April 25, 2023 | 16:43 GMT+7

Ông Lê Thanh Thản từng định phá dỡ tòa nhà xây trái phép

Đỗ Mến -

Quá trình điều tra, ông Thản từng đưa ra phương án thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ nhà CT6C. Tuy nhiên, chủ đầu tư không thỏa thuận được với khách hàng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo cáo trạng, ông Thản là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bemes. Năm 2000, Công ty Bemes được thuê đất ở địa chỉ phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.

SAI PHẠM DO “”NÓNG VỘI” NẮM BẮT CƠ HỘI KINH DOANH

Năm 2008, Công ty được phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 dự án tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes – viết tắt là CT6 Kiến Hưng. Trong năm 2010, Công ty Bemes có nhiều văn bản kiến nghị UBND TP Hà Nội điều chỉnh một số chỉ tiêu quy hoạch nhưng không được chấp thuận.

Tuy nhiên, từ tháng 10/2010, ông Thản đã chỉ đạo tổ chức thi công xây dựng dự án vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng rồi quảng cáo, đưa thông tin gian dối về tính pháp lý để bán căn hộ.

Theo kết luận giám định, công trình trên vi phạm các lĩnh vực thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm vụ, bán căn hộ không đủ điều kiện về giao dịch nhà ở.

Dự án trên có 1.620 căn hộ nhưng chỉ có 934 căn hộ (bao gồm 916 căn cao tầng tòa CT6A và CT6B từ tầng 5 đến tầng 31 và 18 căn thấp tầng) được cấp sổ đỏ. Còn lại 520 căn hộ tòa CT6C không được cấp sổ đỏ tòa.

Cơ quan điều tra làm việc với 488/520 khách hàng, xác định số tiền khách hàng bị thiệt hại là hơn 481 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền Viện kiểm sát cáo buộc ông Thản thu lời bất chính.

Tại cơ quan điều tra, các khách hàng trình bày, họ không biết dự án vi phạm quy hoạch. Còn ông Thản khai nhận, do nóng vội trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh nên chưa kịp hoàn thành các thủ tục hành chính trình các cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch.

Quá trình điều tra, ông Thản có đơn đề nghị xem xét lại khoản thu lời bất chính. Ông chủ Mường Thanh cho biết đã chi 632 tỷ đồng để đầu tư xây dựng dự án.

Kết quả điều tra bổ sung chỉ có căn cứ xác định số tiền thuế giá trị gia tăng của 488 căn hộ xây trái phép. Về các khoản chi khác, do ông Thản chỉ đạo xây dựng sai quy hoạch nên không có căn cứ đối trừ. Vì vậy xác định số tiền thu lợi bất chính là hơn 481 tỷ đồng. Với hành vi này, ông Thản bị quy buộc vào tội Lừa dối khách hàng.

Đối với các nhân viên của Sàn giao dịch Bất động sản Mường Thanh, cơ quan điều tra xác định, họ không biết về quy hoạch của dự án, không được bàn bạc để đưa ra các thông tin gian dối bán căn hộ, không được hưởng lợi nên không có căn cứ xử lý hình sự.

ĐA SỐ HỘ DÂN MONG MUỐN ĐƯỢC CẤP SỔ ĐỎ

Trong số 520 khách hàng thì có 6 khách hàng mong muốn được trả lại hơn 7 tỷ đồng. Phần lớn khách hàng còn lại có đơn đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ.

Năm 2019, ông Thản có đơn đề nghị được khắc phục hậu quả vụ án theo 3 phương án.

Phương án 1 là xem xét xử lý theo Điều 79 Nghị định 139/2017/ND-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ và khoản 9 Điều 13, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh donah bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Phương án 2: Tự thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C để di dời sang dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco5.

Phương án 3: Thỏa thuận với người mua nhà tại tòa CT6C để mua lại nhà hoặc trả lại tiền mua nhà, sau đó sẽ tự phá dỡ nhà CT6C.

Quá trình điều tra, ông Thản lựa chọn phương án 3 song đến nay, Công ty Bemes không thỏa thuận được với khách hàng.

Vì vậy, ông Thản đã đề nghị Ngân hàng BIDV – chi nhánh Nam Hà Nội bảo lãnh số tiền 530 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Ngân hàng xác nhận bảo lãnh số tiền trên theo các sổ tiết kiệm thuộc sở hữu của vợ ông Thản.

Đối với yêu cầu của các chủ hộ muốn được cấp sổ đỏ, cơ quan tố tụng xác định cần tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu.

THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Hành vi của Công ty Bermes xảy ra trong thời gian dài nhưng các cán bộ của UBND phường Kiến Hưng và Thanh tra xây dựng quận Hà Đông không thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm để ngăn chặn, xử lý với các sai phạm…

Trong đó, ông Đỗ Văn Hưng là Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng giai đoạn từ năm 2004 đến tháng 4/2015.  Còn ông Nguyễn Duy Uyển là phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng giai đoạn từ năm 2004-2011, ông Bùi Văn Bằng là Phó Chủ tịch từ năm 2011-2018.

Ngoài ra, còn có thanh tra xây dựng quận Hà Đông là Nguyễn Văn Nam (cựu Chánh Thanh tra) giai đoạn từ năm 2010-2012, Vương Đăng Quân (cựu Phó Chánh Thanh tra) giai đoạn từ 2010-2018, Mai Quang Bài (cựu án bộ Thanh tra) giai đoạn 2010-2014.

Qua xác minh thể hiện, không có bất kỳ tài liệu, hồ sơ kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý đối với công trình sai phạm trên.

Hành vi của các bị can này phạm vào tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả gây thiệt hại nghiêm trọng cho 488 khách hàng số tiền hơn 481 tỷ đồng, bao gồm giá trị quyền sử dụng đất là hơn 56,5 tỷ đồng.

 

Cơ quan điều tra xác định, ông Lê Cường – cựu Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông phụ trách quản lý đô thị từ tháng 7/2008 – tháng 3/2012; từ tháng 3/2012 đến tháng 5/2015 là Chủ tịch UBND quận Hà Đông có dấu hiệu của tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, xét thấy ông Cường đã bị xử lý về Đảng, chính quyền (bằng hình thức cảnh cáo) nên không cần thiết phải xử lý hình sự.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate