Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một đột phá chiến lược của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam chính là hạt nhân của tiến trình này...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này trong phát biểu chỉ đạo tại Lễ tôn vinh 106 trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu Việt Nam năm 2022 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức ngày 21/5.
COI TRỌNG NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA TRÍ THỨC KHOA HỌC
Đây là lần thứ 4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu. Qua 3 lần tổ chức đã góp phần tích cực vào công tác vận động trí thức và thúc đẩy sáng tạo khoa học và công nghệ, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Trong số 106 trí thức được vinh danh năm 2022 có: 50 trí thức do các Liên hiệp hội địa phương đề cử, 40 trí thức do các Hội ngành toàn quốc đề cử, 16 trí thức do Hội đồng Xét chọn đề cử; 68 người có học hàm, học vị từ phó giáo sư, tiến sĩ trở lên, 20 người có học vị thạc sĩ, 18 người có học vị cử nhân; 2 Anh hùng Lao động; 16 nữ, 90 nam.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Ngay từ khi đất nước mới giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài”. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta luôn nhất quán xác định khoa học và công nghệ là quốc sách. Đại hội XIII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một đột phá chiến lược của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam chính là hạt nhân của tiến trình này.
Các trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu được lựa chọn đều có nhiều thành tích, công lao đóng góp xuất sắc trong hoạt động khoa học và công nghệ và công tác vận động trí thức.
Những người được lựa chọn tôn vinh là trí thức hoạt động trong các viện, trung tâm, cơ sở nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp hoặc các cơ quan của các ngành, lĩnh vực, địa phương, hoặc trong hệ thống VUSTA từ 10 năm trở lên, có uy tín khoa học, có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả, tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành, cơ quan, đơn vị; được xã hội công nhận, được cơ quan, đơn vị đó đề cử và được các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống VUSTA giới thiệu.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước đánh giá hoạt động tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu là một hình thức có ý nghĩa nhân văn rất lớn, thể hiện sự quan tâm, coi trọng, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước, đồng thời khích lệ, ghi nhận các cá nhân có nhiều đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nói riêng.
TẠO ĐỘNG LỰC LAN TỎA, THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN
Theo TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, từ khi ra đời đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng, là hạt nhân tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình tư tưởng chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh đất nước.
TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam:
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Là một bộ phận trong lực lượng cách mạng, trí thức có nhiệm vụ thi đua phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam luôn mang trên mình nhiệt huyết cách mạng, khát vọng vươn lên, đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước, phát triển đất nước phải dựa và bằng khoa học và công nghệ.
Ghi nhận những thành tựu đạt được, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế như: năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả còn hạn chế, mô hình tăng trưởng chưa được dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách, tăng tốc phát triển. Chủ tịch nước nhấn mạnh điều này và cho rằng, vị thế và yêu cầu của đất nước đang đòi hỏi đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà hãy miệt mài hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho cuộc sống từ các công trình nghiên cứu, phát minh, sáng chế của mình.
Với vai trò là tổ chức đại diện cho trí thức khoa học và công nghệ, Chủ tịch nước đề nghị Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các tổ chức thành viên cần làm tốt hơn nữa vai trò tham vấn chính sách khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, cơ chế chính sách về tài chính, điều kiện làm việc, đãi ngộ… cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ; kết nối tốt hơn các nhà khoa học, xây dựng khối đại đoàn kết để góp phần phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Khẳng định “nhiệt huyết thiếu đi tri thức là lửa thiếu đi ánh sáng”, giấc mơ Việt Nam thịnh vượng chỉ có thể được soi đường bằng ánh sáng của tri thức, Chủ tịch nước mong muốn thành công của các nhà khoa học được vinh danh hôm nay sẽ truyền cảm hứng, tạo ra động lực lan tỏa, thúc đẩy đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển đất nước.
Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam Nguyễn Quang Thái được tôn vinh là Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu
GS.TSKH. Nguyễn Quang Thái là một trong 106 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu được tôn vinh trong lần này. GS. Nguyễn Quang Thái có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu, tư vấn, xây dựng Đảng như: Chủ nhiệm đề tài khoa học số 39 về “Quan điểm phát triển của Chiến lược KTXH 2021-2030 và của kế hoạch 5 năm 2021-2025”; Chương trình Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt sau đại dịch, được đánh giá tốt. Kiến nghị với Chủ tịch nước về hoạt động của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam ngày 22/2/2022.
Giáo sư cũng là Chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam năm 2007 về “Vấn đề xây dựng các đặc khu kinh tế, các Khu kinh tế mở các vùng ven biển Việt Nam trong những năm tới”; “Một số vấn đề về thực hiện tái cấu trúc nên kinh tế - quan điểm, định hướng, lộ trình và giải pháp”; “Kinh tế Việt Nam 30 năm: Vấn đề và định hướng phát triển”, “Tăng trưởng với cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020”. Chủ nhiệm nhiều đề tài của các Viện Nghiên cứu của nhiều bộ, ngành khác nhau như “Tài liệu chỉ dẫn chung Lập quy hoạch phát triển” với Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; “Xây dựng các khuyến nghị về quy trình thủ tục để huy động và triển khai nguồn lực hỗ trợ khẩn cấp cho khắc phục hậu quả, phục hồi và tái thiết sau thiên tai” với Cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; của Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) và của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ông cũng là thành viên chính tham gia đề tài “Phát triển kinh tế tri thức đến năm 2020” và đề tài “Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp” của Cục Thông tin Khoa học và công nghệ quốc gia.