Chiều ngày 18/6, Cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa hướng dẫn thi hành Điều 182 về đất trồng lúa của Luật Đất đai gồm 3 chương, 18 điều, 17 phụ lục.
Sau khi lấy ý kiến thành viên Chính phủ, cơ quan soạn thảo là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiếp thu, chỉnh sửa, giải trình làm rõ một số nội dung như điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa ở địa phương; phương án sử dụng tầng đất mặt khi xây dựng công trình trên đất được chuyển đổi từ đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp; hỗ trợ địa phương sản xuất lúa; xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ, quy định cụ thể hơn nữa loại, tiêu chuẩn kỹ thuật, trình tự thủ tục thẩm định công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa; trách nhiệm quản lý nhà nước; xử lý chuyển tiếp những công trình đang hiện hữu.
Về đề xuất tăng mức hỗ trợ trực tiếp cho người trồng lúa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho rằng cần xem xét tổng hợp nguồn lực từ tất cả các chính sách, chương trình, chiến lược, kế hoạch hỗ trợ cho vùng đất lúa, từ đó cái nhìn tổng thể, điều phối hiệu quả cho đất lúa.
Đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Nam Định kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ thế nào là giống mới, thời gian hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ; tiêu chí về công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất lúa.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ các địa phương có đất lúa, được giao giữ đất lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia hết sức quan tâm đến nghị định, nhất là các chính sách hỗ trợ thiết thực cho người trồng lúa, vùng đất lúa về giống, hạ tầng thuỷ lợi, khoa học kỹ thuật, công nghệ, thị trường…
"Lần đầu tiên, các chính sách hỗ trợ phát triển đất trồng lúa đã được đưa vào luật, vì vậy, nghị định phải tiếp tục thể chế hoá thành những quy định cụ thể, thiết thực, toàn diện, bền vững để giúp người nông dân sống được từ đất lúa, đứng vững trước những biến động của thiên tai, thị trường", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, nghị định về đất trồng lúa phải giải quyết những "bài toán lớn" về thuỷ lợi, đặt hàng nghiên cứu giống mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sắp xếp lại ruộng đồng để cơ giới hoá, thu hồi đất lúa bị bỏ hoang hoá, trang bị cho người nông dân kiến thức canh tác nông nghiệp hiện đại… trong bối cảnh biến đổi khí hậu, phù hợp với các hệ sinh thái khác nhau.
Phó Thủ tướng yêu cầu chỉ rõ các nguồn lực, công cụ tài chính dành cho vùng đất lúa từ vốn đầu tư công, chi sự nghiệp, vốn ODA…, từ đó đầu tư "ra tấm, ra món" về giống cây trồng, vật nuôi, giải pháp kỹ thuật canh tác, thu hoạch, chế biến, phát triển thị trường… cho các sản phẩm nông nghiệp từ vùng đất lúa; xây dựng quỹ hỗ trợ người trồng lúa khi gặp thiên tai hoặc "mất mùa được giá, được mùa mất giá".
Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cần có tiêu chí xác định những vùng đất lúa bảo vệ tuyệt đối, đi kèm chính sách hỗ trợ đặc thù cho nông dân, đầu tư hạ tầng, chuyển giao khoa học công nghệ… để sản xuất tập trung, có năng suất, chất lượng cao, không phụ thuộc vào thiên nhiên.
"Các vùng đất lúa có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng cần có hướng dẫn rõ ràng, có cơ sở khoa học, theo nguyên tắc loại trừ những việc không được làm để địa phương có thể triển khai được", Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục cụ thể hoá hơn nữa quy định, tiêu chí kỹ thuật đối với công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất trồng lúa, tính đến phương án sử dụng đa mục tiêu phục vụ cho du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm...
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo nghị định để thực sự tạo ra chính sách mới, đột phá, xứng đáng với tiềm năng, vị thế trụ đỡ nền kinh tế của nông nghiệp Việt Nam.