Chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 14/5 tăng mạnh thuế quan đối với một loạt hàng hoá Trung Quốc có tổng kim ngạch nhập khẩu hàng năm vào Mỹ đạt 18 tỷ USD. Trong một tuyên bố, Nhà Trắng nói việc tăng thuế quan này là cần thiết để bảo vệ các ngành công nghiệp của Mỹ khỏi tình trạng cạnh tranh không bình đẳng.
Theo quyết định trên, Mỹ từ năm nay sẽ tăng gấp 4 lần thuế quan đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, từ 25% lên 100%. Thuế nhập khẩu đối với tấm pin năng lượng mặt trời Trung Quốc tăng gấp đôi từ 25% lên 50%. Thuế đối với một số sản phẩm thép và nhôm Trung Quốc sẽ tăng hơn 3 lần từ 7,5% lên 25%.
Ông Biden cũng chỉ đạo Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai tăng hơn gấp ba lần mức thuế đối với pin lithium-ion dành cho xe điện và pin lithium dành cho các mục đích sử dụng khác nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ. Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2025, thuế đối với chất bán dẫn nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng từ 25% lên 50%.
Theo Nhà Trắng, thuế quan lần đầu tiên sẽ được áp dụng đối với kim tiêm và ống tiêm y tế nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng như các sản phẩm cần cẩu cỡ lớn để cầu hàng hoá từ tàu lên bờ. Găng tay y tế cao su của Trung Quốc, cùng một số mặt nạ phòng độc, khẩu trang cũng sẽ bị áp mức thuế cao hơn.
Một số mặt hàng như pin và than chì tự nhiên, sẽ có thời gian chuẩn bị áp thuế quan lâu hơn. Theo Nhà Trắng, đây là một biện pháp nhằm giúp ngành sản xuất của Mỹ có đủ thời gian mở rộng quy mô đến mức có thể sản xuất trong nước đủ lượng pin để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
MỐI LO VỀ CÔNG SUẤT DƯ THỪA CỦA TRUNG QUỐC
“Trung Quốc đang sản xuất với tốc độ và quỹ đạo vượt xa mọi ước tính hợp lý về nhu cầu toàn cầu”, một quan chức Mỹ cấp cao nhận định trong một cuộc gọi vào hôm thứ Hai với giới truyền thông. “Vì thế, Trung Quốc sẽ khiến thị trường toàn cầu tràn ngập nguồn cung hàng hoá của họ, làm suy giảm khả năng xây dựng năng lực sản xuất trong nước của Mỹ và khiến thế giới dễ bị tổn thương hơn”.
Trong những tuần gần đây, giới chức Mỹ đã liên tục bày tỏ lo ngại về các khoản trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc cho sản xuất năng lượng sách của nước này. Họ tin rằng các khoản trợ cấp của Bắc Kinh đang giúp các công ty Trung Quốc sản xuất quá nhiều các sản phẩm năng lượng sạch giá rẻ như tấm pin mặt trời và xe điện, vượt xa nhu cầu trong nước.
Các quan chức Mỹ cảnh báo nếu các công ty Trung Quốc không thể bán lượng sản phẩm dư thừa đó trong nước, họ có thể sẽ bán phá giá trên thị trường toàn cầu, khiến các ngành công nghiệp năng lượng sạch non trẻ ở các nước khác khó có thể phát triển được.
Hồi tháng 3 trước chuyến thăm Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói: “Tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc làm biến dạng giá cả và mô hình sản xuất toàn cầu, đồng thời gây tổn hại cho các công ty và người lao động Mỹ cũng như doanh nghiệp và người lao động trên toàn thế giới”.
Thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc gọi những tuyên bố của bà Yellen là “vô căn cứ” và “phản ánh tư duy ‘trò chơi có tổng bằng 0’ của một số nhà hoạch định chính sách ở Washington”.
Các hạn chế thương mại mới được Mỹ đưa ra trong Tuần lễ Hạ tầng, một sự kiện chính thức của Nhà Trắng, khi các quan chức chính quyền ông Biden có các chuyến đi đến khắp mọi miền đất nước để quảng bá về các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng khổng lồ và năng lượng sạch của vị Tổng thống đương nhiệm.
Tuy nhiên, nhiều khoản đầu tư trong số này vẫn đang ở giai đoạn đầu triển khai. Các mức thuế quan mới được áp lên hàng hoá Trung Quốc nhằm mục đích ngăn chặn làn sóng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào cản trở tiến trình phát triển năng lượng sạch của Mỹ.
“Trung Quốc đang đầu tư vào ngành công nghiệp xe điện trong nước của họ bằng một loạt hành vi không công bằng để giành lợi thế về dẫn trước, giá cả và cạnh tranh”, một quan chức Mỹ nói. “Điều quan trọng đối với chúng ta là phải đảm bảo rằng với tình trạng xuất khẩu của Trung Quốc đang tăng nhanh và năng lực dư thừa của Trung Quốc trong lĩnh vực này, chúng ta sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp”.
YẾU TỐ CHÍNH TRỊ TRONG QUYẾT ĐỊNH ÁP THUẾ QUAN MỚI
Ngoài vấn đề chủ nghĩa bảo hộ đơn giản, còn có những yếu tố khác dẫn đến động thái của Mỹ. Thành công trong tương lai của các khoản đầu tư công của ông Biden vào năng lượng xanh, ngành công nghiệp chip và cơ sở hạ tầng truyền thống là một phần quan trọng trong lập luận để tái tranh cử của ông trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.
Cả ông Biden và cựu Tổng thống Donald Trump - người nhiều khả năng sẽ đại diện cho Đảng Cộng hoà - đều đã áp dụng các chính sách đối ngoại cứng rắn với Trung Quốc. Và mỗi người đều đã có một nhiệm kỳ cầm quyền để chứng minh cho sự cứng rắn đó.
Dù việc tăng thuế quan với Trung Quốc giúp ông Biden duy trì lập trường cứng rắn của mình, các nhà phân tích đã cảnh báo về những hậu quả không lường trước được mà thuế nhập khẩu mới có thể gây ra đối với nền kinh tế trong nước và người tiêu dùng Mỹ.
Ngân hàng Goldman Sachs trước đây ước tính rằng mỗi điểm phần trăm tăng thêm trong thuế suất hiệu dụng sẽ làm giảm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) một lượng 0,03%, tăng giá tiêu dùng thêm 0,1% và làm tăng lạm phát trong một năm.
Một quan chức cấp cao của chính quyền ông Biden biết trong cuộc gọi hôm thứ Hai rằng, Chính phủ Mỹ cho đến nay vẫn khẳng định rằng các mức thuế mới này sẽ “không có tác động đến lạm phát” vì chúng không được áp trên diện rộng của nền kinh tế và chỉ nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực cụ thể.
Vị này nhấn mạnh rằng cách làm này trái ngược với các đề xuất trong chiến dịch tranh cử của ông Trump - người kêu gọi áp dụng mức thuế 10% không phân biệt đối với tất cả hàng nhập khẩu.
“Điều mà người Mỹ có thể mong đợi là đầu tư đang được tiến hành và sẽ tiếp tục, nhằm thúc đẩy số lượng việc làm kỷ lục trong ngành sản xuất và xây dựng thêm các nhà máy. Việc áp thuế quan này sẽ bảo vệ và đảm bảo những lợi ích đó”, vị quan chức nói.