Trong ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa áp thuế quan ngay với hàng nhập khẩu nhưng khẳng định trong phát biểu nhậm chức rằng Mỹ sẽ thu “một khoản tiền lớn” từ thuế quan khi chính quyền của ông hành động để xây dựng lại nền công nghiệp trong nước.
Tân Tổng thống đã ban hành một bản ghi nhớ tổng quát về thương mại, theo đó không áp thuế quan ngay nhưng chỉ đạo các cơ quan liên bang đánh giá mối quan hệ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, Canada và Mexico.
Sau nhiều tuần giới đầu tư ra sức đồn đoán về mức thuế quan mà ông Trump công bố trong ngày đầu nhậm chức, việc tân Tổng thống chưa vội ra quyết định này đã tạo một cú huých cho thị trường cổ phiếu toàn cầu. Chỉ số Dollar Index do sức mạnh của đồng USD so với một nhóm đồng tiền lớn giảm 1%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8.
Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Trump đề cập đến kế hoạch thuế quan cụ thể nhưng nhắc lại ý định thành lập một cơ quan thu thuế bên ngoài – một cơ quan mới để thu thuế quan và các nguồn thu nước ngoài khác.
“Tôi sẽ lập tức bắt đầu cải tổ hệ thống thương mại để bảo vệ người lao động và các hộ gia đình Mỹ”, ông Trump nhấn mạnh trong bài phát biểu nhậm chức. “Thay vì đánh thuế công dân của chúng ta để làm giàu cho các quốc gia khác, chúng ta sẽ áp thuế quan và đánh thuế nước ngoài để làm giàu cho công dân nước mình”.
Ông cũng khẳng định các chính sách của ông sẽ đưa Mỹ “trở lại thành một quốc gia sản xuất”.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan 10-20% với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, riêng hàng Trung Quốc sẽ áp thuế tới 60%. Đầu tháng 12 năm ngoái, ông cũng tuyên bố áp thuế quan 25% với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, đồng thời tăng thuế quan 10% với hàng Trung Quốc.
Theo nguồn tin của Bloomberg từ một tài liệu chưa được công bố, tân Tổng thống yêu cầu đội ngũ của mình điều tra xem liệu Bắc Kinh có tuân thủ thỏa thuận đã ký trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông hay không. Ông cũng cũng yêu cầu các cơ quan liên bang của Mỹ giải quyết tình trạng thao túng tiền tệ của các quốc gia khác.
“Hành động này thể hiện quyết tâm của Chính phủ nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nước ngoài trong các chuỗi cung ứng quan trọng và khôi phục nền tảng công nghiệp của nước Mỹ”, tài liệu nêu rõ.
Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, việc ông Trump không tuyên bố quyết định thuế quan với hàng Trung Quốc ngay sau khi nhậm chức cho thấy tân Tổng thống đã chuyển sang chế độ đàm phán và muốn đạt được một thỏa thuận mới với Bắc Kinh.
Giới phân tích nhận định ông Trump vẫn có thể sẽ công bố các biện pháp thuế quan trong những tuần sắp tới, nhưng sự trì hoãn này cũng giúp nhiều doanh nghiệp cảm thấy nhẹ nhõm hơn bởi trước đó họ lo sợ rằng thuế quan sẽ được áp đặt ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ của ông Trump.
Các nguồn tin thân cận với quyết định trên cũng cảnh báo rằng ông Trump thường hay đổi ý và có thể triển khai trở lại kế hoạch thuế quan ban đầu với hàng Trung Quốc của mình. Tuy nhiên, việc chưa công bố ngay chính sách thuế quan cho thấy cách tiếp cận thận trọng hơn của tân Tổng thống so với những phát biểu gay gắt về thuế quan trong chiến dịch tranh cử năm ngoái.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã đàm phán thảo thuận thương mại “giai đoạn một” với Bắc Kinh, chấm dứt chuỗi động thái đáp trả thuế quan lẫn nhau. Tuy nhiên, từ đó đến nay, phía Trung Quốc không mua nhiều hàng hóa Mỹ như cam kết.
"Mỹ sẽ đánh giá việc Trung Quốc tuân thủ thỏa thuận này như thế nào để xem xét có cần thay đổi hay không”, tài liệu trên nêu rõ.
Theo các nhà phân tích, chính sách thuế quan của ông Trump - dự kiến áp đặt với cả các nước đối thủ và đồng minh - có thể sẽ là một trong những chính sách có tác động lớn nhất tới nền kinh tế Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông đã áp thuế với khoảng 380 tỷ USD hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Tuy nhiên, việc áp thuế quan có thể giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ hay đưa sản xuất trở lại nền kinh tế lớn nhất thế giới hay không vẫn là điều gây tranh cãi. Dù vậy, trong ngắn hạn, thuế quan có thể khiến đồng USD tăng giá mạnh và tăng nguồn thu cho chính phủ, ít nhất vào thời gian đầu.