Ngày 21/2, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc hai Bộ và đại diện Bộ Tài chính họp về phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tại đây, Thứ trưởng Trần Thanh Nam và đại diện các đơn vị chuyên môn, các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ những trăn trở về thực trạng thiếu hụt nhân lực của ngành, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị.
Hiện nay, lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp chiếm khoảng 30% lực lượng lao động cả nước, nhưng sinh viên đăng ký học ngành nông nghiệp chiếm chưa đến 2% tổng sinh viên nhập học hàng năm.
Kết quả thống kê từ các trường của Bộ chỉ ra, giai đoạn 2016-2020, học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm trên 30% so với giai đoạn 2011-2015. Trong những năm gần đây, một số ngành nông nghiệp truyền thống có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký học.
Lực lượng lao động suy giảm nhanh và trình độ đào tạo thấp ảnh hưởng tới giải quyết các thách thức toàn cầu về lương thực và môi trường; khiến sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp thấp; thu nhập và điều kiện sống nhiều nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm được cải thiện; khả năng thích ứng với biến động của thị trường và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường còn nhiều hạn chế.
Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mong muốn xây dựng đề án tạo cơ chế, chính sách đặc thù cho sinh viên đăng ký học các ngành này, như miễn giảm học phí, cấp sinh hoạt phí... Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có những trao đổi về danh mục các ngành đào tạo đại học để thực hiện, cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng và cùng một số nội dung khác.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh sự chú trọng nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc; đồng thời cho biết: “Chúng tôi tham mưu với Bộ trưởng cần xây dựng Nghị quyết liên quan đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp và phát triển nông thôn”.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, Bộ Bộ Giáo dục Đào tạo quan tâm và coi trọng nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – ngành trọng yếu của nền kinh tế đất nước.
Ủng hộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng đề án riêng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút sinh viên ở lĩnh vực này, Thứ trưởng lưu ý hướng tiếp cận tổng thể và hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để tránh trùng lặp với các đề án khác. Đề án cần xác định rõ mục tiêu, phạm vi và có trọng tâm, trọng điểm, chiến lược phát triển tập trung vào một số ngành để tạo “đòn bẩy”. Đặc biệt, đề án phải phân tích kỹ bối cảnh thực trạng, nguyên nhân, xác định rõ nhu cầu, đưa ra dự báo bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chiến lược tổng thể đến năm 2030.
Chia sẻ với những khó khăn mà các trường đại học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phải đối diện, trong đó có có kết quả tuyển sinh thấp ở một số ngành, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đặt vấn đề, cần xác định nguồn nhân lực của những ngành này thiếu bao nhiêu, thiếu ở đâu, thiếu như thế nào để đưa ra phương án khả thi, tháo gỡ khó khăn. Tình trạng việc làm của sinh viên sau khi ra trường cần có đánh giá bài bản. Nếu sinh viên có việc làm, thu nhập tốt mà vẫn không tuyển sinh được thì cần đánh giá trúng nguyên nhân, như vấn đề chất lượng đào tạo, công tác truyền thông, tuyên truyền, gắn kết nhà trường - doanh nghiệp - xã hội hay vấn đề học phí để đưa ra giải pháp tổng thể, thấu đáo.
Thứ trưởng cũng đề cập đến công tác rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động, định hướng quản lý, quy hoạch, đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, cùng bàn về các giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không chỉ thể hiện sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mà chính là trách nhiệm của Bộ Giáo dục Đào tạo. Đây là định hướng lớn của hai Bộ trong thời gian tới. Quan trọng là thẳng thắn nhìn nhận tính khả thi, hiệu quả của từng giải pháp và làm rõ với xã hội, với cấp có thẩm quyền để làm tròn trách nhiệm của ngành.