Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hoàn thiện và đang lấy ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương nhằm khắc phục những bất cập về ghi nhãn, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Dự thảo đã bổ sung nhiều quy định mới trong đó có quy định cho phép thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử.
BỔ SUNG GHI NHÃN THEO PHƯƠNG THỨC ĐIỆN TỬ
Việc ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
Lý giải việc bổ sung nội dung cho phép thể hiện một số ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo tại Nghị quyết 01 NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất kinh doanh và quản lý, và tạo thuận lợi thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền người tiêu dùng.
Nghị Quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, và giải pháp chủ yếu năm 2020 có nêu giải pháp: “Nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách thử nghiệm, kịp thời giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhằm phát triển thị trường các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến, kinh tế chia sẻ, kinh tế số,... theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai công nghệ, mô hình kinh doanh mới, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp truyền thống, tăng tính thuận tiện trong hoạt động tiêu dùng của nhân dân".
Cần phải bổ sung thêm nội dung này tại Nghị định số 43 để tạo hành lang pháp lý cho việc áp dụng công nghệ tiên tiến, ghi nhãn theo phương thức điện tử và truy xuất nguồn gốc hàng hóa...
Trong khi đó, hiện nay, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP chưa có quy định cho phép các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh được sử dụng việc ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử. Chính vì vậy cần phải bổ sung thêm nội dung này tại Nghị định số 43 để tạo hành lang pháp lý cho việc áp dụng công nghệ tiên tiến, ghi nhãn theo phương thức điện tử và truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Việc ghi nhãn theo phương thức điện tử là tự nguyện áp dụng, không bắt buộc đối với các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện áp dụng công nghệ. Nghị định giao Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết đối với việc thực hiện ghi nhãn bằng phương thức điện tử.
Một số ý kiến cho rằng, quy định này của dự thảo sẽ tạo hành lang pháp lý cho các nội dung đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động ghi nhãn hàng hóa; tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất kinh doanh và quản lý, và tạo thuận lợi thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền người tiêu dùng.
NGĂN CHẶN CÁC HÀNH VI GIAN LẬN THƯƠNG MẠI
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP mà Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng về cơ bản tập trung vào mục tiêu chống gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh việc quy định một số nội dung bắt buộc có thể được thể hiện bằng phương thức điện tử, dự thảo cũng bổ sung nhiều quy định mới trong đó đáng chú ý phạm vi điều chỉnh bao gồm cả hàng hóa xuất khẩu và đối tượng áp dụng bao gồm cả tổ chức, cá nhân xuất khẩu.
Việc bổ sung hàng hóa xuất khẩu vào phạm vi điều chỉnh là cần thiết nhằm chống gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ lợi ích quốc gia.
Dự thảo đã bổ sung quy định ghi nhãn đối với hàng hóa xuất khẩu theo hướng: Hàng hóa sản xuất trong nước để xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo pháp luật của nước nhập khẩu; Trường hợp hàng hóa sản xuất trong nước để xuất khẩu có nhãn hàng hóa thể hiện xuất xứ hàng hóa thì nội dung xuất xứ hàng hóa phải bảo đảm đáp ứng các quy định pháp luật của Việt Nam về xuất xứ hàng hóa.
Một số ý kiến cho rằng, việc bổ sung hàng hóa xuất khẩu vào phạm vi điều chỉnh là cần thiết nhằm chống gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp, bảo vệ lợi ích quốc gia. Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế để gian lận về xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định để xuất khẩu hàng hóa vào các nước khác.
Các nước này có cảnh báo về việc ghi nhãn không đúng quy định của nước đó, gian lận về ghi nhãn và nguồn gốc xuất xứ; cảnh báo nguy cơ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp chân chính trong nước.
Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ ràng, tách bạch về nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa đối với 3 loại hàng hóa: lưu thông trong nước; nhập khẩu; xuất khẩu.
Dự thảo điều chỉnh quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu theo hướng bắt buộc trên nhãn gốc phải thể hiện 3 nội dung: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa không thể hiện xuất xứ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa thì bắt buộc phải thể hiện nội dung này trong hồ sơ nhập khẩu kèm theo hàng hóa. Quy định này sẽ tạo ra sự minh bạch hơn, rõ ràng hơn đối với hàng hóa nhập khẩu; nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng để thay đổi nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, lừa dối người tiêu dùng.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi quy định về ghi xuất xứ hàng hóa đảm bảo chống gian lận xuất xứ, và thống nhất, đồng bộ với hệ thống các văn bản quy định về xuất xứ hàng hóa; đồng thời bổ sung quy định để Bộ Y tế hướng dẫn việc ghi nhãn dinh dưỡng đối với một số mặt hàng thực phẩm nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam…