Liên quan đến câu hỏi về tiến độ thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch Điện 8), ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết dự thảo Quy hoạch điện 8 đã được Bộ Công Thương hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt từ trước đó.
CÂN ĐỐI HỢP LÝ CƠ CẤU CÁC NGUỒN ĐIỆN
Tuy nhiên tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã có cam kết trong việc đưa phát thải ròng của Việt Nam bằng 0 vào năm 2050 và quan điểm ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo… đã được định hướng trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Vì thế Bộ Công Thương đã tập trung hoàn thiện Quy hoạch điện 8 xoay quanh việc xây dựng chương trình phát triển điện lực thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 theo hướng bền vững.
Trong đó, dành nhiều không gian cho phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch và thân thiện với môi trường với chi phí sản xuất hợp lý, hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện, đáp ứng các cam kết của Việt Nam đối với quốc tế về giảm thiểu tối đa phát thải các loại khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.
Để thực hiện cam kết tại COP26, Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch điện 8 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 308/TB- VPCP ngày 9/11/2021 và Thông báo số 314/TB- VPCP ngày 20/11/2021, đồng thời gửi lấy ý kiến các địa phương trên toàn quốc trước khi hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến vào quý 1/2022.
Bộ Công Thương cũng nhận được nhiều đề nghị của các địa phương về bổ sung các nguồn điện vào Quy hoạch Điện 8 đặc biệt từ các địa phương có nguồn năng lượng tái tạo lớn như điện mặt trời, điện gió.
Tuy nhiên trong thời gian qua chúng ta đã phát triển số lượng rất lớn điện mặt trời, điện gió. Trong khi năng lượng tái tạo chỉ sử dụng với tỷ lệ phù hợp, hợp lý đảm bảo kết nối cung cầu và đáp ứng được nhu cầu phụ tải, không phải muốn dùng bao nhiêu cũng được.
"Chính vì vậy, chúng tôi đã cân đối, tính toán kỹ lưỡng giữa cơ cấu các nguồn điện một cách hợp lý nhất nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu đặc biệt phát huy được nguồn năng lượng sạch. Trong Quy hoạch Điện 8 sẽ tính toán đưa vào phân bố theo từng vùng, từng khu vực với nhu cầu cả các địa phương”, ông Hùng cho biết.
Nói về việc đoàn kiểm tra các dự án năng lượng mặt trời, ông Hùng cho hay, ngày 9/2/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản số 185/TTg-CN rà soát các vấn đề liên quan tới phát triển điện mặt trời và giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, EVN thực hiện rà soát tổng thể việc triển khai các dự án điện mặt trời trên mặt đất và mái nhà.
Thực hiện công tác này, đoàn kiểm tra đã ban hành các văn bản kiểm tra đợt 2 tại 10 tỉnh: Sơn La, Lâm Đồng, Bạc Liêu, Kon Tum, Phú Yên… có công suất lắp đặt điện mặt trời trên các mái nhà có quy mô lớn. Nhưng do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh nên đoàn đã tạm dừng kiểm tra đợt 2 và đã có thông báo gửi các địa phương.
ĐẢM BẢO KHÔNG THIẾU ĐIỆN
Liên quan đến tình hình cung ứng điện năm 2022, câu hỏi được đặt ra về việc tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, miền Bắc sẽ thiếu 1.500-2.000 MW, vậy kế hoạch cung ứng cũng như huy động các nguồn điện trong năm 2022 thế nào để đảm bảo cầu, cũng như không bị cắt điện?
Ông Nguyễn Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực trả lời, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3063 ngày 31/12/2021 về phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống toàn ngành điện năm 2022. Dự kiến sản lượng điện sản xuất và mua của toàn hệ thống điện năm 2022 khoảng 275,5 tỷ kwh, tăng khoảng 7,88 % so với năm 2021.
Dự kiến việc cung ứng điện năm 2022 về cơ bản được đảm bảo mà không phải thực hiện cắt giảm điện nếu không có hiện tượng bất thường xảy ra hay trong trường hợp thời tiết cực đoan.
Tuy nhiên, trong một số thời điểm có thể có hiện tượng quá tải cục bộ của lưới điện trung hạ, nên Bộ đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị điện lực thường xuyên theo dõi các điều kiện vận hành hệ thống cũng như đảm bảo vận hành. Đồng thời yêu cầu chuẩn bị sẵn các phương án cung cấp điện an toàn, ổn định trong những dịp lễ lớn.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc điều tiết nước các hồ thủy điện, phục vụ phát điện và nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt ở hạ du; chỉ đạo các đơn vị điện lực có kế hoạch đảm bảo nguồn nhiên liệu sơ cấp.
Mặt khác, thường xuyên kiểm tra, củng cố các thiết bị để khắc phục các khiếm khuyết của nhà máy điện và lưới điện. Tăng cường kiểm tra, củng cố lưới điện, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, điều kiện để xử lý nhanh các bất thường, không để các sự cố kéo dài. Tập trung hoàn thành các công trình lưới điện mà giải tỏa công suất của các nguồn năng lượng tái tạo cũng như giải tỏa công suất của nguồn thủy điện nhỏ.
Về năng lượng tái tạo, theo ông Quang, dự kiến trong năm 2022 nguồn năng lượng tái tạo cung cấp khoảng 35,6 tỷ kwh, chiếm khoảng 13% tổng nhu cầu điện của hệ thống.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị liên quan tiếp tục có các giải pháp để khai thác hiệu quả các nguồn điện, bao gồm nguồn điện, năng lượng tái tạo này.