Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội ngày 11/1.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, trong nhiệm kỳ 5 năm qua, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã đạt được nhiều dấu ấn nổi bật.
Trong đó, điểm đổi mới đáng chú ý không thể không nhắc đến là đẩy mạnh việc xét công nhận hồ sơ người có công. "Đây là việc rất nhân văn, bởi vì chiến tranh đã qua đi rất nhiều năm, có những hồ sơ liệt sỹ hy sinh gần 100 năm", Phó thủ tướng nói.
Riêng trong năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bất ngờ xảy ra, nhớ lại những ngày đầu chống dịch, Phó thủ tướng cho rằng đã có những việc làm chưa từng có tiền lệ, sau đó tiếp tục suốt một năm các bộ, ngành phối hợp cùng nhau chống dịch, cho đến thời điểm này chúng ta cơ bản giữ được điều kiện sản xuất kinh doanh ở mức tương đối.
Đối với gói hỗ trợ an sinh, Phó thủ tướng thừa nhận dù chưa hài lòng với kết quả do chưa đến được tất cả các đối tượng như mong muốn nhưng chúng ta đã cố gắng nỗ lực hết sức để đưa sự hỗ trợ của Nhà nước đến các đối tượng nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, tới đây chắc chắn phải tiếp tục triển khai, bởi vì theo Phó thủ tướng dù chúng ta đã làm rất tốt những đối tượng có hồ sơ sẵn như người có công, đối tượng bảo trợ xã hội nhưng những đối tượng mới liên quan đến thủ tục xác nhận, các doanh nghiệp còn chậm.
"Dù tình hình sản xuất hiện nay tương đối ổn định nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm tới sẽ còn lấn sâu hơn, nhiều đối tượng lúc này mới bị "thấm" tác động, do đó, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện chính sách", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp tục nhấn mạnh nhiều hơn đến việc thực hiện chế độ đối với người có công, Phó thủ tướng cho rằng tới đây phải mở rộng dần các đối tượng, trước đây do nguồn lực có hạn mức độ trợ cấp cũng còn rất thấp.
"Đương nhiên, tiền không nhiều thì không thể nâng được nhưng mà vai trò của Bộ ở chỗ này là phải rà soát lại các chính sách, có cái nào trùng lặp không để cùng số tiền ấy trao cho đúng đối tượng hơn", Phó thủ tướng nói và cho rằng, trước mắt hiện nay chưa cần tăng thêm nhiều tiền nhưng chỉ cần rà soát lại toàn bộ chính sách cùng ứng dụng công nghệ thông tin thì vẫn bằng số tiền đó công tác này đã hiệu quả hơn rất nhiều.
Cùng với đó, Phó thủ tướng cũng lưu ý đến việc đẩy mạnh thanh toán chế độ người có công qua bưu điện, việc này không thể chần chừ thêm, bởi vì "nếu không làm nhanh thì tới đây khi các ứng dụng về ví điện tử, thanh toán qua di động kết nối tất cả thành tài khoản thì việc phổ cập xong chính sách sẽ chẳng còn ý nghĩa nữa".
Cho rằng muốn có mạng lưới an sinh xã hội tốt thì phải phát triển hệ thống bảo hiểm tốt, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh hai nhiệm kỳ vừa qua chúng ta đã có đột phá là phổ cập được bảo hiểm y tế toàn dân, tuy nhiên bảo hiểm xã hội dù có tiến bộ nhưng vẫn còn chậm.
Vẫn còn một số lượng lao động phi chính thức chưa có thói quen tham gia bảo hiểm xã hội, do đó Phó thủ tướng cho rằng trước hết cần phải thay đổi thói quen của họ. "Bây giờ đừng đòi hỏi ngay là phải đóng góp được nhiều, đầu tiên mua những gói rất nhỏ trước, sau một vài năm khi quen dần đi lúc đó họ mới mua nhiều hơn", Phó thủ tướng nói.
Một vấn đề quan trọng khác được Phó thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh khi đánh giá về kỹ năng nghề của Việt Nam là tăng rất tốt, nhưng kỹ năng nghề là phải đi từ giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chỉ là một khía cạnh.
"Tôi cho rằng, nhất định năm tới chúng ta phải nhấn mạnh vào đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Năm nay theo Chỉ số phát triển nguồn nhân lực của Ngân hàng Thế giới thì chúng ta đứng thứ 67, đào tạo nghề thì năm nay không xếp hạng nhưng năm ngoái chúng ta có bước tiến rất lớn. Bây giờ chúng ta phấn đấu đưa giáo dục nghề nghiệp đuổi kịp thứ hạng giáo dục đại học, dù rất khó nhưng phải đặt mục tiêu", Phó thủ tướng đặt vấn đề.
Để làm được điều này, Phó thủ tướng cho rằng sẽ đòi hỏi hàng loạt chính sách. "Bây giờ đã cho phân luồng từ trung học rồi, sau này ai muốn học tiếp có thể liên thông lên đại học. Dạy trong dạy nghề không nhất thiết phải từ trường sư phạm ra mà chính những kỹ sư, công nhân lành nghề cũng có thể thành giáo viên dạy nghề.
Suy cho cùng, khi đánh giá chất lượng nguồn nhân lực quốc gia là nhìn từ những từ công nhân lành nghề cho đến kỹ sư, những người làm ở các viện nghiên cứu…", Phó thủ tướng nhấn mạnh.