Tín dụng đen được xem là một trong những vấn nạn nhức nhối trong xã hội trong những năm gần đây bởi đã khiến nhiều cá nhân hay gia đình phải chịu cảnh tan cửa nát nhà hay thậm chí phải trả giá bằng cả tính mạng.
Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 đã đẩy đời sống nhiều người lao động, nông dân hay công nhân ở các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Do đó, họ dễ dàng rơi vào vòng luẩn quẩn như vay nặng lãi hay tín dụng đen.
Vậy làm thế nào để có thể ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen? Đây là một câu hỏi lớn và đầy thách thức, cần sự nỗ lực của nhiều bên cơ quan chức năng.
Mới đây, một số ngân hàng đã chính thức triển khai phát hành thẻ tín dụng nội địa trên phạm vi cả nước, đặc biệt là hướng vào nhóm khách hàng yếu thế, công nhân ở các khu công nghiệp. Theo số liệu từ Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2022, có 12 tổ chức tín dụng đang phát hành thẻ tín dụng nội địa, bao gồm: Vietinbank, Agribank, BaoVietbank, Sacombank, Nam A Bank, ACB, HDBank, Viet Capital Bank, OCB và các công ty tài chính: VietCredit, FCCOM…
Hành động này được xem như bước đi chủ lực, góp phần thực hiện thành công chiến lược tiếp cận tài chính toàn diện để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Bởi vậy việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của toàn ngành ngân hàng. Trong đó các đơn vị phát hành thẻ là các ngân hàng, công ty tài chính cùng với vai trò của đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán quốc gia là Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) có vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, có một thực tế, số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành trên thị trường Việt Nam mới chỉ đạt gần 600 nghìn thẻ, tương đương 7% so với thẻ tín dụng quốc tế.
Như vậy, “cánh tay nối dài” của chiến lược tiếp cận tài chính toàn diện vẫn còn quá thấp so với thẻ tín dụng quốc tế. Và đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Để giải đáp câu hỏi rất nóng này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã mời các chuyên gia và đại diện đến từ Ngân hàng Nhà nước, Napas và một số tổ chức phát hành thẻ thực hiện Đối thoại chuyên đề: "Phát triển thẻ tín dụng nội địa: Con đường tiếp cận tài chính toàn diện".
Các vấn đề chính sẽ được thảo luận gồm:
- Vì sao số lượng thẻ tín dụng nội địa chiếm tỷ lệ quá thấp so với tổng lượng thẻ toàn thị trường?
- Thẻ tín dụng nội địa có ý nghĩa như thế nào trong việc nâng cao tiếp cận tài chính toàn diện cho người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế, qua đó góp phần đẩy lùi tín dụng đen?
- Những tiêu chí chấm điểm tín dụng cá nhân khi phát hành thẻ tín dụng nội địa là gì?
- Lợi thế so sánh chi phí giữa thẻ tín dụng nội địa và thẻ tín dụng quốc tế đối với tổ chức phát hành và người dùng là gì?
- Khi người dùng gặp rủi ro trong quá trình sử dụng thẻ thì phải làm gì?
- Định hướng và kế hoạch hành động của các tổ chức phát hành thẻ và Napas trong việc đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa thời gian tới cụ thể như thế nào?
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ làm gì để cùng phối hợp nhịp nhàng với hệ thống ngân hàng đẩy mạnh phát hành thẻ nội địa?
Khách mời của đối thoại bao gồm:
- Ông Phạm Trường Giang, Phó Trưởng Phòng phụ trách phòng phát triển Thanh toán (Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước);
- Ông Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas);
- Bà Phan Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank);
- Ông Đỗ Vân Vũ, Phó Giám đốc Trung tâm Thẻ Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank);
- Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc quốc gia Công ty Công nghệ tài chính tích hợp trí tuệ nhân tạo Israel – Paretix tại Việt Nam và Campuchia;
- Ông Hồ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Cổ Phần Tín Việt (VietCredit) (Zoom);
- Nhà báo Hoàng Thu, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy sẽ điều hành Đối thoại.
Nội dung Đối thoại chuyên đề sẽ được phát trực tuyến vào lúc 9h00, thứ Tư, ngày 31/8/2022, trên VnEconomy.vn và Fanpage VnEconomy.
Trân trọng kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi!