February 11, 2021 | 07:19 GMT+7

Phát triển các trung tâm tài chính: Thời điểm vàng - thời cơ ''ngàn năm có một''

Đặng Hương

"Đây là thời điểm vàng, thời cơ "ngàn năm có một" để tạo ra đột phá cho tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững đất nước trong tương lai. Nếu không nắm bắt, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội một lần nữa mà nếu bây giờ không làm thì không bao giờ chúng ta làm được".

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Với tinh thần "không có gì là không thể", bước đi tiên phong với tầm nhìn mới và tư duy đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định: trong năm 2021, Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước chính sách đột phá để tạo nền tảng tốt cho phục hồi và tận dụng, nắm bắt cơ hội phát triển đất nước.

Thưa Bộ trưởng, kinh tế Việt Nam năm 2020 đã phát triển như thế nào, theo đánh giá của Bộ trưởng? Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đóng góp và giữ vai trò như thế nào trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước?

Chúng ta vừa trải qua một năm 2020 đầy sóng gió với rất nhiều khó khăn chồng chất, vừa phải đối mặt với căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, kinh tế thế giới suy thoái, thương mại sụt giảm, vừa phải chống chọi với những tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thiên tai bão lũ, biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua "năm Covid-19" một cách ấn tượng, là một trong số rất ít quốc gia đạt "mục tiêu kép", thành công trong phòng, chống kiểm soát dịch bệnh và hạn chế tối đa tác động tới nền kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội, duy trì tăng trưởng GDP dương ở mức 2,91%, cộng đồng quốc tế thừa nhận. Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 28/12/2020, thành công này được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá "là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt", trong thành tựu chung đó của đất nước, có đóng góp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Để đánh giá toàn diện, đầy đủ hơn, trong thư chúc mừng nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập ngành ngày 31/12/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương ngành có sự đóng góp và vị trí, vai trò "đặc biệt quan trọng" của ngành Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Trong năm 2020, đầu tư công nổi lên như "trụ đỡ" cho tăng trưởng kinh tế, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Điều gì đã làm nên sự đột phá này?

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định "thể chế" là nút thắt chủ yếu trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực… cho đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thiện thể chế cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó có đầu tư công. Bởi lẽ đó, năm 2019, lần đầu tiên sau nhiều năm, đã giao một lần, ngay từ cuối năm 2019 toàn bộ kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2020; các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương được toàn quyền chủ động điều hòa vốn giữa các dự án trong năm kế hoạch. Các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn không bị bó buộc trong phạm vi danh mục đã được giao mà được điều chỉnh, bổ sung một cách linh hoạt theo mục tiêu và nhu cầu phát triển.

Những cải cách này đã thực sự khắc phục tình trạng nhiều năm qua, đó là: đầu tư công dàn trải, phân tán; chậm trễ trong bố trí và điều chuyển vốn; giảm thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng nhưng gắn liền trách nhiệm rõ ràng và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua thực hiện tốt công tác hậu kiểm và ứng dụng công nghệ thông tin.

Cùng với đó, Bộ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp chính xác, kịp thời, hiệu quả để đôn đốc các cấp, các ngành quyết liệt hành động, gắn trách nhiệm và thi đua khen thưởng người đứng đầu với kết quả thực hiện… do vậy, công tác giải ngân, hiệu quả thực hiện dự án đã có những cải thiện rõ rệt.

Vậy đầu tư công trong giai đoạn tới sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Vốn đầu tư công là "vốn mồi", có vai trò dẫn dắt và có khả năng tạo đột phá thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển, nhất là cơ sở hạ tầng. Để nói một "từ khoá" cho giai đoạn 2021-2025, tôi chọn cụm từ "hạ tầng giao thông", cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xây dựng các công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng tạo tác động lan tỏa lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Phải tập trung xây dựng, hoàn thành ngay một số tuyến, như đường cao tốc Bắc – Nam với mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn cho đến Cà Mau. Đây là mục tiêu rất lớn, chúng ta đặt ra và chắc chắn làm được, không thể chậm trễ hơn.

Thứ hai là đường ven biển cũng mở rộng không gian mới cho các địa phương phát triển kinh tế biển, trước tiên tập trung xây dựng hoàn thành toàn bộ đoạn từ Quảng Ninh đến Nghệ An; các tỉnh miền Trung có thể làm một số đoạn, do địa hình hẹp, đã có một số tuyến giao thông quốc gia sẵn có; còn lại toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long phải đầu tư, phát triển tuyến đường ven biển chạy bọc kín toàn bộ để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa có điều kiện để bứt phá và phát triển mạnh mẽ thời gian tới. Đây là quyết tâm và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đang tham mưu quyết liệt thực hiện.

Chuyển đổi số được xem là giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Là cơ quan "tiên phong" trong đổi mới sáng tạo, Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ làm gì để thúc đẩy tiến trình này?

Năm 2021 phải là năm "chuyển đổi số" của Việt Nam, nghĩa là phải thực hiện chuyển đổi số trên mọi cấp độ từ quốc gia tới địa phương và doanh nghiệp. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế, đây là con đường tất yếu Việt Nam phải đi, không thể nào khác.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang đẩy nhanh triển khai toàn diện Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục tiêu hỗ trợ 100.000 doanh nghiệp tới năm 2025. Đây là chương trình thiết thực, hiệu quả và cấp thiết, phải làm ngay và phải làm cho hơn 800.000 doanh nghiệp của Việt Nam. Làm được điều này, chắc chắn sẽ nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, từ đó doanh nghiệp lớn mạnh lên và đóng góp trở lại cho nền kinh tế. Đây là ưu tiên hàng đầu trong những năm tới và ngay từ tháng 1/2020, chúng tôi đã giao cho các đơn vị tổ chức triển khai ngay, càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt vì mục tiêu của chương trình này nhằm thay đổi về "chất doanh nghiệp".

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), trước mắt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sau đó là thành phố lớn là thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...,  để "hoàn chỉnh vòng kết nối" từ quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, cung cấp các cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ theo chuẩn mực quốc tế, đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo vào một hệ sinh thái đầy đủ và hỗ trợ thông qua các cơ chế thuận lợi, đặc thù.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư khởi xướng làn sóng cải cách với những tư tưởng đổi mới mạnh mẽ, tư duy phát triển mang tính đột phá, táo bạo, có tầm nhìn dài hạn và chiến lược, vậy Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ có những đề xuất nào trong năm 2021?

Vấn đề lớn nhất hiện nay là tập trung phát triển trung tâm tài chính tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo đó, tôi đề nghị hai thành phố này cần nhanh chóng xây dựng đề án với những cơ chế, thể chế riêng, đặc thù sớm báo cáo Bộ Chính trị để hình thành những trung tâm tài chính có sức cạnh tranh, mang lại cơ hội phát triển cho đất nước. Đây là thời điểm vàng, thời cơ "ngàn năm có một" để tạo ra đột phá cho tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững đất nước trong tương lai. Nếu không nắm bắt, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội một lần nữa mà nếu bây giờ không làm thì không bao giờ chúng ta làm được.

Đảo Cayman là một ví dụ sinh động, cách đây 40 năm, đây là đảo quốc nghèo khó, nhưng với việc thành lập trung tâm tài chính, hàng trăm ngân hàng, hàng nghìn quỹ đầu tư đã đăng ký thành lập ở đây, trong đó có 50 ngân hàng lớn nhất thế giới… và hiện Cayman đã trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất thế giới, ước tính dòng tiền chảy qua đây hàng nghìn tỷ USD/ngày. Mặc dù Cayman không thu thuế nhưng phí mà đảo quốc này thu được đạt hàng trăm triệu USD/ngày. 

Tại sao chúng ta không làm trong khi rất nhiều điều kiện thuận lợi, từ vị trí địa lý cho đến dân số, quy mô nền kinh tế và đặc biệt là múi giờ khác biệt. Nếu lấy compa quay một vòng khoảng cách tương đương 3 giờ bay với trung tâm là thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng thì bao phủ toàn bộ khu vực ASEAN, rất thuận lợi, chúng ta không trùng múi giờ với 21 trung tâm tài chính quốc tế khác, dòng tiền có thể hình thành và luân chuyển suốt 24 giờ trên khắp các trung tâm tài chính đó, đây chính là khe hẹp để chúng ta chen vào. 

Rất nhiều người đã rời bỏ các trung tâm tài chính truyền thống do quá tải, hết dư địa, hết ưu đãi, hết hấp dẫn... doanh nghiệp đang đi tìm nơi trú ẩn mới. Đây chính là cơ hội nhưng chúng ta phải nắm bắt ngay bởi nếu một trung tâm nào khác hình thành trước, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ không còn cơ hội.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate