July 27, 2021 | 13:30 GMT+7

Phân định rõ kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm

Toàn bộ thuỷ sản, bao gồm sản phẩm đã chế biến và sản phẩm chưa chế biến nếu nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện kiểm dịch...

Thuỷ sản nhập khẩu đã qua chế bến để làm thực phẩm vẫn phải kiểm dịch...
Thuỷ sản nhập khẩu đã qua chế bến để làm thực phẩm vẫn phải kiểm dịch...

Đó là quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định này đang gây khó cho doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng thuỷ sản đã qua chế biến với mục đích làm thực phẩm.

Theo các doanh nghiệp thuỷ sản, nếu sản phẩm thuỷ sản đã chế biến, nhập khẩu với mục đích sử dụng là sản phẩm ăn uống thì chỉ cần kiểm tra an toàn thực phẩm. Còn sản phẩm thuỷ sản chưa qua chế biến, nhập khẩu nhằm mục đích làm con giống, làm nguyên liệu sản xuất thì phải thực hiện kiểm dịch.

Việc “nhốt” chung các sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu vào cùng một “chuồng” và tất cả phải thực hiện kiểm dịch đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản.

DOANH NGHIỆP THUỶ SẢN BỊ VƯỚNG

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp, cho biết Cục vừa nhận được công văn của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) xin ý kiến kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đối với ba thông tư quy định về kiểm dịch nhập khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, cụ thể là Thông tư 26/2016, Thông tư 36/2018 và Thông tư 15/2018.

Theo VASEP, trong cả ba thông tư đều gọi hoạt động kiểm tra nhập khẩu sản phẩm thuỷ sản chế biến dùng làm thực phẩm là hoạt động “kiểm dịch”. Như vậy, toàn bộ thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản gồm sản phẩm đã chế biến và sản phẩm chưa chế biến nếu nhập khẩu vào Việt Nam đều phải thực hiện kiểm dịch.

 

Trước đây, việc kiểm dịch sản phẩm thuỷ sản chỉ thực hiện khi doanh nghiệp nhập khẩu con giống, còn sống, tươi... theo Luật Thú y. Trong khi, những sản phẩm thuỷ sản đã qua chế biến được nhập khẩu chỉ thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm.

Như vậy, dù mục đích nhập khẩu khác nhau, chỉ tiêu kiểm tra về tác nhân gây bệnh khác nhau giữa sản phẩm đã qua chế biến và sản phẩm chưa qua chế biền đều phải thực hiện chung thủ tục kiểm dịch theo Luật Thú y.

Công văn của VASEP còn nhấn mạnh, với ba Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì toàn bộ thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản dù là sản phẩm đã chế biến hay chưa chế biến đều là kiểm dịch và chỉ thực hiện theo Luật Thú y. Trong khi đó, Luật An toàn thực phẩm không được đề cập tới mà đây mới là quy định quan trọng nhằm bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng trong nước.

PHÂN ĐỊNH NHÓM SẢN PHẨM THEO MỤC ĐÍCH NHẬP KHẨU

VASEP cho biết đơn vị này đã đối chiếu các quy định của Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 85/2019/NĐ-CP, xem xét và so sánh với chính các quy định tại các thông tư về xuất khẩu sản phẩm thuỷ sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như Thông tư 48/2013 về kiểm tra an toàn thực phẩm…

Ngoài ra, VASEP còn tiến hành nghiên cứu quy định về thú y thuỷ sản của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), nghiên cứu và so sánh với quy định và cách thức kiểm tra của châu Âu và các nước nhập khẩu thuỷ sản trên thế giới, đặc biệt là các nước nhập khẩu thuỷ sản của Việt Nam.

Theo nhận định của VASEP, qua nghiên cứu với các văn bản pháp luật của Việt Nam cũng như so sánh với thông lệ thế giới thì ba Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa đúng, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp thuỷ sản.

Trong đó, quy định “bao trùm” cả nhóm thuỷ sản đã qua chế biến được nhập khẩu với mục đích dùng làm thực phẩm là không phù hợp, cần phân định rõ ràng nhóm sản phẩm thuỷ sản đã qua chế biến được nhập khẩu dùng để làm thực phẩm và nhập khẩu nhằm mục đích khác để bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

VASEP nhấn mạnh, trong khi sản phẩm thuỷ sản đã qua chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang các nước khác không bị kiểm dịch nhưng sản phẩm cùng loại của nước khác nhập khẩu vào Việt Nam lại phải kiểm dịch là không phù hợp.

 GẤP RÚT SỬA THÔNG TƯ 15/2018

Khi đề cập đến nội dung được VASEP đưa ra, một lãnh đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết lãnh đạo Bộ đã biết về “câu chuyện” này từ hai năm nay. Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy, vị lãnh đạo này (đề nghị không nêu tên) cho rằng “cái sai” này là của “nhiệm kỳ trước”. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang gấp rút sửa đổi, đầu tiên là sửa đổi Thông tư 15/2018 về mã H/S hàng hoá phải kiểm tra nhập khẩu.

“Việc yêu cầu thực hiện kiểm dịch cùng với kiểm tra an toàn thực phẩm có thể là biện pháp nhằm tăng hàng rào kỹ thuật với sản phẩm thuỷ sản đã qua chế biến thực nhằm bảo vệ người nuôi trồng, đánh bắt trong nước… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay cho thấy hàng rào kỹ thuật này không còn cần thiết sẽ dở bỏ”, vị lãnh đạo này chia sẻ.

Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã “bật tín hiệu” sẽ sửa đổi quy định này trong Thông tư 15/2018 nhưng phía VASEP vẫn tỏ ra lo lắng việc sửa đổi có thể không đúng theo báo cáo, kiến nghị của doanh nghiệp thủy sản.

Do đó, VASEP kiến nghị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp giám sát, đánh giá để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thêm điểm dựa trong nội dung sửa đổi Thông tư 15/2018 nói riêng và công tác cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh nói chung.

VASEP đề nghị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật xem xét quy định về kiểm dịch sản phẩm thuỷ sản đã qua chế biến nhập khẩu có đúng và phù hợp với phạm vi và quy định của Luật Thú y và Luật An Toàn thực phẩm, có phù hợp với các văn bản dưới luật như Nghị định số 85/2019/NĐ-CP.

Đặc biệt, quy định khiến một sản phẩm thuỷ sản đã qua chế biến nhập khẩu về phải chịu hai lần kiểm tra có đúng với tinh thần của các nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hoá thủ tục thông quan hàng hoá qua biên giới hay không?

 
Ông Trương Đình Hoè - Tổng Thư ký VASEP  
Ông Trương Đình Hoè - Tổng Thư ký VASEP  
Tôi thấy quy định các sản phẩmthuỷ sản đã qua chế biến nhập khẩu làm thực phẩm vẫn phải thực hiện kiểm dịch đang mâu thuẫn và không phù hợp. Không thể có chuyện cùng một con tôm đông lạnh xuất khẩu thì chỉ kiểm tra an toàn thực phẩm, trong khi cũng con tôm đó nếu nhập khẩu vào Việt Nam thì lại kiểm dịch.
Theo quy định hiện nay 100% container hàng nhập khẩu đều phải kiểm tra mà không phụ thuộc vào mục đích nhập khẩu và có lịch sử ra sao. Việc lấy mẫu kiểm nghiệm được áp dụng khi có nghi ngờ đối với hàng nhập để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu và 20% số lô hàng mỗi năm đối với hàng nhập để tiêu dùng nội địa. Quy định này dẫn đến quy mô và số lượng mặt hàng, lô hàng phải “kiểm tra nhập khẩu” rất lớn.
 
 

Nội dung ở đây

 
Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam
Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam
Ngành sữa cũng đang đối diện với những bất cập trong quy định kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo quy định hiện hành, một số sản phẩm đã qua xử lý nhiệt vẫn bị kiểm dịch như các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ đã đóng gói để bán lẻ và sản phẩm dinh dưỡng y tế, đồ uống chứa sữa tiệt trùng. Thực tế, những sản phẩm dinh dưỡng như sữa bột đã qua xử lý nhiệt và với tiêu chuẩn rất cao mà vẫn phải yêu cầu kiểm dịch là không hợp lý. Theo tôi nên bỏ các chỉ tiêu này trong quy định kiểm dịch.
Ngoài ra, cần có quy định công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm tra giữa các bộ, ngành, đặc biệt là giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Y tế để doanh nghiệp nhập khẩu không phải chạy đi nhiều đầu mối thực hiện kiểm tra cho một lô hàng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate