April 26, 2021 | 15:34 GMT+7

Ông Vũ Tiến Lộc: "Làn sóng FDI thế hệ mới không chạy theo số lượng, quy mô"

Kiều Linh -

Chúng ta có cơ hội đón làn sóng đầu tư FDI thứ 4 gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Làn sóng này không chỉ chạy theo số lượng dự án nếu không nâng cấp chất lượng tăng trưởng, không cộng sinh với doanh nghiệp nội địa

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển 2021 “Kết nối địa phương - Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức chiều 26/4, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay đã có 136 nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 400 tỷ USD. Đây là con số có ý nghĩa.

ĐÓN LÀN SÓNG FDI THẾ HỆ MỚI CHẤT LƯỢNG CAO

Ông Lộc cho biết, thành tựu FDI là đóng góp to lớn vào ngân sách nhà nước, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội góp phần xoá đói giảm nghèo, khu vực FDI còn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu đưa hàng hoá made in Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trên 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam thuộc khu vực FDI, hàng triệu lao động có việc làm trong khu vực FDI. Những điều này ghi nhận đóng góp của FDI với kinh tế Việt Nam.

Khu vực FDI xứng đáng nhận được huân chương của Việt Nam nhưng cũng có mặt trái của FDI mà chúng ta trăn trở. Đó là, khu vực FDI xuất hiện được 1/3 thế kỷ đủ cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh bay lên thành con rồng con hổ nhưng FDI chủ yếu gia công, sử dụng lao động giản đơn như dệt may, giày dép, 67% vật tư máy móc nhập khẩu từ nước ngoài, giá trị gia tăng tạo ra chưa lớn, chưa cộng sinh với doanh nghiệp trong nước, sức lan toả về công nghệ, quản trị chưa cao.

Đáng lưu ý, một bộ phận doanh nghiệp FDI còn gây ô nhiễm môi trường, tận dụng ưu đãi chính quyền địa phương nhưng chưa đóng góp tương xứng, kinh doanh chộp giật, mua bán sáp nhập nếu không kiểm soát tốt ảnh hưởng kinh tế Việt Nam.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Ngay sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58 để triển khai nghị quyết 50 này, chúng ta hướng tới thế hệ FDI chất lượng cao hơn, khả năng cộng sinh cộng hưởng đảm bảo yêu cầu tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.

Chúng ta có cơ hội đón làn sóng đầu tư FDI thứ 4 gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Làn sóng này không chỉ chạy theo số lượng dự án, chạy theo những dự án đầu tư hàng chục tỷ đô nếu không nâng cấp chất lượng tăng trưởng, không cộng sinh với doanh nghiệp nội địa, không lan toả quản trị với doanh nghiệp Việt Nam. Đây là định hướng rõ ràng trong thu hút dòng vốn FDI giai đoạn tới. Nhiều tỉnh, thành phố không gian chật chội cần phải lựa chọn làn sóng thế hệ FDI cao hơn về chất lượng.

"Trong bối cảnh đại dịch Covid 19 gây khó khăn nhưng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn được nhà đầu tư FDI đánh giá cao. Mặc dù khu vực FDI thận trọng hơn với thời gian tới do dịch Covid vẫn còn phức tạp nhưng Việt Nam vẫn đạt được thành công đáng kể trong việc nâng cao vị thế của mình, trở thành lựa chọn hàng đầu với doanh nghiệp FDI, đa dạng hoá địa điểm đầu tư ngoài Trung Quốc. Việt Nam có lợi thế hơn khi so sánh với các nước trong khu vực. Việt Nam củng cố vị thế trở thành nền kinh tế hấp dẫn với thiết chế chính trị ổn định, kiểm soát tham nhũng tốt…", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, CHUẨN BỊ NGUỒN NHÂN LỰC

Tuy nhiên, theo ông Lộc, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn về thủ tục, quy định hành chính, chất lượng cơ sơ hạ tầng, đơn giản hoá thủ tục hành lập doanh nghiệp, thủ tục hải quan, về thuế, bảo hiểm xã hội, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.

Sự chuẩn bị chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… cũng cần phải tích cực. Địa phương nào cũng nói đến mời gọi đầu tư dự án chất lượng cao nhưng phải xem lại sự chuẩn bị của địa phương như chất lượng thể chế, cần xem xét lĩnh vực nào cần ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước, lĩnh vực nào cần mời gọi doanh nghiệp nước ngoài. Lĩnh vực nào doanh nghiệp trong nước làm được thì để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước làm, lĩnh vực nào thì cần doanh nghiệp FDI thì mời gọi doanh nghiệp FDI. Bắt đầu tư tầm nhìn và quy hoạch.

Ông Lộc nhấn mạnh, cơ sở hạ tầng không chỉ giao thông đường xá mà khu công nghiệp cũng cần địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều địa phương chỉ chuẩn bị đất đai nhà xưởng nhưng thực tế khu công nghiệp cần một hệ sinh thái, cung cấp dịch vụ đầy đủ. Nhân lực lao động kỹ thuật lành nghề còn hạn chế ở nhiều địa phương.

 

Một điều nữa doanh nghiệp FDI quan tâm là hạn chế nhập khẩu lao động phổ thông. Nhiều lĩnh vực lao động Việt Nam có thể đạt được, nhưng lao động kỹ thuật trình độ cao vẫn nhập khẩu từ chính quốc nhưng thủ tục khó khăn cũng cản trở doanh nghiệp và đó là vấn đề cần giải quyết.

Bên cạnh đó, cần chú trọng quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước, nên chăng có luật phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để hỗ trợ tiếp sức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Những năm gần đây, xu hướng quy mô trung bình của doanh nghiệp FDI nhỏ lại cho thấy các doanh nghiệp hỗ trợ vệ tinh dây chuyền lắp ráp dịch chuyển vào Việt Nam càng nhiều, bản chất dịch chuyển chuỗi cung ứng hỗ trợ là cần thiết nhưng nếu chỉ có xu hướng này, mang toàn bộ doanh nghiệp vệ tinh vào để khép chuỗi giá trị của họ thì không tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị được.

Do đó, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam, tham gia thúc đẩy để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng chứ không chỉ có doanh nghiệp FDI làm. Cần phải tạo môi trường cộng sinh giữa doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam trong thời gian tới.

"Rất nhiều việc chúng ta phải làm, rất cần sự chung tay từ chính quyền, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cần chủ trương cụ thể và đề xuất của doanh nghiệp, cam kết chung tay hành động của cơ quan quản lý nhà nước", ông Lộc lưu ý.

Chủ tịch VCCI cũng chúc mừng kỷ niệm lần thứ 20 giải thưởng Rồng Vàng. "Tôi khâm phục những người có sáng kiến và đặt tên giải thường là Rồng Vàng. Rồng Vàng hàm nghĩa là FDI dẫn dắt tham gia tích cực vào nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Mong FDI thể hiện sức mạnh và vẻ đẹp trong việc đóng góp vào phát triển nền kinh tế Việt Nam. Tôi đề nghị phiên thảo luận tập trung thảo luận thực trạng FDI tại Việt Nam, cơ hội và giải pháp từ Chính phủ, doanh nghiệp để thúc đẩy sự cộng sinh giữa doanh nghiêp Việt Nam và trong nước", ông Lộc nói.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate