Ngày 27/10, Bộ Công Thương tổ chức lễ phát động Cuộc thi “Sáng tạo logo và slogan về sản xuất và tiêu dùng bền vững”.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Trưởng Ban tổ chức kiêm Trưởng Ban giám khảo cuộc thi, cho biết Việt Nam hiện nay là quốc gia đang phát triển với tốc độ cao nên việc sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu, tài nguyên năng lượng cũng gia tăng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng là quốc gia đã phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, nguồn năng lượng sơ cấp nhập khẩu từ nước ngoài như than đá, LNG… Chính vì vậy, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, khoa học, tăng cường tái chế, sử dụng năng lượng tái tạo là mục tiêu Chính phủ hướng tới nhằm phát triển bền vững Quốc gia.
Đặc biệt, xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn (sản phẩm đầu ra, chất thải của khâu này là nguyên liệu đầu vào của khâu tiếp theo) đã được nhiều quốc gia áp dụng trên thế giới.
Ngày 24/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 nhằm mục tiêu: thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế.
Đồng thời, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững… hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Theo tính toán, đến năm 2030, sản xuất và tiêu dùng bền vững tiết kiệm được từ 5-8% nguồn tài nguyên.
Để thực hiện chương trình, những năm vừa qua, ngành công thương đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động về sản xuất và tiêu dùng bền vững với những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, thực trạng khai thác, sản xuất, kinh doanh đã bộc lộ nhiều hạn chế. Các cơ chế, chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững còn nhiều bất cập. Lợi ích từ các hoạt động về sản xuất và tiêu dùng bền vững thiếu bền vững, chưa được xã hội quan tâm… đang gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên và tạo thêm các chi phí đối với nền kinh tế.
“Việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững được xem là giải pháp cấp thiết nhằm đem lại sự chuyển biến sâu sắc trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế”, ông Vũ nhấn mạnh.
Do đó, Bộ Công Thương tổ chức cuộc thi “Sáng tạo logo và slogan về sản xuất và tiêu dùng bền vững”. Đây là một trong những phương thức tuyên truyền hiện đại, hấp dẫn nhằm nâng cao nhận thức, phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp trong ngành công thương cũng như người dân trong hoạt động về sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Qua đó góp phần hướng tới nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Theo ban tổ chức, cuộc thi sẽ tìm kiếm một bộ sản phẩm bao gồm logo (biểu trưng) và slogan (khẩu hiệu) thể hiện được thông điệp của Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Trong đó, logo gồm hình ảnh đồ họa hoặc chữ hoặc kết hợp để giúp nhận dạng thương hiệu chương trình; slogan gồm một câu văn ngắn gọn, súc tích và thể hiện được thông điệp chương trình.
Logo và slogan được giải sẽ đại diện cho hình ảnh và thông điệp của chương trình, xuất hiện trong các hoạt động truyền thông của chương trình.
Ban Giám khảo cuộc thi gồm 9 thành viên là các chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững và một số họa sĩ có kinh nghiệm trong chấm thi các giải thưởng.
Cuộc thi mở rộng tới mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, không phân biệt độ tuổi và ngành nghề. Các tác giả có thể dự thi theo hình thức cá nhân tự do hoặc theo nhóm.
Tác phẩm dự thi là một bộ sản phẩm hoàn chỉnh bao gồm cả logo (biểu trưng) và slogan (khẩu hiệu). Tiêu chí chấm giải gồm các yếu tố: Thể hiện được thông điệp; yêu cầu về thiết kế, thẩm mỹ; tính sáng tạo; tính ứng dụng cao.
Giải thưởng của cuộc thi gồm: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng, 02 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 5 triệu đồng.
Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ ngày 27/10/2023 đến hết ngày 01/12/2023. Ban Tổ chức dự kiến trao giải trong tháng 12/2023.
Bài dự thi gửi về địa chỉ: Tạp chí Công Thương - Tầng 8, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.