paris không phải tiêu nhiều tiền vào xây dựng như các nước khác.
Trên thực tế, thủ đô Paris của nước Pháp chỉ phải xây dựng một địa điểm thi đấu cho Thế vận hội: trung tâm thể thao dưới nước ở Saint Denis, với chi phí được báo cáo là 200 triệu euro. Không giống như những quốc gia tiền nhiệm, Pháp đã quen với việc tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế quy mô lớn và có nhiều cơ sở vật chất phù hợp: sân vận động Stade de France ở Saint-Denis, sân Roland-Garros ở Paris và Velodrome Quốc gia ở Saint-Quentin-en-Yvelines.
Ngoài ra, tối đa hóa việc sử dụng hệ thống giao thông công cộng hiện có cũng giúp Paris tiết kiệm chi phí. Các quốc gia khác thì không có được lợi thế như vậy, ví dụ như Brazil đã mở rộng một tuyến tàu điện ngầm để kết nối các trung tâm du lịch với các trung tâm thi đấu vào dịp Olympic Rio 2016. Dự án đầy tham vọng này đã tiêu tốn 2,7 tỷ euro của quốc gia này.
Tuy nhiên, cần nhận ra rằng việc so sánh ngân sách với các kỳ Thế Vận hội chỉ nên mang tính tham khảo, vì không chỉ phải tính đến lạm phát mà số lượng sự kiện mỗi kỳ Olympic đã tăng lên đáng kể trong những năm vừa qua: từ 237 sự kiện tại Thế vận hội Seoul năm 1988, con số đã lên tới 329 sự kiện tại Paris. Hơn nữa, mỗi sự kiện lại có các cách thức tổ chức khác nhau, ví dụ như Olympic Paris 2024 được tổ chức hướng tới mục tiêu tối đa hóa sự bền vững và bảo vệ môi trường.
Quay trở lại với Olympic Paris 2024, mặc dù ban tổ chức đặt mục tiêu biến chúng thành "Thế vận hội của nhân dân", nhưng việc có sẵn vé giá cả phải chăng đã trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi. Mặc dù vé giá rẻ 24 euro có sẵn cho mọi môn thể thao, nhưng trong nhiều trường hợp, những vé này chỉ giới hạn ở giai đoạn đầu của cuộc thi và người hâm mộ phải chi nhiều tiền hơn như vậy để chứng kiến lễ trao huy chương tại hầu hết các trận chung kết.
Như biểu đồ của chúng tôi cho thấy, có một khoảng cách lớn về giá vé vào những phiên thi đấu đầu tiên của Thế vận hội, với giá vé đắt nhất cho trận chung kết ở môn Điền kinh, Bơi lội và Bóng rổ là 980 euro, cao hơn 40 lần so với giá vé rẻ nhất có sẵn. Ở đầu kia của thang giá, một số sự kiện có giá cao nhất là 24 euro, chủ yếu áp dụng cho các sự kiện ngoài trời cũng có thể được xem miễn phí dọc theo các con đường công cộng hay dọc theo Sông Seine.
Mặc dù giá vé cao ngất ngưởng của một số môn thể thao đã bị chỉ trích, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là những tấm vé đắt tiền này chính là lý do khiến giá vé khởi điểm ở mức rất thấp trở nên khả thi. Theo ban tổ chức, một triệu vé có giá 24 euro, trong khi gần một nửa trong số 10 triệu vé có sẵn có giá 50 euro trở xuống.