Hiệp hội nhựa Việt Nam cho biết trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đã được quy định tại một số văn bản pháp lý quan trọng, như: Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ban hành ngày 17/11/2020 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2022; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
NỖI LO ĐỊNH MỨC CHI PHÍ TÁI CHẾ
Theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu đưa vào thị trường Việt Nam có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý (trách nhiệm này được thực hiện từ 10/01/2022) và trách nhiệm tái chế đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế.
Phí EPR sẽ thực hiện từ ngày 1/1/2024 đối với các sản phẩm gồm pin-ắc quy, săm lốp, dầu nhớt và bao bì; từ ngày 1/1/2025 đối với các sản phẩm điện, điện tử; từ ngày 1/1/2027 đối với phương tiện giao thông.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam, cho biết ngành nhựa chia thành 4 nhóm ngành chính: nhựa bao bì, nhựa gia dụng, nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật.
Song, chỉ có nhóm nhựa bao bì (gồm bao bì trực tiếp và bao bì ngoài của sản phẩm, hàng hóa) là chịu ảnh hưởng của phí EPR. Vì bao bì là sản phẩm được sử dụng hàng ngày nhiều (bao bì thực phẩm; mỹ phẩm; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chất tẩy rửa, chế phẩm dùng trong lĩnh vực gia dụng, nông nghiệp, y tế; xi măng) nên lượng thải ra môi trường lớn, trong khi chúng ta chưa có giải pháp thu gom, tái chế.
Quy định EPR chia theo ba nhóm chủng loại nguyên liệu để tính mức thu hồi tái chế: nguyên liệu PET – các sản phẩm dễ thu gom, tái chế, mức thu hồi là 22%; bao bì HDPE, LDPE, PP, PS cứng, tỷ lệ thu gom tối thiểu 15%; bao bì PVC, tỷ lệ thu gom 10%.
Có ba nhóm nhựa bao bì được loại trừ không phải tính EPR là nhà sản xuất các sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm; nhà sản xuất bao bì có doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng; nhà nhập khẩu bao bì có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.
Quy định cũng đưa ra hình thức thực hiện trách nhiệm tái chế: có thể doanh nghiệp tự thực hiện tái chế, thuê đơn vị tái chế hay ủy quyền cho tổ chức trung gian tái chế hoặc kết hợp các cách thức trên để tái chế.
Theo quy định này, định mức chi phí tái chế là vấn đề khiến các doanh nghiệp ngành nhựa rất lo lắng. Định mức chi phí tái chế (Fs) sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành vào cuối năm 2023 để các nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì có thể thực hiện trách nhiệm của mình từ năm 2024.
Việc xác định Fs sẽ quyết định đến việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu. Đây là một trong những yếu tố để xác định mức đóng góp của nhà sản xuất vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.
Bà Mỹ cho biết hiện tại mức phí này là bao nhiêu vẫn đang được các bên tính toán sao cho hợp lý; tuy nhiên, mức phí này đang được dự kiến khá cao, đây là nỗi lo lắng cực lớn của doanh nghiệp sản xuất nhựa.
Hơn nữa, số tiền phí này đòi hỏi doanh nghiệp phải đóng trước 50% cho Nhà nước dựa trên mức doanh thu năm trước đó. “Hiệp hội đang có ý kiến để mức phí thấp nhất có thể. Nếu phí cao quá, doanh nghiệp sẽ tính vào giá thành sản phẩm, người tiêu dùng sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng của mức phí này”, bà Mỹ cho hay.
Lấy ví dụ cụ thể, bà Mỹ đặt bài toán, nếu một tháng doanh nghiệp bán ra thị trường nội địa 100 tấn sản phẩm PP (dựa trên hóa đơn chứng từ của doanh nghiệp), đồng nghĩa tháng đó doanh nghiệp có nghĩa vụ thu hồi lại 15% tức là 15 tấn phải tái chế. Nếu không, doanh nghiệp sẽ phải thuê công ty tái chế, phải trả tiền cho công ty tái chế hoặc trả cho việc bảo vệ môi trường được Hội đồng EPR quản lý.
Tính sơ, nếu một doanh nghiệp có doanh thu 200 tỷ đồng/năm trước đó, thì theo mức phí Fs hiện nay (mức Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo) doanh nghiệp phải đóng khoảng 4 tỷ đồng.
“Trong khi doanh nghiệp chưa làm gì mà đã phải đóng trước 50% phí này cho Nhà nước sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu thiệt hại nặng nề sau đại dịch như hiện nay. Do đó, cho phép doanh nghiệp cuối năm hoặc đầu năm sau quyết toán và đóng phí, chứ không thể chưa làm gì đã đóng phí, khiến dòng tiền vay của doanh nghiệp đã khó lại càng khó hơn”, bà Mỹ kiến nghị.
NGHIÊN CỨU KỸ EPR ĐỂ ĐỊNH HƯỚNG SẢN XUẤT
Các ý kiến chuyên gia đều nhận định, công cụ EPR được coi là thành công không phải là Quỹ Bảo vệ môi trường nhận được nhiều đóng góp, mà là khi không còn doanh nghiệp nào đóng phí EPR vào Quỹ nữa.
Tuy nhiên, để đạt được điều này không hề đơn giản, bởi trong gần 4.000 doanh nghiệp nhựa trên cả nước thì có tới 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm. Doanh nghiệp có doanh thu trên 200 tỷ đồng/năm chỉ chiếm 8%, trên 1.000 tỷ đồng chỉ chiếm 1,2%.
Vì vậy, nhiều chuyên gia đề nghị Việt Nam nên đi từng bước, trước hết cần xây dựng khung chính sách. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra quy trình xử lý chất thải nguy hại có trong sản phẩm thải bỏ, để từ đó có căn cứ tính giá thành tái chế, xử lý; tăng cường cơ sở hạ tầng về thu gom rác thải và tái chế; tạo ra cơ chế chính sách với những quy định thuận lợi cho tái chế, thu gom; đồng thời, cần có chính sách thu hút đầu tư cho tái chế…
Với khu vực doanh nghiệp, Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), khuyến nghị các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cần tìm hiểu kỹ quy định EPR hiện hành để xác định những sản phẩm, bao bì thuộc diện phải thu gom, tái chế theo tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế bắt buộc để thực hiện trách nhiệm của mình theo đúng pháp luật...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2023 phát hành ngày 03-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam