Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh gã khổng lồ truyền thông xã hội đang yêu cầu Tòa án Tối cao xem xét vụ kiện pháp lý liên quan đến việc sử dụng ứng dụng này tại Hoa Kỳ, theo CNN.
Cuộc gặp đã được lên lịch trước với CEO TikTok Shou Chew, đây là lần đầu tiên hai người gặp nhau kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Nguồn tin khác cho biết, ông Chew, người xuất hiện tại khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở Florida vào đầu tháng 12, cố gắng tiếp cận ông Trump kể từ khi ông đắc cử.
Và đây cũng chỉ một trong số cuộc họp mà Tổng thống đắc cử tổ chức với các Giám đốc Điều hành hàng đầu thuộc nhóm công ty công nghệ lớn nhất Hoa Kỳ.
Chỉ vài giờ trước đó, TikTok yêu cầu Tòa án Tối cao xem xét tranh chấp pháp lý liên quan đến một đạo luật gây tranh cãi, yêu cầu nền tảng này phải thoái vốn cho chủ sở hữu không phải người Trung Quốc hoặc bị cấm tại Hoa Kỳ. Đạo luật dự kiến có hiệu lực từ ngày 19/1.
Sau thời hạn đó, các cửa hàng ứng dụng và dịch vụ internet tại Hoa Kỳ có thể đối mặt với án phạt nặng nếu tiếp tục lưu trữ TikTok. Theo luật, Tổng thống có thể gia hạn thêm một lần nữa trước khi được thi hành.
ÔNG TRUMP CÓ TÌNH CẢM ĐẶC BIỆT VỚI TIKTOK
Cách đây vài ngày, ông Trump gợi ý có thể áp dụng một biện pháp khác đối với nền tảng video dạng ngắn này, nhưng chưa nêu rõ phương thức cụ thể.
“Các bạn biết đấy, tôi có tình cảm đặc biệt với TikTok vì tôi đã giành chiến thắng ở nhóm tuổi thanh niên với 34 điểm phần trăm, và nhiều người nói rằng TikTok có liên quan đến điều đó”, ông Trump nói trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi tham gia bầu cử. (Theo cuộc thăm dò của CNN, ông Trump thua đối thủ Đảng Dân chủ Kamala Harris trong nhóm cử tri từ 18-29 tuổi với khoảng cách 11 điểm).
Nền tảng này đang tiến gần hơn đến ngày chính thức bị cấm, trừ khi TikTok có thể thuyết phục công ty mẹ ByteDance của Trung Quốc bán lại và tìm được người mua. Trước đó, ByteDance khẳng định sẽ không bán TikTok.
TIKTOK MUỐN TÒA ÁN TỐI CAO NGỪNG THI HÀNH LUẬT
Đầu năm nay, Quốc hội thông qua lệnh cấm với sự hỗ trợ của lưỡng đảng, và Tổng thống Joe Biden ký thành luật vào tháng 4. Đạo luật được thông qua sau nhiều năm Washington lo ngại một số vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia do công ty mẹ Trung Quốc của TikTok gây nên.
Lời kêu gọi khẩn của TikTok lên Tòa án Tối cao đã đẩy các thẩm phán vào cuộc tranh luận đình đám giữa Quốc hội, cơ quan trích dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến sự kiểm soát của Trung Quốc với ứng dụng, người dùng cùng một số Giám đốc Điều hành nền tảng, những người vi phạm lệnh cấm Tu chính án thứ nhất.
Trước đó, tòa phúc thẩm liên bang đồng thuận giữ nguyên lệnh cấm trong một phán quyết, nói rằng chính phủ có quyền điều tiết nền tảng nhằm đảm bảo an ninh quốc gia tại Hoa Kỳ. Nếu Tòa án Tối cao không can thiệp, lệnh cấm sẽ có hiệu lực một ngày trước khi ông Trump nhậm chức.
Đơn kháng cáo thuộc diện xử lý khẩn cấp của Tòa án Tối cao, mà giới phê bình hay gọi là "hồ sơ bóng tối", vài ngày sau khi Tòa án Phúc thẩm DC từ chối yêu cầu TikTok về việc tạm thời ngừng thi hành đạo luật, khiến công ty tiếp tục thất bại trong nỗ lực ngăn chặn lệnh cấm vào tháng tới.
Luật sư TikTok đang yêu cầu Tòa án Tối cao tạm thời ngừng thi hành lệnh cấm để công ty có thời gian yêu cầu thẩm phán xem xét lại thách thức của nền tảng. Nếu các thẩm phán đồng ý, ít nhất đạo luật này sẽ bị hoãn cho đến khi tòa án quyết định có xét xử vụ kiện này hay không.
Luật sư phía TikTok viết: "Lệnh cấm sẽ đóng cửa một trong những nền tảng truyền thông phổ biến nhất ở Hoa Kỳ ngay trước lễ nhậm chức tổng thống. Điều này khiến tiếng nói của ứng viên rơi vào ‘im lặng’, rất nhiều người dân Hoa Kỳ sử dụng nền tảng này để giao tiếp về chính trị, thương mại, nghệ thuật và nhiều vấn đề khác mà công chúng quan tâm".
Nhóm luật sư cũng yêu cầu Tòa án Tối cao đưa ra quyết định về đơn khẩn cấp của họ trước ngày 6/1 để công ty có đủ thời gian "phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện đóng cửa nền tảng TikTok ở Hoa Kỳ". Họ cũng gợi ý rằng tòa án có thể đồng ý xét xử vụ kiện mà không cần nhận thêm tài liệu bổ sung.
Các luật sư TikTok nhanh chóng chỉ ra chính quyền sắp tới và những phát biểu ủng hộ ứng dụng này của ông Trump trong hồ sơ nộp ngày đầu tuần. Công ty cho rằng việc ngừng thi hành đạo luật là "hợp lý" vì điều này giúp "cung cấp thêm thời gian cho chính quyền sắp tới xác định lập trường, khi Tổng thống đắc cử và đội ngũ cố vấn đã bày tỏ sự ủng hộ với TikTok".
TƯƠNG LAI BẤT ĐỊNH
Tòa án Phúc thẩm DC cho biết trong phán quyết ngày 6/12, đạo luật không vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ, khẳng định rằng đạo luật đáp ứng tiêu chuẩn pháp lý được gọi là "giám sát nghiêm ngặt" (strict scrutiny), một yêu cầu cần thiết để mọi hạn chế của chính phủ vẫn có thể đảm bảo quyền tự do ngôn luận.
Tòa án Tối cao đã nhiều lần xét xử các vụ kiện liên quan đến mạng xã hội và Tu chính án thứ nhất trong những năm gần đây, bao gồm cả quyết định quan trọng hồi tháng 7, khi phần lớn thẩm phán cho rằng nền tảng này ít nhất phải được bảo vệ một phần theo Tu chính án thứ nhất.
“Khi xây dựng nguồn cấp dữ liệu, các nền tảng sẽ đưa ra lựa chọn về phát ngôn bên thứ ba được hiển thị và cách thức hiển thị”, Thẩm phán Elena Kagan, thành viên khối tự do, viết trong phán quyết, với sự tham gia của cả nhóm thẩm phán bảo thủ và tự do. “Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định rằng đạo luật hạn chế nền tảng phải đáp ứng được yêu cầu của Tu chính án thứ nhất”.
Tòa phúc thẩm đã nhiều lần trích dẫn quyết định này trong phán quyết về vụ kiện TikTok. Tuy nhiên, quyền bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất không phải tuyệt đối, và Tòa án Phúc thẩm DC đồng thuận giữ nguyên đạo luật vì lý do an ninh quốc gia.