September 30, 2021 | 08:52 GMT+7

PC-Covid, ứng dụng phòng chống Covid duy nhất lên Google Play, App Store

Thủy Diệu -

Ứng dụng phòng chống dịch Pc-Covid của Việt Nam đã chính thức lên hai kho ứng dụng lớn nhất là Google Play và App Store. Pc-Covid sẽ là ứng dụng duy nhất cho công tác phòng chống dịch Covid và thay thế cho toàn bộ các app chống dịch trước đây…

Ứng dụng PC-Covid trên kho ứng dụng App Store .
Ứng dụng PC-Covid trên kho ứng dụng App Store .

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ với báo giới cuối tuần trước cho biết, ứng dụng PC-Covid được hoàn tất trong một tuần theo yêu cầu của Chính phủ. Sau khi ứng dụng được hoàn thiện (vào thứ 3, ngày 21/9), đơn vị chức năng đã đăng ký đưa lên hai store lớn nhất là Google Play và App Store để được xét duyệt và chính thức có mặt trên các kho ứng dụng này.

“Dự kiến đêm thứ Hai hoặc rạng sáng thứ Ba (28/9-PV) thì PC-Covid sẽ có mặt trên hai ứng dụng lên Google Play, App Store và người dùng có thể tải về sử dụng”, Thứ trưởng Dũng chia sẻ, tuy nhiên ứng dụng PC-Covid đã “lên”  các app này chậm hơn khoảng một ngày so với dự kiến.

Ứng dụng PC-Covid được thiết kế với 9 tính năng chính, gồm: Thẻ Covid-19; Khai báo y tế; Khai báo di chuyển nội địa; Thông tin tiêm vaccine, xét nghiệm; Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; Quét mã QR; Truy vết tiếp xúc gần, Bản đồ nguy cơ, và Phản ánh. Các tính năng này được tổng hợp từ loạt ứng dụng phòng chống dịch trước đó, như Bluezone, VHD, VNeID, Sổ sức khỏe điện tử...

PC-Covid được liên thông để thực hiện đối soát, xác thực từ bốn nguồn dữ liệu lớn, quan trọng, gồm cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý); cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý); cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêm chủng, phòng ngừa Covid-19 (do Bộ Y tế quản lý) và cơ sở dữ liệu về xét nghiệm Covid-19.

Với ứng dụng PC-Covid, sau khi nhập thông tin vào, người dùng sẽ được cấp mã QR cá nhân duy nhất chứa các thông tin cơ bản như họ tên, ngày sinh, số CMND/CCCD… Mã này được sử dụng để người dân di chuyển ra vào các cơ quan, nơi làm việc, chốt kiểm dịch, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh…

Ngoài ra, PC-Covid còn có nhiều chức năng khác như khai báo di chuyển nội địa; tra cứu thông tin tiêm vaccine Covid-19, kết quả xét nghiệm; thông tin nơi đã đến; khai báo y tế; thông tin thẻ Covid-19; truy vết thần tốc; bản đồ nguy cơ; thông tin mật độ di chuyển; xu hướng lây nhiễm; chiến lược tổng thể phòng dịch…

Một trong những tính năng nổi bật trên PC-Covid 19 là Thẻ Covid-19. Màu thẻ (xanh, vàng, đỏ) được hiển thị tùy thuộc vào các dữ liệu của người dùng, cụ thể là thông tin về dịch tễ, từ các hệ thống quản lý tiêm vaccine, hệ thống quản lý xét nghiệm... Trong đó quy định người có thẻ xanh (trên app PC-Covid) sẽ được phép di chuyển, người có thẻ vàng bị hạn chế đi lại, còn người có thẻ Covid màu đỏ không được di chuyển.

Tuy vậy, ở thời điểm chia sẻ với báo chí cuối tuần trước, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, hiện tại vẫn chưa có quyết định cụ thể nào về mặt dịch tễ học quy định thế nào là thẻ xanh, thẻ vàng, thẻ đỏ. “Trong thời gian tới, ứng dụng sẽ được phát triển thêm các tính năng, hay các quy định cụ thể về dịch tễ học trong quy định các màu thẻ, để thuận tiện cho người dân và phù hợp với chiến lược phòng chống dịch theo từng giai đoạn”, ông Dũng cho hay.

Trước đó, ngày 24/9, tại văn bản số 6837/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 13/9/2021 của Văn phòng Chính phủ liên quan tới ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ và thống nhất dùng chung một app cho nhân dân, trong đó quy định rõ "người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate