Quy hoạch điện 8 đặt mục tiêu giảm dần điện than, phát triển điện khí, tăng cường năng lượng tái tạo. Cụ thể, Quy hoạch điện 8 đưa ra mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Nghĩa là, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 14,9% cơ cấu nguồn điện.
CÒN NHIỀU BẤT CẬP
Tuy nhiên, tại diễn đàn “Hiện thực hoá mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch điện 8” ngày 7/12, PGS TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế cho rằng nhiều dự án, chuỗi dự án khí - điện LNG đã được quy hoạch, thậm chí đã được cho phép chủ trương đầu tư vẫn chưa được triển khai hoặc bị kéo dài tiến độ chuẩn bị đầu tư cho thấy việc phát triển sử dụng điện khí LNG còn nhiều khó khăn, bất cập.
Tiêu thụ khí của điện rất thấp, năm sau thấp hơn năm trước khi điện khí thường xuyên không được ưu tiên huy động. Năm 2023, dự kiến tiêu thụ khí của điện giảm khoảng 18% so với năm 2022 và được dự báo tiếp tục giảm trong năm 2024, ảnh hưởng đến sản xuất, đưa khí về bờ.
Tính toán của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho thấy, trong năm 2024 dự báo tổng lượng khí về bờ của đơn vị này chỉ khoảng 6,3 tỷ m3, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 7,7 tỷ m3 của năm 2023. Cùng với đó, các cơ chế để cung cấp LNG cho điện hết sức khó khăn, dự báo trong năm 2024 vẫn chưa thể bán được LNG cho điện.
Việc phát triển dự án điện khí cũng không phải là một quá trình dễ dàng. Những dự án gồm nhiều giai đoạn, với nhiều cấu phần luôn biến động, và nhiều rủi ro (rủi ro ở khâu thượng nguồn, hạ nguồn, rủi ro đối tác, rủi ro trong quá trình thi công, và nhiều rủi ro khác).
Các dự án nhiệt điện khí, do vậy, sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai hơn các dự án nhiệt điện than vốn đã phải đối mặt với tình trạng chậm tiến độ triền miên. Khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh.
Các dự án điện khí LNG có công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư lớn nên đòi hỏi nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền chưa có đủ kinh nghiệm về lĩnh vực này nên có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án.
Cùng với đó, cơ chế giá điện sử dụng nhiên liệu LNG chưa có quy định đầy đủ. Chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, xây dựng hạ tầng vận chuyển, lưu trữ và phân phối điện khí LNG đòi hỏi đầu tư vốn lớn và công nghệ hiện đại.
Đặc biệt, chuyên gia Ngô Trí Long nhấn mạnh thách thức lớn nhất là đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA). Việc đàm phán PPA phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ Công Thương. Theo đó, chủ đầu tư sẽ phải đàm phán mua bán điện với EVN dựa trên chi phí đầu tư nhà máy, giá khí cho phát điện, lợi nhuận cho phép... (trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành).
Hiện vẫn chưa có dự án điện khí LNG nào được khởi công xây dựng bởi chưa hoàn tất được các hợp đồng liên quan tới hoạt động của nhà máy, mà đáng chú ý nhất là PPA. Chi phí cao, vì là nguồn khí an toàn, được nhiều quốc gia sử dụng nên giá LNG cũng khá cao. Việt Nam không chủ động được nguồn cấp LNG do phải nhập khẩu 100% loại nhiên liệu này…
6 GIẢI PHÁP THÁO GỠ VƯỚNG MẮC
Nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu điện khí LNG trong Quy hoạch Điện 8, TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu Khí Việt Nam đề xuất 6 nhóm giải pháp quan trọng.
Thứ nhất: Mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG theo sát với mục tiêu cung cấp khí điện LNG trong Quy hoạch Điện 8. Đó là, xây dựng tập trung, đồng bộ các khu công nghiệp, nhà máy có quy mô tiêu thụ điện đủ lớn cùng với việc triển khai các dự án kho cảng và nhà máy điện khí LNG. Chính họ là các hộ tiêu thụ và là cơ sở quan trọng cam kết tiêu thụ điện và khi đó, các cam kết trong Hợp đồng mua bán điện sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.
“Đây cũng là chính sách giúp thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp, nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG. Thêm vào đó, chúng ta cần có thêm các chính sách kích cầu về điện, kích thích sản xuất và kích thích tiêu dùng song song với khuyến khích tiết kiệm điện”, ông Thập nói.
Thứ hai: Sớm sửa đổi các Bộ Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế và các Bộ Luật, Nghị định hướng dẫn liên quan.
Trước tiên và quan trọng nhất đó là cần phải chấp nhận chuỗi kinh doanh khí điện LNG hoạt động theo cơ chế thị trường và các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện việc giám sát và hậu kiểm mọi quá trình hoạt động của chuỗi.
Tiếp đó, cho phép các chủ thể các nhà máy điện khí được quyền đàm phán bán điện một cách cạnh tranh giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các hộ tiêu thụ điện. Đồng thời cho phép các nhà máy điện được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng tàng trữ và tái hóa khí của kho cảng LNG.
Thứ ba: Cập nhật và sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và EVN.
"Việc Chính phủ không còn trực tiếp đứng ra bảo lãnh các Hợp đồng mua bán khí và mua bán điện là một quyết sách đúng, tuy nhiên với khung pháp lý hiện tại PVN và EVN không đủ cơ sở để thực hiện bảo lãnh thay thế. Do đó, cần phải cập nhật và sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính của hai Tập đoàn đã và đang tham gia vào chuỗi các dự án điện khí LNG nói riêng và các chuỗi dự án lớn khác nói chung. Khi đó, nút thắt về bảo lãnh Chính phủ sẽ được tháo gỡ", ông Thập nhấn mạnh.
Thứ tư: Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước vẫn cần cam kết và đảm bảo về khối lượng chuyển đổi ngoại tệ/nội tệ và tỷ giá sẽ do thị trường quyết định. Nhà đầu tư sẽ hoàn toàn được thuyết phục nếu chúng ta chấp nhận cách tiếp cận này và nút thắt cũng sẽ được tháo gỡ.
Thứ năm: Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế giúp lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm lực về công nghệ, tài chính và kinh nghiệm triển khai. Đây sẽ là một trong các điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch Điện 8.
Thứ sáu: Thay đổi nhận thức và tư duy. Với một loại hình kinh doanh mới cần có cách tiếp cận mới, phù hợp và khả thi. Điện khí LNG không phải chỉ có nhà máy điện và kho cảng LNG, mà điện khí LNG cần được hấp thụ hay tiêu thụ bởi các hộ tiêu thụ điện công nghiệp. Do đó, giá điện khí LNG bắt buộc phải theo cơ chế thị trường vì trọng số trong cấu thành giá điện khí LNG chủ yếu là giá LNG nhập khẩu.