Sáng nay (3/10/2019), EMS Việt Nam đã ký kết hợp tác với Công ty Lalamove Việt Nam, triển khai dịch vụ giao hàng nội thành siêu tốc trong 2 giờ. Với sự hợp tác chiến lược này, EMS và Lalamove mong muốn đưa đến những dịch vụ đa dạng, đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng, đặc biệt về mặt tốc độ và chất lượng giao - nhận hàng hóa.
Gói dịch vụ này cho phép các bưu kiện được gửi qua EMS có thể đến tay khách hàng trong tối đa 2 giờ làm việc đối với Tp.Hà Nội và Tp.HCM. Dịch vụ bắt đầu được triển khai trong tháng 10 này.
Đây được xem là mô hình hợp tác tiên phong giữa một công ty truyền thống với một startup công nghệ.
Đánh giá về thị trường bưu chính chuyển phát Việt Nam hiện tại, bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: "Thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam cũng đang xây dựng nền kinh tế số ở nhiều lĩnh vực, từng bước làm thay đổi nhiều mặt trong đời sống xã hôi. Tuy nhiên lĩnh vực bưu chính đang còn khá lạc hậu khi quy mô còn nhỏ, nguồn lực chưa đủ để chuyển sang dịch vụ bưu chính số".
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng cho rằng vận tải và chuyển phát là hai lĩnh vực khó đưa những cái mới vào nhất. Nếu lĩnh vực chuyển phát không được hiện đại hóa, thương mại điện tử khó mà bật dậy.
Theo ông Hưng, với thị trường phát triển mạnh mẽ, cơ hội cho các công ty bưu chính chuyển phát rất lớn nhưng cái gì cũng có hai mặt. Ví dụ như EMS trước đây là doanh nghiệp số 1, đến nay thị phần vẫn còn lớn nhưng 5-10 năm sau nữa, nếu vẫn tự tin vào sức mạnh quy mô của mình mà không có sự thay đổi, thị phần sẽ giảm.
Do đó, sự kết hợp giữa EMS và startup "kỳ lân" Lalamove được xem là khởi đầu mới cho xu hướng công nghệ hóa ngành bưu chính chuyển phát. Bên cạnh việc cung cấp thêm dịch vụ cho khách hàng có thêm lựa chọn, sự hợp tác này cũng góp phần tạo thêm sức mạnh cho cả 2 doanh nghiệp để bắt kịp xu thế chung toàn cầu.
Tại buổi ký kết, bà Hà Thị Hòa - Tổng giám đốc EMS Việt Nam tiết lộ EMS là đơn vị chủ động đặt vấn đề hợp tác, hai bên tìm được tiếng nói chung khi Lalamove cũng là một startup còn non trẻ nhưng luôn đặt nhu cầu của khách hàng lên trên hết.
"Trong thời gian vừa rồi thị trường chuyển phát rất phát triển, đã có gần 400 doanh nghiệp chuyển phát được cấp phép. Trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt như thế này thì các doanh nghiệp phải nỗ lực thay đổi để giữ được thị phần. Cạnh tranh sẽ đi liền với sự hợp tác, trong môi trường cạnh tranh các doanh nghiệp cũng phải phát triển.
Lần đầu tiên có sự hợp tác giữa một đơn vị chuyển phát truyền thống lâu năm trên thị trường với một startup công nghệ. Trên thị trường chuyển phát cạnh tranh rất mạnh nhưng sự hợp tác vẫn còn rất manh mún. Mô hình hợp tác này được xem là mô hình tiên phong", bà Hà Thị Hòa cho biết.