Phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) của Toà án Nhân dân Tp. Hà Nội không nghỉ cuối tuần mà xử liên tiếp từ nay đến cuối năm.
Trong phiên xử chiều ngày 21/12, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nói lời cám ơn Hội đồng xét xử vì đã ông bào chữa.
"Tôi gửi lời xin lỗi đến nhân dân, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước vì đã gây ra dư luận rất xấu, ảnh hưởng đến cán bộ công chức ngành thông tin và truyền thông. Hơn 41 năm công tác, tôi làm việc luôn không biết mệt mỏi, cả những nơi gian khổ khác. Tôi luôn nghĩ phải làm tốt công tác của người cán bộ đảng viên. Đây là lời bào chữa cay đắng nhất. Đây là biến cố bi thảm nhất của cuộc đời tôi. Hậu quả của vụ án này là rất lớn và ảnh hướng đến cả uy tín của Đảng", ông Tuấn nói.
Cựu Bộ trưởng cũng đồng ý với các tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố. Luận tội của Viện kiểm sát đã phân hoá rõ vai trò của từng bị cáo trong vụ án. Qua các ngày xét hỏi bị cáo Tuấn cũng nhận thức rõ hơn các góc khuất của vụ án mà khi thực hiện thương vụ ông Tuấn không tường tận.
"Vụ án này sai ở các khâu, các thời điểm, sai từ trên xuống, sai giá cả, trình tự thủ tục. Vai trò của tôi trong cáo trạng đã rõ. Tôi bào chữa không có nghĩa là đổ tội cho người khác. Bào chữa là trên cơ sở còn lương tâm. Toà này có thể kết thúc nhưng toà án lương tâm sẽ bám theo chúng tôi mãi mãi, đó là điều đau khổ nhất mà tôi mang theo suốt cuộc đời", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết, năm 2014 mới chuyển sang làm Bộ Thông tin và Truyền thông, không phải vì năng lực yếu kém nhưng đây là lĩnh vực hoàn toàn mới. Anh Son lúc đó thường nói với tôi là sang bên này công việc nhiều. Sai phạm là ngoài mong muốn, đặc biệt là ký quyết định 236 cho Mobifone mua AVG", ông Tuấn nói.
Bị cáo Tuấn cũng mong Hội đồng xét xử xem xét thêm khi ông Tuấn lên làm Bộ trưởng đã yêu cầu Vụ Quản lý doanh nghiệp cung cấp đầy đủ nhất cho cơ quan điều tra. "Tôi chính là người đề xuất giao cho Phạm Đình Trọng, động viên Phạm Nhật Vũ để huỷ bỏ hợp đồng và làm thế nào để thu hồi tiền về cho nhà nước một cách tốt nhất, khắc phục hậu quả một cách tối đa", ông Tuấn nói.
Cựu Bộ trưởng nói nhiều khi phải chiều theo ông Phạm Nhật Vũ phải mời cả Mobifone và cổ đông AVG về Bộ Thông tin và Truyền thông để họp. "Cuộc họp huỷ hợp đồng mà không có tội thì ông Vũ luôn đòi bỏ về nên tôi buộc phải đến. Việc huỷ hợp đồng có công lớn của cán bộ Mobifone và AVG", ông Tuấn nhấn mạnh.
Bị cáo Trương Minh Tuấn nhấn mạnh việc trừng phạt là cần thiết song cần nâng cao tính giáo dục để mọi người sống theo pháp luật bởi đây là vụ án kinh tế hy hữu đã thu hồi được toàn bộ tài sản cho nhà nước kể cả chi phí phát sinh và chi phí tính lãi.
"Việc xem xét giảm nhẹ để các vụ án kinh tế khác cũng lấy đó làm gương để khắc phục tối đa tiền về cho nhà nước. Các cán bộ trẻ và giỏi như anh Trọng để họ sớm về phục vụ ngành viễn thông.
"Tôi thấy xấu hổ về tội nhận hối lộ, là nỗi nhục của chúng tôi. Nhận bằng bất kỳ hình thức nào, hoàn cảnh nào, thời điểm nào, quà biếu hay như nào đều là phạm tội. Viện kiểm sát đề nghị như thế cũng là ở mức dưới, mong Hội đồng xét xử tiếp tục xem xét cho chúng tôi. Cần phải có sự tha thứ hơn nữa để thắp lên niềm tin đáng sống, sống có ích", ông Tuấn nói.
Cựu Bộ trưởng nói đây là dịp khuyến khích những người khác ở các vụ án khác chưa thành khẩn động viên họ khai báo. Sau thời kỳ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi có uỷ ban phơi bày sự thật thì những người công bố sự thật đều cần được ân xá.
Ông Tuấn mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hơn nữa để phơi bày sự thật, thực sự khó phơi bày nếu các bên không chịu khai.
"Mong Hội đồng xét giảm nhẹ nữa để chúng tôi sớm trở về với gia đình. Cảm ơn cán bộ T16 bởi nếu không cấp cứu kịp thời tôi sẽ không thể ra toà như ngày hôm nay", ông Tuấn kết thúc phần bào chữa.
Ngày 20/12, Viện kiểm sát đã đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Trương Minh Tuấn mức án từ 6 – 7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", từ 8 – 9 năm tù về tội "Nhận hối lộ", tổng hợp hình phạt từ 14 – 16 năm tù.