Là người gắn bó với giải thưởng Golden Dragon Awards 20 năm nay - Giải thưởng nhằm ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp FDI và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh đầu tư có chất lượng hiệu quả vào Việt Nam, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hơn ai hết là người cảm nhận sâu sắc sự biến đổi của dòng chảy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) qua từng thời kỳ. Trong cuộc trao đổi với VnEconomy, ông Phan Hữu Thắng nhấn mạnh rằng: cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp FDI chất lượng cao vào Việt Nam, chúng ta cần giảm dần sự phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI và tiến dần tới mục tiêu đôi bên cùng có lợi trong thu hút FDI.
Thưa ông, nhớ lại cách đây 20 năm khi Golden Dragon Awards được Thời báo Kinh tế Việt Nam (nay là Tạp chí Kinh tế Việt Nam) khởi xướng nhằm ghi nhận sự đóng góp của khu vực FDI đối với phát triển kinh tế. Lúc đó ông có cảm nhận như thế nào về dòng vốn FDI?
Thời điểm các năm 2000-2001, kết quả thu hút FDI vẫn còn khiêm tốn, tổng vốn đăng ký chỉ loanh quanh mốc 3 tỷ USD. Sau đó, thu hút FDI có cải thiện, tăng dần lên 5 tỷ USD rồi vượt ngưỡng 10 tỷ USD vào năm 2006. Đến năm 2020, tổng vốn đăng ký FDI đạt 28,52 tỷ USD, và vốn FDI thực hiện là 20,3 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Điều này cho thấy nguồn vốn FDI ngày càng có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nền kinh tế.
Cách đây 20 năm, khi cơ sở hạ tầng của chúng ta còn yếu kém và sơ sài, nguồn vốn FDI đã mang đến diện mạo mới cho nền kinh tế khi xây dựng nên những công xưởng, nhà máy, con đường, toà nhà... tiên tiến và hiện đại.
Cùng với thời gian, các kỹ năng quản trị và công nghệ hiện đại của doanh nghiệp FDI cũng từng bước len lỏi vào nhiều lĩnh vực. Nền kinh tế xuất hiện những ngành nghề mới như dệt may, da giày và điện tử... và tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GDP của những ngành nghề mới tăng theo từng năm. Cơ cấu các ngành sản xuất, kinh doanh nhờ đó có sự thay đổi rõ rệt.
Mặc dù những đóng góp của khu vực FDI đối với nền kinh tế ngày càng rõ nét song ở thời điểm đó, chúng ta chưa có những giải thưởng vinh danh cho các doanh nghiệp FDI. Các giải thưởng lúc đó hầu như đều dành cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, ý tưởng hình thành một giải thưởng dành riêng cho các doanh nghiệp FDI đã ra đời từ thực tiễn như vậy, nhằm khuyến khích những doanh nghiệp FDI làm tốt, đóng góp hiệu quả cho kinh tế cũng như xã hội Việt Nam.
Thông qua giải thưởng này, quan điểm quản lý dòng vốn FDI của chúng ta cũng có nhiều thay đổi. Theo đó, chúng ta dần cởi mở hơn và tập trung vào khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp FDI tốt để họ tiếp tục lớn mạnh và càng có nhiều đóng góp hơn nữa.
Vì vậy, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra giải thưởng Golden Dragon Awards. Giải thưởng nhằm ghi nhận những đóng góp của các doanh nghiệp FDI và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh đầu tư có chất lượng hiệu quả vào Việt Nam.
Thông qua giải thưởng này, quan điểm quản lý dòng vốn FDI của chúng ta cũng có nhiều thay đổi. Theo đó, chúng ta dần cởi mở hơn và tập trung vào khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp FDI tốt để họ tiếp tục lớn mạnh và càng có nhiều đóng góp hơn nữa. Chúng ta cũng liên tục có sự thay đổi, luôn hoàn thiện hệ thống luật pháp, cập nhật chính sách cung cấp hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong quản lý sản xuất kinh doanh. Đến giờ, những kết quả đạt được trong 20 năm qua là rất đáng tự hào.
Cùng với sự chuyển biến của dòng vốn FDI tại Việt Nam 20 năm qua là sự vận động liên tục của dòng chảy FDI thế giới. Ở thời điểm này, ông đánh giá như thế nào về dòng chảy FDI thế giới?
Từ năm 2018, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được đẩy lên, kèm theo dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 càng làm gia tăng những tranh chấp thương mại giữa hai quốc gia đó. Ngoài ra, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia đứng đầu chủ yếu giữa Mỹ và các đồng minh với Trung Quốc ngày càng gay gắt đã làm đảo lộn trật tự của thị trường thương mại thế giới. Đặc biệt, dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, cho thấy vai trò rất quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới sau 40 năm phát triển kinh tế.
Trong bối cảnh này, các tập đoàn lớn đang tìm cách dịch chuyển dòng vốn FDI nhằm hạn chế rủi ro do phụ thuộc vào một thị trường cung ứng. Vốn bắt đầu dịch chuyển sang các quốc gia khác ngoài Trung Quốc. Mỹ cũng có những chính sách hạn chế doanh nghiệp Mỹ đầu tư sang Trung Quốc bằng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ tăng đầu tư nội địa. Nhật Bản cũng có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển đầu tư sang các nước khác.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư. Những quốc gia đồng minh của Mỹ như EU và Úc cũng có nhiều chính sách dịch chuyển đầu tư phù hợp.
Đồng thời, những quốc gia đầu tư hàng đầu tại Việt Nam tiếp tục có chính sách mở rộng đầu tư và lựa chọn Việt Nam để dịch chuyển các cơ sở từ Trung Quốc như Tập đoàn Samsung đã xây dựng một số cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang tiếp tục diễn ra và nhiều doanh nghiệp FDI đang lựa chọn Việt Nam làm điểm đến.
Vậy làm thế nào để có thể đón dòng vốn FDI dịch chuyển này trong thời gian tới, thưa ông?
Sự cạnh tranh trong thu hút FDI là rất lớn, nếu Việt Nam không nhận ra những thách thức đó và không tạo ra những thuận lợi đủ sức cạnh tranh, hấp dẫn so với các quốc gia khác.
Nhưng chúng ta còn thách thức khác, đó là thực hiện định hướng thu hút FDI nhiều hơn nữa trong xu hướng dịch chuyển đầu tư toàn cầu. Việc dịch chuyển này cũng phức tạp và cần nhiều thời gian. Các doanh nghiệp sẽ dịch chuyển đầu tư từng phần, trong đó trước mắt là những phần không còn phù hợp với nước sở tại. Ngay tại Trung Quốc, cũng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển đầu tư sang các quốc gia khác nhằm duy trì lợi ích.
Trong khi đó, nước đón nhận đầu tư cũng cần có thời gian và lựa chọn những doanh nghiệp công nghệ, trình độ phù hợp và loại bỏ những nhà đầu tư kém. Quan trọng hơn, theo tôi, là chúng ta vượt qua các thách thức nội tại như thế nào.
Với những thách thức bên ngoài, Việt Nam đã có nhiều biện pháp, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo để điều chỉnh và vượt qua. Điều quan trọng là vượt qua được chính mình, xử lý những vấn đề nội tại để thu hút được FDI. Điều này liên quan đến tư duy đổi mới và thực hiện chính sách nhà nước đối với FDI.
Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 50NQ/TW ngày 20/8/2019 nêu rõ mục tiêu, đối tượng và cách triển khai. Chúng ta cần cụ thể hóa các nội dung và tổ chức thực hiện dựa trên quy định pháp luật hiện hành.
Tuy vậy, công tác quản lý về FDI vẫn còn một số thiếu sót, ảnh hưởng tới môi trường, tình trạng chuyển giá, trốn thuế, không hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước và người lao động... Kèm theo đó là công tác xúc tiến đầu tư không có nhiều hiệu quả cụ thể, dự án triển khai chưa căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo vùng, địa phương, đất nước. Giải ngân dự án FDI không được như cam kết do còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, cấp phép đầu tư, xuất nhập khẩu...
Trong các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của cả nước được có những quy hoạch theo ngành, vùng lãnh thổ. Các địa phương sẽ căn cứ theo các quy hoạch này để có các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cụ thể phù hợp với điều kiện của địa phương. Thành công của từng địa phương trong phát triển kinh tế xã hội được đánh giá trên cơ sở kết quả thực hiện các kế hoach phát triển này trên địa bàn. Không phải thu hút thật nhiều FDI thì mới phát triển.
Trên thực tế, những vấn đề này đều đã được các bộ, ban ngành nắm rõ, nhưng quá trình xử lý vẫn chậm trễ và kéo dài. Việc thực thi định hướng đặt ra của Đảng, Nhà nước và Chính phủ còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu. Trong đó, con người là mấu chốt trong vấn đề quyết định tổ chức thực hiện. Do đó, để tăng cường thu hút vốn FDI, chúng ta phải vượt qua chính mình, xử lý được những tồn tại đó để cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn.
Ở góc độ địa phương, theo ông, các địa phương nên chủ động đón sóng FDI như thế nào?
Những thách thức nêu trên cũng chính là những thách thức của các địa phương. Nhưng mỗi địa phương sẽ có những thách thức cụ thể khác nhau tùy thuộc vào tình hình địa chính trị và năng lực của mỗi địa phương. Những địa phương được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt sẽ có lợi thế trong thu hút vốn FDI.
Trong các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của cả nước được có những quy hoạch theo ngành, vùng lãnh thổ. Các địa phương sẽ căn cứ theo các quy hoạch này để có các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cụ thể phù hợp với điều kiện của địa phương. Thành công của từng địa phương trong phát triển kinh tế xã hội được đánh giá trên cơ sở kết quả thực hiện các kế hoach phát triển này trên địa bàn. Không phải thu hút thật nhiều FDI thì mới phát triển.
Điểm mấu chốt, theo tôi, là thông qua hoạt động thu hút FDI Việt Nam phải xây dựng được nền kinh tế tự cường. Thu hút FDI để tạo động lực cho các khu vực kinh tế khác nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước tìm chỗ đứng trong nền kinh tế. Vì vậy, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp FDI chất lượng cao vào Việt Nam, chúng ta cần giảm dần sự phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI và tiến dần tới mục tiêu đôi bên cùng có lợi trong thu hút FDI.