Phát triển điện khí là yêu cầu bắt buộc. Quy hoạch điện 8 đặt mục tiêu giảm dần điện than, phát triển điện khí, tăng cường năng lượng tái tạo.
Cụ thể, Quy hoạch điện 8 đưa ra mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Nghĩa là, đến năm 2030 sẽ phát triển 23.900 MW điện khí, tương đương tỷ trọng hơn 16% cơ cấu nguồn điện, tập trung chủ yếu ở miền Bắc để đảm bảo nguồn điện chạy nền cho khu vực này.
Như vậy theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 -18 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỉ m3 vào năm 2045.
Song tại diễn đàn “Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng” ngày 22/11, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng thách thức hiện nay đó là việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Trong khi Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu.
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh.
Trong những năm qua, giá LNG đã có nhiều biến động rất lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid và xung đột chiến sự giữa Nga và Ucraina. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của các thị trường nhạy cảm về giá như Việt Nam nếu Chính phủ không có các hỗ trợ hợp lý trong các điều kiện đặc thù.
Mặt khác, LNG có những đặc thù riêng của nó như mức độ các cam kết dài hạn, thị trường biến động và chịu nhiều ảnh hưởng của các sự kiện chính trị, xã hội… Thị trường năng lượng nói chung, LNG nói riêng trên toàn cầu hiện đang trong trạng thái bất ổn do các sự kiện địa chính trị.
Hơn nữa, các dự án điện khí LNG có công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư lớn nên đòi hỏi nhà đầu tư cần có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền chưa có đủ kinh nghiệm về lĩnh vực này nên có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án. Cơ chế giá điện sử dụng nhiên liệu LNG chưa có quy định đầy đủ.
Việc Chính phủ không cấp bảo lãnh nào và việc phát điện sẽ là cạnh tranh trên thị trường điện, nên quyết định đầu tư nhà máy điện độc lập đòi hỏi nhà đầu tư phải rất nỗ lực.
Về tiến độ triển khai thực hiện các dự án LNG, ông Bùi Quốc Hùng cho rằng thách thức lớn nhất là đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA). Việc đàm phán PPA phải thực hiện theo đúng quy định của Bộ Công Thương. Theo đó, chủ đầu tư sẽ phải đàm phán mua bán điện với EVN dựa trên chi phí đầu tư nhà máy, giá khí cho phát điện, lợi nhuận cho phép… (trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành). Hiện vẫn chưa có dự án điện khí LNG nào được khởi công xây dựng bởi chưa hoàn tất được các hợp đồng liên quan tới hoạt động của nhà máy, mà đáng chú ý nhất là PPA.
Đặc biệt, Việt Nam không chủ động được nguồn cấp LNG do phải nhập khẩu 100% loại nhiên liệu này. Trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi, giá LNG biến động thất thường và vì thường chiếm tỉ lệ từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất nên việc xây dựng cơ chế giá phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.
Thực tế, giá khí hoá lỏng LNG đã tăng rất mạnh thời gian qua, giá nhập khẩu cao là trở ngại trong tương lai khi ký các hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và EVN, do EVN phải mua điện giá cao và bán điện giá rẻ.
Vấn đề kho chứa cũng là thách thức lớn. Hiện nước ta mới chỉ có duy nhất 1 kho được xây dựng đưa vào vận hành tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, còn nhiều kho chứa LNG đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên toàn quốc.
Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong phát triển các chuỗi dự án điện - khí LNG, cũng như xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và tham gia vào thị trường LNG trên thế giới.
Hiện việc phát triển các dự án vẫn phải tuân thủ các quy trình đầu tư thông thường. Nhiệt điện LNG là một loại hình nguồn điện mới tại Việt Nam và chưa có dự án nào đã đi vào vận hành. Chính vì vậy, một trong các khó khăn chính đó là quá trình lựa chọn nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực để phát triển dự án thường bị kéo dài.
Phát triển các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lên tới hàng tỷ USD cho cả chuỗi khí - điện, vì vậy để các nhà đầu tư cần có các tổ chức tài chính chấp thuận thu xếp cho dự án cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý, cung cấp tài chính cho các dự án. Việc thu xếp vốn cho dự án gặp nhiều khó khăn do cần đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính về các điều kiện bảo lãnh, cam kết để dự án đầu tư có hiệu quả.
Mặt khác, giá phát điện LNG cao hơn so với các nguồn điện khác nên gặp khó khăn trong tham gia thị trường điện và đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Để tháo gỡ những vướng mắc này, thúc đẩy điện khí phát triển, ông Hùng cho rằng, Chính phủ cần sớm phê duyệt các Kế hoạch thực hiện các quy hoạch trên để làm cơ sở cho việc triển khai các dự án năng lượng.
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có các cơ chế đặc thù riêng cho phát triển điện khí LNG tại Việt Nam nhằm khắc phục những hạn chế khó khăn để đáp ứng tiến độ đặt ra cho các dự án điện khí LNG.
Cùng với đó, các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia cũng cần sớm ban hành để có cơ sở áp dụng, thực hiện. Cần có các tiêu chuẩn và chứng chỉ để đảm bảo rằng thiết bị được sản xuất hoặc mua sắm từ nước ngoài phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành.
“Cần phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện. Thực hiện đầu tư phát triển điện lực cân đối giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng, miền. Tăng cường việc liên kết lưới điện với các nước trong khu vực nhằm hỗ trợ phát triển năng lượng trong nước có hiệu quả”, ông Hùng nhấn mạnh.