Một năm trước (tháng 11/2018) báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia gửi đến Quốc hội cũng đã nhắc đến tiến độ chậm của sân bay Long Thành.
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo (hoàn thành ngày 11/10/2019) về kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia.
Đất lúa giảm, đất khu công nghiệp tăng
Theo báo cáo, đất trồng lúa có 4.120,50 nghìn ha, cao hơn 360,11 nghìn ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt (3.760,39 nghìn ha). Như vậy, việc giảm diện tích đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp vẫn nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép. So với năm 2015, diện tích đất trồng lúa giảm 25,86 nghìn ha.
Đến ngày 31/ 12/ 2018, nhóm đất phi nông nghiệp của cả nước là 3.773,75 nghìn ha, thấp hơn 1.006,49 nghìn ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt (4.780,24 nghìn ha), đạt 78,94%, tăng 91,14 nghìn ha so với năm 2015.
Đất khu công nghiệp năm 2018 có 77,62 nghìn ha, thấp hơn 113,80 nghìn ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt (191,42 nghìn ha), đạt 40,55%, tăng 4,69 nghìn ha so với năm 2015.
Chính phủ cho biết, để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội, phát huy lợi thế cạnh tranh, đồng thời sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát các khu công nghiệp nhằm cắt giảm các khu công nghiệp sử dụng nhiều đất canh tác tại khu vực đồng bằng, nhưng đến nay vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư.
Mặt khác, xem xét bổ sung hoặc mở rộng các khu công nghiệp nằm trên địa bàn các tỉnh trung du, miền núi, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh để phát huy hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông mới được đầu tư phát triển, giảm áp lực tại khu vực đồng bằng.
Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập, như: việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh; chưa xem xét đồng bộ với quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội. Bố trí đất đai cho các khu công nghiệp nhiều nơi còn chưa hợp lý, việc phát triển nhanh các khu công nghiệp ở một số địa phương trong thời gian qua đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường, hạ tầng xã hội phục vụ công nhân khu công nghiệp.
Hạn chế cũ, nguyên nhân cũ
Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai góp phần làm tăng giá trị của đất, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nguồn thu từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) cho ngân sách đã tăng đáng kể qua các năm. Cụ thể: năm 2013 là 54.434 tỷ đồng, năm 2014 là 55.138 tỷ đồng, năm 2015 là 84.810 tỷ đồng, năm 2016 là 115.290 tỷ đồng, năm 2017 là 104.400 tỷ đồng, năm 2018 là 372.516,7 tỷ đồng, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và đảm bảo ổn định xã hội.
Nêu một số tồn tại và nguyên nhân, Chính phủ nhận định, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phụ thuộc vào phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và Trung ương, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Tình hình kinh tế - xã hội những năm qua của nói chung và của từng địa phương nói riêng gặp nhiều khó khăn đã tác động lớn đến việc thực hiện quy hoạch và thu hút đầu tư để thực hiện các công trình, dự án.
Theo Chính phủ, một số công trình, dự án cấp quốc gia sử dụng vốn từ ngân sách Trung ương chưa triển khai hoặc triển khai chưa đúng tiến độ như Sân bay quốc tế Long Thành, một số tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai ven biển, đường vành đai vùng kinh tế trọng điểm, các trường đại học,... nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đáng chú ý là một năm trước (tháng 11/2018) báo cáo của Chính phủ về cùng nội dung gửi đến Quốc hội cũng đã nêu bất cập này. Nay, Chính phủ cũng chỉ nêu lại y nguyên mà không nói đến giải pháp tháo gỡ hay cập nhật những chuyển biến mới nhất.