February 18, 2009 | 11:54 GMT+7

Phát hiện thêm “Madoff”, nước Mỹ chấn động

Mai Phương

Các nhà chức trách Mỹ phát hiện một vụ đầu tư gian lận khổng lồ thứ hai ở nước này sau vụ Madoff

Chân dung Allen Stanford - Ảnh: Reuters.
Chân dung Allen Stanford - Ảnh: Reuters.
Các nhà chức trách Mỹ vừa tuyên bố phát hiện một vụ đầu tư gian lận khổng lồ thứ hai ở nước này sau vụ Madoff, với quy mô lên tới hơn 8 tỷ USD.

Tác giả của âm mưu lừa đảo lớn này là tỷ phú người Mỹ R. Allen Stanford, cùng với các cộng sự của ông này trong công ty dịch vụ tài chính khá có tên tuổi Stanford Financial Group.

Theo bản cáo trạng mà Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) gửi lên tòa án U.S. District Court ở Dallas ngày 17/2, đây có thể là “một vụ gian lận với quy mô gây sốc, đã len lỏi trên khắp thế giới".

Bản cáo trạng cho rằng, Ngân hàng Stanford International Bank (SIB) có trụ sở trên đảo Antigua thuộc quần đảo US Virgin Islands -  một công ty con thuộc tập đoàn Stanford Financial - đã "phịa" ra những mức lợi nhuận đầu tư lớn để quảng cáo và bán các loại chứng chỉ tiền gửi hạng đầu cơ.

Theo đó, SIB đã bán được một lượng chứng chỉ tiền gửi trị giá khoảng 8 tỷ USD cho các nhà đầu tư “ngây thơ”, kèm theo lời hứa về những mức lãi suất phi thực tế và vô căn cứ.

SIB thuyết phục các nhà đầu tư rằng sở dĩ ngân hàng này có thể trả lãi suất cao là nhờ một chiến lược đầu tư độc đáo, cho phép thu về lợi nhuận ở mức hai con số trong vòng 15 năm qua. Từ năm 1993 tới nay, SIB liên tục báo lãi đầu tư hàng năm với mức lãi 11,5% - 16,5%, trừ năm ngoái khi ngân hàng này báo lỗ 1,3%.

Những kẻ lừa đảo này “bịt mắt” các nhà đầu tư bằng cách thuyết phục họ tin rằng tiền mà chúng thu về từ việc bán chứng chỉ tiền gửi sẽ được tái đầu tư vào các công cụ tài chính có tính thanh khoản cao, rồi các khoản đầu tư này sẽ được giám sát bằng một đội ngũ hơn 20 nhà phân tích.

Đồng thời, những kẻ lừa đảo còn khẳng định, danh mục đầu tư này sẽ được các nhà chức trách ở đảo Antigua kiểm toán hàng năm.

Năm ngoái, SIB hứa hẹn với các nhà đầu tư sẽ trả cho chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 12 tháng mức lãi 4,5%, cao hơn 3,5% so với lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm. Vào tháng 6/2005, SIB còn chào mời các “con mồi” bằng mức lãi suất gây choáng hơn, lên tới 7,45%.

Cũng theo SEC, khi vụ Madoff bị phanh phui, Stanford cùng các đồng sự còn lừa khách hàng rằng, Stanford Financial không hề dính dáng gì tới Madoff. Nhưng trên thực tế, tập đoàn này cũng đã mất khoảng 400.000 USD vì Madoff.

Trước khi bản cáo trạng trên được nộp lên tòa án, trong ngày hôm qua, cảnh sát liên bang đã phong tỏa các văn phòng của Stanford Financial ở bang Houston, đồng thời đóng băng toàn bộ của tỷ phú Stanford. Toàn bộ hoạt động của các công ty thuộc sở hữu ông này cũng đã bị dừng lại hoàn toàn.

Theo thông tin công bố trên website của Stanford Financial, tập đoàn này có 19 văn phòng tại Mỹ, quản lý và tư vấn lượng tài sản trị giá 43 tỷ USD. Riêng SIB có 30.000 khách hàng và 7,2 tỷ USD tài sản.

Ngoài Stanford, bản cáo trạng của SEC còn buộc tội James David, giám đốc tài chính của SIB, và Laura Pendergest-Holt, giám đốc đầu tư của ngân hàng này cùng tham gia vào âm mưu lừa đảo trên.

Trên thực tế, cách làm ăn của SIB cũng hết sức “phường hội và băng đảng”. Bộ phận giám sát danh mục đầu tư của ngân hàng này bao gồm Stanford, bố của ông ta, Davis - bạn ở chung ký túc xá đại học với Stanford, và Pendergest Holt - một nhân vật chẳng có tí kiến thức gì về tài chính trước khi gia nhập Stanford Financial.

SEC tuyên bố “đang hành động nhanh chóng và kiên quyết để ngăn chặn vụ lừa đảo này và bảo toàn tài sản cho các nhà đầu tư”. Tuy nhiên, hiện còn chưa rõ Stanford đang lẩn trốn các nhà chức trách ở đâu.

Tuần trước, Stanford đã thừa nhận với khách hàng về việc SIB gần đây thường xuyên bị các nhà chức trách ghé thăm. Mặc dù vậy, ông ta trấn an mọi người rằng, chẳng qua do suy thoái toàn cầu và những vụ bê bối tài chính lớn bị phát giác gần đây mà các nhà chức trách phải tăng cường kiểm tra như vậy. “Chúng tôi hoàn toàn hợp tác với các nhà chức trách”, ông ta tự tin nói.

Nhiều khả năng, vụ lừa đảo này đã lan tới tận hòn đảo Antigua nhỏ bé ở vùng Caribbean, nơi ngân hàng của Stanford đặt văn phòng. Sau khi có tin Stanford bị phanh phui ở Mỹ, rất nhiều người dân ở Antigua đã hốt hoảng đổ tới một ngân hàng khác mà Stanford nắm cổ phần ở đây để đòi rút tiền. Tuy nhiên, ngân hàng này không có tên trong bản cáo trạng của SEC.

Uy tín của ngành ngân hàng Antigua có thể chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ vụ Stanford này. Trước vụ này, các ngân hàng ở đây đã mang tiếng xấu vì là địa chỉ rửa tiền quen thuộc của giới mafia Nga và Ukraine.

Năm nay 58 tuổi, Stanford là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất ở khu vực Caribbean. Với tài sản 2,2 tỷ USD, ông ta được tạp chí Forbes xếp hạng 605 trong số những tỷ phú giàu nhất hành tinh và 205 trong số những người giàu nhất nước Mỹ năm 2008.

Hiện tỷ phú này đang có nhiều khoản đầu tư lớn tại Antigua, bao gồm hai ngân hàng lớn ở đây (trong đó có SIB), một công ty ủy thác, và một công ty địa ốc. Ngoài ra, ông ta còn sở hữu một tờ báo, một sân đấu cricket, hai nhà hàng và rất nhiều đất đai ở đây.

“Trùm lừa” Stanford đặc biệt yêu thích môn cricket. Chính tại Antigua, ông ta đã được phong tước hiệp sỹ vào năm 2006 khi tham gia tài trợ nhiều trận đấu cricket lớn.

Năm 2008, “ngài” Stanford đã khiến cả làng cricket thế giới chấn động khi tuyên bố tài trợ 20 triệu USD để làm giải thưởng cho đội thắng cuộc trong một trận đấu tổ chức ở Antigua giữa đội Anh và đội West Indies.

Stanford còn từng gây tranh cãi ở Mỹ khi nhận mình có quan hệ họ hàng với Leland Stanford, người sáng lập trường Đại học Stanford danh tiếng của nước này vào thập niên 1890. Tuy nhiên, Đại học Stanford đã khẳng định chẳng có quan hệ "dây mơ rễ má" nào giữa hai người. Vào tháng 10/2008, trường này thậm chí còn kiện Stanford Financial vì xâm phạm thương hiệu của họ.

(Theo FT, AP, Reuters, Forbes)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate