February 02, 2025 | 10:16 GMT+7

Ông Trump ký sắc lệnh đánh thuế hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc, không có trường hợp ngoại lệ

Hoài Thu -

Các mức thuế quan này có hiệu lực từ ngày 4/2 và sẽ được duy trì cho đến khi tình trạng khẩn cấp quốc gia về chất gây nghiện fentanyl và nạn nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ chấm dứt...

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters

Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế quan 25% với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, đồng thời tăng thuế quan 10% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các mức thuế quan này có hiệu lực từ ngày 4/2 và sẽ được duy trì cho đến khi tình trạng khẩn cấp quốc gia về chất gây nghiện fentanyl và nạn nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ chấm dứt.

Theo văn bản của Nhà Trắng, các mức thuế quan trên sẽ được duy trì “cho đến khi khủng hoảng lắng xuống”, đề cập tới cuộc khủng hoảng về chất gây nghiện fentanyl và tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Nhà Trắng không cung cấp thêm thông tin chi tiết về những hành động nào mà 3 nước trên cần thực hiện để tránh bị áp thuế quan.

Sắc lệnh ngày 1/2 hiện thực hóa các tuyên bố đe dọa thuế quan mà ông Trump liên tiếp đưa ra cả trước và sau khi nhậm chức. Sắc lệnh này có thể châm ngòi cho một loạt biện pháp trả đũa từ Mexico, Canada và Trung Quốc và thổi bùng một cuộc chiến thương mại, tác động lớn tới tất cả các quốc gia liên quan.

Theo sắc lệnh của ông Trump, thuế quan nêu trên sẽ bắt đầu có hiệu lực vào 12:01 sáng ngày 4/2 nhưng hàng nhập khẩu đã được đưa lên tàu hoặc lên phương tiện vận chuyển cuối cùng trước khi vào Mỹ trước 12:01 sáng ngày 1/2 sẽ được miễn thuế.

Trước đó, ông Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế và Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia để làm cơ sở triển khai chính sách thuế quan của mình. Khi nước Mỹ ở trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, tổng thống có toàn quyền thực hiện các biện pháp để giải quyết khủng hoảng.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết sẽ không có mặt hàng nào được miễn thuế. Ngoài ra, riêng với trường hợp Canada, quy tắc miễn thuế quan Mỹ “de minimis” áp dụng với các lô hàng nhập khẩu dưới 800 USD sẽ bị hủy bỏ.

Theo sắc lệnh, các sản phẩm năng lượng từ Canada vào Mỹ sẽ chỉ bị áp thuế quan 10%, trong khi sản phẩm năng lượng từ Mexico chịu thuế quan 25% như các mặt hàng khác.

Trước khi ký sắc lệnh ngày 1/2, ông Trump có kỳ nghỉ chơi golf tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở bang Florida và không có kế hoạch trả lời báo chí về quyết định thuế quan này. Trước đó, Tổng thống Mỹ ấn định thời hạn 1/2 để có hành động mạnh mẽ nhằm ngăn chặn dòng thuốc gây nghiện fentanyl vào Mỹ từ Trung Quốc qua Mexico và Canada, đồng thời ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp qua biên giới hai nước này vào Mỹ.

Theo các nhà phân tích, trong chưa đầy hai tuần của nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã thay đổi các tiêu chuẩn về cách nước Mỹ vận hành và phản ứng với các nước láng giềng cũng như với thế giới. Hôm thứ Sáu (30/1), ông khẳng định sẽ triển khai kế hoạch thuế quan của mình dù điều này có thể gây ra gián đoạn và khó khăn với các hộ gia đình Mỹ.

Theo mô hình đánh giá tác động kinh tế từ kế hoạch thuế quan của ông Trump của ông Greg Daco - nhà kinh tế trưởng của công ty kiểm toán EY, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm 1,5 điểm phần trăm trong năm nay, đồng thời rơi vào tình trạng đình lạm (stagflation), tức tăng trưởng kinh tế thấp kết hợp với lạm phát cao. Trong khi đó, kinh tế Canada và Mexico có thể rơi vào suy thoái.

“Việc tăng thuế quan mạnh đối với các đối tác thương mại của Mỹ có thể gây ra cú sốc đình lạm, tình trạng kinh tế với tăng trưởng thấp và lạm phát cao, đồng thời gây biến động lớn trên thị trường tài chính”, ông Daco nhận xét.

Trên thực tế, tác động này đã hiện hữu ngày 30/1 khi đồng peso Mexico và đôla Canada đồng loạt giảm sau khi Trump nhắc lại kế hoạch thuế quan với hai nước láng giềng. Thị trường cổ phiếu tại Mỹ cũng giảm, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ bật tăng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate