April 09, 2024 | 16:04 GMT+7

Phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu có 15 bác sĩ trên 10.000 dân

Nhật Dương -

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 15 bác sĩ/10.000 dân, con số này đến năm 2050 sẽ tăng lên 35 bác sĩ. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, vì thế cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, và đãi ngộ đặc biệt...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung chính được nêu tại Quyết định số 869 ban hành ngày 8/4 của Bộ Y tế phê duyệt “Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023-2030, định hướng 2050”.

NHÂN LỰC Y TẾ CẦN ĐÃI NGỘ ĐẶC BIỆT

Tại quyết định, Bộ Y tế nêu rõ, nghề y là một nghề đặc biệt; nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt.

Phát triển nhân lực y tế nhằm thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn 2023- 2030, và tầm nhìn đến năm 2045, và Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Y tế đặt ra mục tiêu phát triển nhân lực y tế đủ về số lượng, có cơ cấu và phân bố hợp lý, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, và một số chuyên ngành kém thu hút, khó tuyển.

Đồng thời, nâng cao chất lượng chuyên môn và y đức của nguồn nhân lực y tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế. Nâng cao năng lực quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực y tế.

Định hướng đến năm 2050, nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu của hệ thống y tế phát triển hiện đại, hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân.

Bộ Y tế cũng đặt ra chỉ tiêu đào tạo nhân lực y tế/10.000 dân. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 15 bác sĩ/10.000 dân; đến năm 2030 có 19 bác sĩ/10.000 dân và đến năm 2050 có 35 bác sĩ/10.000 dân.

Để đạt được các mục tiêu, Bộ Y tế đề ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm, gồm: (1) Đào tạo đảm bảo đủ nguồn nhân lực y tế; (2) Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế; (3) Nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực y tế; (4) Tăng cường quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực y tế. 

KHUYẾN KHÍCH CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ THAM GIA ĐÀO TẠO NHÂN LỰC Y TẾ

Trong đó, ở nhóm giải pháp thứ nhất, Bộ Y tế sẽ tập trung tăng cường đầu tư, nâng cấp để nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo nhân lực y tế trong cả nước về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, điều kiện dạy học, nhất là cơ sở thực hành.

Đồng thời, tăng cường đào tạo nhân lực y tế cho một số chuyên ngành kém thu hút và vùng khó khăn, đặc biệt là vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách, cơ chế đặc thù, miễn, giảm học phí để khuyến khích người theo học các ngành khó thu hút, và khuyến khích nhân lực y tế làm việc ở vùng khó khăn.

Tiếp tục thực hiện cơ chế đào tạo cử tuyển, đào tạo theo đặt hàng, đào tạo liên thông đối với một số ngành trình độ cao đẳng, đại học, để đảm bảo đủ số lượng nhân lực y tế, và tạo nguồn cho đào tạo sau đại học các chuyên ngành khó thu hút, như Lao, Phong, Truyền nhiễm, Tâm thần, Giải phẫu bệnh, Pháp y, Pháp y tâm thần, Hồi sức cấp cứu, Dân số, Y học cổ truyền, Y học dự phòng.

Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Phương Thảo.
Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Phương Thảo.

Các địa phương xây dựng các chính sách phù hợp để thu hút nhân lực y tế, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, chuyên khoa sau đại học làm việc tại các vùng khó khăn, trong đó có chính sách hỗ trợ tài chính, hỗ trợ chỗ ở, đi lại...

Đặc biệt, sửa đổi, bổ sung chế độ tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, để thu hút cán bộ y tế làm việc tại các chuyên ngành khó thu hút ở vùng khó khăn.

Giải pháp nữa cũng được tính đến là mở rộng liên kết quốc tế trong đào tạo, hợp tác, trao đổi nhân lực y tế.

nhóm giải pháp thứ hai về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế, Bộ Y tế sẽ tăng cường đào tạo nước ngoài đối với các lĩnh vực mà Việt Nam chưa đủ điều kiện đào tạo, để phát triển đội ngũ giảng viên; liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín, mời giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, kinh nghiệm từ các cơ sở đào tạo nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Cùng với đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo; đầu tư nâng cấp các phòng thực hành, thí nghiệm, phát triển các trung tâm đào tạo tiền lâm sàng, trung tâm mô phỏng để đào tạo kỹ năng cho người học.

Với nhóm giải pháp thứ ba về nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực y tế, Bộ Y tế chú trọng vào xây dựng cơ chế, chính sách lồng ghép trong các chương trình, dự án, để hỗ trợ cán bộ ở vùng khó khăn tham gia đào tạo ngắn hạn, dài hạn.

Triển khai các mô hình hỗ trợ kỹ thuật, cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ cho bệnh viện tuyến dưới; tư vấn, đào tạo từ xa nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Cải thiện chế độ đãi ngộ tương xứng đối với các bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu.

Với nhóm giải pháp thứ tư về tăng cường quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực y tế, nội dung trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng các chức danh nghề nghiệp, chuẩn đầu ra, chuẩn năng lực nghề nghiệp trong lĩnh vực y tế.

Đặc biệt, đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nhân lực y tế.

Cùng với đó, đảm bảo kinh phí cho phát triển nhân lực y tế, theo hướng Nhà nước quan tâm ưu tiên đầu tư thỏa đáng cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế, đặc biệt nhân lực cho các vùng khó khăn và các ngành khó tuyển. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn vốn khác nhau đề tăng đầu tư cho các cơ sở đào tạo nhân lực y tế…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate