Nhận định về dấu hiệu nóng trở lại của thị trường bất động sản, những ý kiến lạc quan cho rằng do nhu cầu của người dân về nhà ở còn lớn.
Ý kiến khác đồn đoán về khả năng lặp lại “bi kịch” bong bóng bất động sản đã diễn ra năm 2007, cũng bắt đầu từ việc thị trường chứng khoán nóng lên, lan dần sang bất động sản do tâm lý lo ngại lạm phát quay trở lại khiến đồng tiền mất giá.
Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong quan hệ cung - cầu, hiện nay, Nhà nước không quản lý được hết nguồn cầu về nhà đất. Do đó, để kiểm soát quá trình kinh doanh, đầu cơ bất động sản cần phải thông qua thuế chứ không thể kiểm soát theo thủ tục, mệnh lệnh hành chính.
Hiện tượng giá đất dự án nóng lên quá nhanh và không đồng đều giữa các khu vực, làm hình thành một mặt bằng giá mới cao 30 đến 40% so với đầu năm 2009. Giá đất dự án trong nửa đầu năm 2009 đã trải qua nhiều đợt tăng giá, mỗi đợt đều tạo nên mặt bằng giá mới. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Giá nhà và đất đang tăng lên thể hiện rõ hai dấu hiệu. Thứ nhất là gói kích cầu hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã có nhiều dấu hiệu tích cực khiến cho thị trường nhà đất sôi động trở lại.
Thứ hai là nhu cầu về nhà đất của người dân có xu hướng tăng lên. Nhưng thực tế tốc độ xây dựng của các dự án vẫn còn chậm, nên có thể nói giá đất tăng trong thời điểm này có một phần từ yếu tố tâm lý chứ chưa hẳn đã do sức cầu tăng.
Vậy nhận định cụ thể của ông về hiện trang phát triển trên thị trường bất động sản là gì?
Thực tế thì gói kích cầu hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã có nhiều dấu hiệu tích cực, điều này cũng tác động làm giá nhà và đất tăng. Tuy vậy có thể dễ dàng nhận thấy điều đó mâu thuẫn với chính sách an sinh xã hội của Chính phủ như xây nhà cho người nghèo, người có thu nhập thấp. Vấn đề này đã khiến chúng ta phải xác định, giá nhà và đất tăng là do yếu tố đầu cơ hay giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng khiến doanh nghiệp đẩy giá lên cao.
Như vậy, việc thị trường bất động sản hồi phục trở lại trong thời điểm này có vẻ ẩn chứa điều gì bất thường, thưa ông?
Ngoài yếu tố về nhu cầu sở hữu một căn hộ hoặc một miếng đất của người dân, nguyên nhân khiến giá nhà và đất tăng mạnh trở lại còn do giá xăng dầu, sắt thép, xi măng, đá, cát, lương thực thực phẩm tăng, kéo theo hệ quả làm chi phí xây dựng tăng theo.
Song mức tăng đó cũng chỉ tạo ra một mức ảnh hưởng nhất định chứ không thể đẩy giá nhà đất tăng quá cao như hiện nay. Rõ ràng giá tăng như vậy là có sự bất thường.
Trong quan hệ cung - cầu, hiện nay, Nhà nước không quản lý, kiểm soát hết nguồn cầu về nhà đất. Nhà nước thường quản lý nguồn cầu thông qua các dự án. Các dự án lại thông qua những “cò” đất, công ty, trung tâm môi giới.
Tuy nhiên, nhiều người dân lại sử dụng tiền nhàn rỗi của mình thông qua các “cò” đất, công ty, trung tâm môi giới để mua bán nhà, đất nhằm sinh lợi. Điều này đã khiến cho giá cả thị trường bất động sản tăng lên.
Ngoài ra, cũng không thể ngoại trừ nguyên nhân rằng nhiều nhà đầu tư bất động sản ở các khu đô thị đã lợi dụng chính sách thông thoáng như gói kích cầu hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để đẩy giá nhà đất lên cao.
Theo ông, các cơ quan chức năng và người dân nên có thái độ đối với diễn biến của thị trường bất động sản hiện nay thế nào cho thích hợp?
Thông qua những hợp đồng mua bán nhà ở, các cơ quan chức năng có thể thực hiện việc áp dụng thuế cũng như kiểm soát quá trình hoạt động của những trung tâm giao dịch bất động sản.
Đồng thời, thông qua việc thực hiện áp dụng thuế, chúng ta cũng có thể kiểm tra được giá giao dịch nhà đất tăng ở công đoạn nào trong mặt bằng giá đất hiện hành.
Để kiểm soát quá trình kinh doanh, đầu cơ bất động sản, theo tôi, chúng ta phải thực hiện chính sách đánh thuế đối với các công ty, trung tâm môi giới, sàn giao dịch bất động sản. Tức là kiểm soát thông qua thuế chứ không thể kiểm soát theo thủ tục, mệnh lệnh hành chính.
Về phía người dân khi đi mua nhà thông qua các sàn giao dịch bất động sản thì phải tìm hiểu rõ quyền lợi của mình là gì và trách nhiệm của công ty, trung tâm môi giới nhà đất như thế nào.
Điều này sẽ tránh được trường hợp, có người dân có rất nhiều tiền nhưng hiểu biết về luật pháp kém dẫn đến tình trạng bỏ tiền ra mua nhà nhưng sau đó lại tập hợp nhau lại để phản đối đòi diện tích nhà để xe như ở Khu đô thị The Manor, Hà Nội...
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate