Hermès có đầy đủ mọi yếu tố để hoàn toàn biến đổi công năng hoặc giao diện của một món đồ để phục vụ cho mục đích nghệ thuật. Thiết kế của chiếc bàn đạp ngựa có thể hóa thân thành vấu đồng hồ tinh tế cho mẫu đồng hồ Galop d'Hermes hay một chiếc bàn hóa ra lại có thể chuyển mình thành chiếc tráp gỗ cỡ lớn lưu giữ mọi bí mật của chủ nhân. Cũng với cách thức ấy - nhưng ở cấp độ “tái chế” - xưởng Petit-h luôn sẵn sàng dung nạp mọi vật liệu không còn giá trị sử dụng và tái thiết chúng bằng trí tưởng tượng và óc sáng tạo bậc thầy.
Một chiếc bàn hỏng, những cọng thừng bỏ đi, chiếc ván trượt đã long bánh, v.v…, tất cả đều sẽ được tái sinh dưới hình hài mới, sang trọng và tươi vui, dưới những bí quyết chế tác đặc biệt của Petit-h. Petit-h như một ADN của Hermès, nó mang những yếu tố di truyền cơ bản của Hermès, không làm mất đi những giá trị cố hữu của thương hiệu này. Đồng thời, có một sợ dây liên kết đặc biệt giữa Hermès - Petit-h và khách hàng: Petit-h tối ưu hóa tất cả những vật liệu Hermès và khiến nó gần gũi hơn với các "thượng đế".
Sợi dây liên kết đặc biệt giữa Hermès và Petit-h đến từ một phép di truyền cơ bản và gần gũi, khi dòng máu của nhà Hermès cũng chảy trong huyết quản của Pascale Mussard - người cháu gái của nhà sản xuất yên cương Thierry Hermès. Gần 30 năm làm việc tại Hermès, hậu nhân đời thứ sáu của gia tộc sáng lập thương hiệu có tuổi thơ gắn liền với những bậc thầy của các xưởng thủ công. Bà vui chơi, quan sát và đam mê những bí mật bất tận được ẩn giấu trong ngăn kéo nơi bàn làm việc của họ. Đó có thể là chiếc khoen cài, những mảnh da cắt thừa, vài cuộn chỉ cài kim hay đôi khi chỉ ngọt ngào, bình dị như một viên kẹo.
“Sáng tạo, sáng tạo hơn nữa, thay đổi nhiều hơn nữa”, những mong ước tìm tòi và khám phá của Pascale Mussard đã ám ảnh tâm trí của bà, thúc đẩy bà đứng ra lãnh lấy mảnh nhỏ mang tên Petit-h của ngôi nhà chung Hermès sau khi rời bỏ cương vị giám đốc sáng tạo. Khi hành trình kiến tạo cái đẹp “truyền thống” đi tới hồi kết, một ngăn kéo khác đã mở ra trong trí óc của “cô bé” Pascale năm nào. Nhỏ bé và bình dị hơn, nhưng cũng không kém phần hào hứng và thú vị.
Lặng lẽ ẩn mình trên một con phố tại Pantin, Bắc Paris, xưởng Petit-h đã đi vào hoạt động không ngơi nghỉ trong suốt 11 năm qua dưới sự điều hành bởi Pascale Mussard. Đây là nơi đón nhận mọi thứ bị thải loại từ Hermès và các thương hiệu khác của tập đoàn như Puiforcat và Cristalleries Saint Louis để đem tới cho chúng một vòng đời mới.
Từ xưởng Pantin, các tạo tác của được “nhỏ giọt” phân phối tới khắp nơi trên thế giới. Trước khi được mở bán với số lượng ít ỏi trực tuyến ở thời gian gần đây, các món đồ Petit-h từng chỉ có mặt một cách khiêm nhường ở 3 cửa hàng của Hermès trên toàn thế giới: New York, Singapore và Tokyo và luôn nhanh chóng hết hàng.
Tại London, những đợt trưng bày, mở bán các sản phẩm Petit-h thường đem tới những chiếc ấm trà có thể bật mở để cất giữ kỷ vật, những chú chó labrador và voi ngô nghê, đáng yêu được cắt may bằng da thừa cho tới mô hình chiếc thuyền được tinh chỉnh để mang dáng dấp xe đua .. Chỉ ít lâu trước, chúng đã sẵn sàng để dành nốt phần đời buồn tẻ của mình trong những kho lưu trữ hay phế phẩm thải loại. Và rồi, dưới óc sáng tạo phi phàm của Pascale Mussard và những nhà thiết kế như Christian Astuguevieille, Stefania di Petrillo, Gilles Jonemann và Adrien Rovero, giờ đây chúng là những món đồ phiên bản giới hạn và được yêu thích tới từ thương hiệu xa xỉ bậc nhất thế giới.
Vào năm 2018, Pascale Mussard chính thức rời khỏi cương vị giám đốc sáng tạo của Petit-h. Tiếp nối di sản của bà là Godefroy de Virieu, người đã tiếp tục dẫn dắt xưởng Petit-h đến với một tương lai rộng mở hơn. Không còn là ngăn kéo thường xuyên đóng kín để lưu trữ tò mò và vui thích, xưởng Petit-h giờ đây đã cung ứng những kỷ vật nhỏ nhắn tới các cửa hàng của thương hiệu trên khắp thế giới: trên đường Rue de Sèvres ở Paris, và hai lần một năm trong khoảng thời gian ngắn ở các thành phố Tokyo, Thượng Hải, Rome, Geneva và New York.