August 04, 2021 | 19:05 GMT+7

Phải triển khai thống nhất các nền tảng công nghệ phòng chống Covid

Đỗ Phong -

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên việc áp dụng công nghệ để chống dịch phải có sự bắt buộc, phải có sự triển khai thống nhất trên toàn quốc...

Công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu muốn chống dịch hiệu quả.
Công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu muốn chống dịch hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã nhấn mạnh thông điệp này tại Hội nghị trực tuyến phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc vừa diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

CÔNG CỤ KHÔNG THỂ THIẾU NẾU MUỐN CHỐNG DỊCH HIỆU QUẢ

Theo Thứ trưởng, “vấn đề lớn nhất và ngay lập tức của Đất nước hiện nay là đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc. Với sức lây lan nhanh của chủng Delta, chắc chắn công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu muốn chống dịch hiệu quả”.

 
Với sức lây lan nhanh của chủng Delta, chắc chắn công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu muốn chống dịch hiệu quả.

Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thống nhất, đồng lòng cùng triển khai Trung tâm công nghệ quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy, ở địa phương, ông Dũng đề nghị Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông nhanh chóng tham mưu, đề xuất với Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh nhanh chóng phân công 1 lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai công nghệ, thành lập Tổ công nghệ do Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì. Đặc biệt, “nếu có thể thành lập được các Tổ công nghệ cộng đồng đến tận phường, xã để hỗ trợ triển khai với sự tham gia của lực lượng thanh niên, của các doanh nghiệp thì sẽ rất hiệu quả”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, công nghệ không bao giờ là lời giải duy nhất. Tự thân công nghệ không thể giải quyết vấn đề mà phải kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, biện pháp nghiệp vụ khác mới trở thành một giải pháp trọn vẹn. Ông Dũng cho rằng, công nghệ, cũng giống như mọi công cụ khác đều có khiếm khuyết. Vì vây, cần liên tục sử dụng, ghi nhận và phản ánh lỗi, cập nhật và sửa lỗi. Mặt khác, phải phổ biến những kinh nghiệm, bài học, kết quả triển khai hiệu quả. Đó là những kết quả tốt về triển khai nền tảng tiêm chủng, nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm và nền tảng hỗ trợ truy vết…

Thông điệp thứ ba mà Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh đó là, công nghệ phải có sự bắt buộc, phải có sự triển khai thống nhất trên toàn quốc. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa thời bình và “thời chiến”. Ở thời bình, có thể triển khai theo cách đa dạng ứng dụng, theo hướng liên thông dữ liệu nhưng ở “thời chiến”, bắt buộc phải triển khai một số nền tảng thống nhất trên toàn quốc.

“Vì dịch bệnh là toàn quốc, người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh có thể di chuyển Bình Dương hoặc ngược lại, nên chúng ta phải có dữ liệu toàn quốc. Và vì dịch bệnh diễn biến rất nhanh, không có thời gian cho chúng ta ngồi lại để bàn bạc chuyện liên thông”.

Ông Dũng phân tích và cho biết, Trung tâm Công nghệ quốc gia đã phát triển một bộ công cụ để phục vụ phòng, chống dịch. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78 phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng chống dịch Covid-19. Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch quốc gia đã biên soạn tài liệu hướng dẫn chi tiết và gửi đến các đầu mối...Do đó, các Sở có thể căn cứ vào văn bản này để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo ở địa phương.

TRUY RA HÀNG NGHÌN NGƯỜI CÓ LIÊN QUAN NHỜ CÔNG NGHỆ TRUY VẾT

Đại diện Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 thông tin, nhờ ứng dụng công nghệ truy vết, trong đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 này hàng chục nghìn trường hợp có liên quan.

Cụ thể, tính đến ngày 2/8, Trung tâm đã phối hợp cùng các địa phương thực hiện truy vết hơn 4.400 ca nhiễm/ nghi nhiễm có sử dụng Bluezone, đã tìm ra được khoảng 51.000 người người có liên quan, tiếp xúc gần...

 
Tính đến chiều ngày 3/8/2021, trên cả nước đã có 42,31 triệu lượt tải ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, tăng 11,852 triệu so với 28/4- thời điểm bắt đầu đợt dịch thứ 4.

Một số trường hợp ca nhiễm/nghi nhiễm có lịch sử di chuyển phức tạp nhưng không nhớ các địa điểm đã đến…Ngoài ra còn có những trường hợp khai báo không trung thực… Đối với các trường hợp này, Trung tâm có thể hỗ trợ sử dụng liên hoàn các giải pháp công nghệ để lập bản đồ di chuyển của ca nhiễm. Đến nay đã lập gần 600 bản đồ di chuyển và có 22 trường hợp là F0 bỏ trốn đã bị phát hiện nhờ kết quả truy vết… Tại Cần Thơ, nhờ ứng dụng bản đồ di chuyển đã giúp tìm ra thêm nhiều F1, trong đó có những F1 đã trở thành F0.

Đối với các địa bàn chưa xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid, việc truy vết nhanh, khoanh vùng dập dịch là một trong những ưu tiên hàng đầu. Việc truy vết người tiếp xúc với ca bệnh nhằm mục đích tổ chức xét nghiệm, cách ly, xử lý kịp thời, ngăn chặn không để dịch lây lan ra cộng đồng. Khi có một ca nhiễm hoặc nghi nhiễm, cơ quan y tế sẽ khai thác lịch sử tiếp xúc thông qua điện thoại cài Bluezone của bệnh nhân. Hệ thống sẽ tìm ra danh sách các số điện thoại đã tiếp xúc gần với ca nhiễm này, đưa vào danh sách truy vết của cơ quan y tế.

Với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc áp dụng nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quá xét nghiệm đã có những thành công đáng ghi nhận. Cụ thể, với việc nhập liệu một lần thông qua quét mã QR code hoặc nhập trực tiếp, nền tảng đã giúp tiết kiệm 50% thời gian lấy mẫu xét nghiệm, tăng tốc truy vết, khoanh vùng...

Người dân trên địa bàn tỉnh cũng giảm 50% thời gian chờ đợi so với trước kia đồng thời khai báo thông tin nhanh chóng dễ dàng trên điện thoại và nhận kết quả trực tuyến qua các ứng dụng...

Theo thống kê, tính đến chiều ngày 3/8/2021, trên cả nước đã có 42,31 triệu lượt tải ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, tăng 11,852 triệu so với 28/4- thời điểm bắt đầu đợt dịch thứ 4. Tại Hà Nội, đã có hơn 3,167 triệu lượt cài ứng dụng Bluezone, chiếm tỷ lệ 39.33% dân số, xếp thứ 7 trong cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 3,244 triệu lượt cài đặt, chiếm hơn 36% dân số. Bình Dương có hơn 1,01 triệu lượt cài đặt, chiếm 45,11% dân số tỉnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate