Chiều ngày 2/5, Bộ Giao thông Vận tải đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Tập đoàn FLC cùng các đơn vị liên quan để bàn về đề xuất đầu tư xây dựng nâng cấp sân bay Đồng Hới và tiến trình cấp phép thành lập hãng hàng không Bamboo Airways.
Tham dự cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chủ trì là các cấp lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, chính quyền tỉnh Quảng Bình, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tập đoàn FLC.
Báo cáo Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Hữu Hoài nhấn mạnh việc nâng cấp sân bay Đồng Hới được tỉnh xem là nhiệm vụ cấp thiết. Trên thực tế, công suất quy hoạch của sân bay là 500.000 hành khách/năm, trong khi công suất thực tế đã đạt 470.000 khách, suýt soát mức quy hoạch và sẽ có chiều hướng tăng mạnh mẽ sau khi nhiều công trình du lịch quy mô lớn được triển khai hoàn thiện trên địa bàn tỉnh.
Theo Quyết định 236/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không thì công suất đón khách của Sân bay Đồng Hới đến năm 2030 chỉ là 3 triệu khách, trong khi ước tính lượng khách du lịch đến Quảng Bình có thể vượt mức 5 triệu khách/năm.
Trước đó vào tháng 4/2018, Tập đoàn FLC đã có đề xuất chính thức tới các Ban, ngành liên quan về việc tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp sân bay Đồng Hới sau khi Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì tổ chức phê duyệt điều chỉnh nâng cấp sân bay.
Bên cạnh đó, Tập đoàn FLC cũng đang chờ đề án thành lập hãng hàng không Bamboo Airways được thông qua, sau khi ký thỏa thuận mua 24 máy bay A321NEO với Airbus. Trong thời gian chờ giao, Tập đoàn FLC dự kiến sẽ thuê ngoài máy bay để phục vụ hoạt động vào cuối năm nay.
Đồng quan điểm với lãnh đạo Quảng Bình, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ tái khẳng định Quảng Bình sở hữu tiềm năng lớn về du lịch nhờ cảnh sắc được thiên nhiên ưu đãi, cùng với hệ thống danh thắng - văn hóa đặc sắc. Tuy nhiên trong một vài năm qua, ngành du lịch tại tỉnh chưa thể bứt phá vì điểm nghẽn về hạ tầng, trong đó nóng bỏng là hạ tầng hàng không.
"Riêng đối với sân bay Đồng Hới, việc đầu tư đồng bộ, không phân kì là điều cần thiết", ông Lê Đình Thọ phát biểu.
Trong bối cảnh đầu các nguồn vốn đầu tư công có hạn, còn nhiều dự án cảng hàng không trọng điểm của cả nước cần ưu tiên như Tân Sơn Nhất, Long Thành,… thì việc huy động vốn đầu tư tư nhân vào hạ tầng hàng không là việc làm rất đáng hoan nghênh và nhân rộng, đại diện Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định Bộ hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ Tập đoàn FLC thành lập hãng hàng không Bamboo Airways. Để củng cố mạng lưới hàng không nội địa, thì việc có thêm những hãng mới vừa mang lại nhiều lựa chọn có lợi cho người dân, vừa phủ rộng miếng bánh thị phần, tránh việc để nước ngoài chiếm lĩnh.
"Việc Tập đoàn FLC thuê máy bay mà phải xin chỗ đỗ tạm thời chờ giấy phép để hoạt động là rất lãng phí tài nguyên và tiền bạc. Bộ Giao thông Vận tải sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Tập đoàn FLC sớm hoàn thành các thủ tục, thành lập hãng hàng không Bamboo Airways để đi vào phục vụ ngay trong năm 2018 sau khi tiếp nhận máy bay thuê", ông Nguyễn Văn Thể chỉ đạo, đồng thời giao Thứ trưởng Lê Đình Thọ tiếp tục theo sát để tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ sớm nhất việc thành lập hãng.
Với tinh thần "không làm chậm, không làm nhỏ lẻ", người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải xác định việc nâng cấp Sân bay Đồng Hới là nhiệm vụ cần phải được tỉnh Quảng Bình chú tâm làm ngay.
"Về quy mô, quy hoạch sân bay trung hạn là đón 3 triệu khách đến năm 2030, nhưng đó là con số trước đây, còn giờ khi tiềm năng và đà tăng trưởng tại tỉnh đã khác, thì phải tính toán ngay lại, để sao cho một công trình xây nên, ngắn thì 5 năm, dài thì 20 - 30 năm vẫn phải đảm bảo phục vụ tốc độ tăng nhu cầu thực tế", Bộ trưởng chỉ ra.
Về lộ trình, Bộ trưởng giao ACV khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thiết kế quy hoạch mở rộng sân bay Đồng Hới trong vòng 6 tháng tới, để có thể triển khai khởi công ngay vào cuối năm 2018.
"Nếu không bắt tay vào làm ngay, chỉ một năm nữa thôi là cơ sở hạ tầng - nhà ga của sân bay sẽ lâm vào tình trạng quá tải. Phải khởi động luôn, từ nhà ga, bãi đỗ, đến đường lăn, để nhà đầu tư tại tỉnh nhìn thấy ngay sự chuyển biến. Chỉ họp hành mà không hành động, không bao giờ xong được việc", Bộ trưởng chỉ đạo.