Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1188/QĐ-TTg ngày 15/10/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau.
Theo đó, mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau và khu vực.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư dự án. Vốn đầu tư của dự án khoảng 2.400 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn chủ sở hữu của ACV.
Về quy mô dự án gồm xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400mx45m, đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; xây dựng đường lăn nối đường cất hạ cánh với sân đỗ máy bay kích thước 128mx15m, lề vật liệu mỗi bên 5m và 5 đường lăn chờ; xây dựng sân đỗ máy bay ở khu vực phía Nam kích thước 182mx112,5m, lề vật liệu rộng 5m, đáp ứng khai thác 3 vị trí đỗ A320, A321 và tương đương.
Đồng thời, sẽ cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu đạt công suất 500.000 hành khách/năm (có thể mở rộng đảm bảo khai thác 1 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu). Diện tích xây dựng nhà ga hành khách khoảng 2.668m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 4.200m2, 2 tầng, chiều cao công trình khoảng 9,5m.
Bên cạnh đó, dự án sẽ xây dựng một số hạng mục công trình phụ trợ đồng bộ khác như đường giao thông kết nối sân đỗ máy bay mới về khu nhà ga hành khách, nhà xe ngoại trường, trạm khẩn nguy cứu hỏa, hệ thống hàng rào an ninh, đường vành đai đồng bộ.
Theo quyết định được phê duyệt, Phó Thủ tướng giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau thực hiện giao đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch cảng hàng không, sân bay đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để triển khai dự án theo quy định của pháp luật về đất đai.
Cùng với đó, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án của ACV theo đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, bao gồm: kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của ACV theo tiến độ thực hiện dự án.
Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo ACV thực hiện quy trình thủ tục đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, bảo đảm việc triển khai thực hiện Dự án tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính và chỉ đạo các đơn vị liên quan và hướng dẫn ACV thực hiện ưu đãi về thuế và các chính sách liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành; phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp và hướng dẫn ACV trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bảo đảm phương thức bay an toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư.
Đối với ACV có trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, tính chính xác, trung thực của các thông tin, số liệu báo cáo, nội dung đề xuất tại hồ sơ dự án và các văn bản báo cáo gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, hiệu quả tài chính của dự án theo quy định của pháp luật
Sân bay Cà Mau hiện là sân bay quy mô cấp 3C, đường cất hạ cánh dài 1.500 m, rộng 30 m, đáp ứng khai thác loại tàu bay thương mại loại nhỏ như ATR72 (tối đa 90 khách), Embraer E190 (124 khách) và tương đương. Nhà ga có công suất 200.000 khách mỗi năm.
Nhiều năm qua, sân bay khai thác một đường bay Cà Mau – TP.HCM bằng máy bay ATR72 và ngược lại, mỗi ngày một chuyến. Giữa năm 2023, Bamboo Airways khai thác chặng Hà Nội - Cà Mau bằng máy bay Embraer song đã tạm dừng.
Theo quy hoạch tổng thể ngành hàng không, cảng Cà Mau đến năm 2030 là sân bay cấp 4C (tiếp nhận các máy bay tầm trung), công suất một triệu khách mỗi năm; đến năm 2050 là sân bay cấp 4C, công suất 3 triệu khách mỗi năm.