June 05, 2023 | 08:03 GMT+7

Ngành F&B trong cuộc chiến chống rác thải nhựa

Băng Hảo -

Đồ ăn và thức uống là loại hàng hóa đặc biệt, bởi chúng ảnh hưởng trực tiếp tới vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe con người. Do đó, tuy chậm chạp, song ngành F&B cũng đã có những bước đi đầu tiên trong cuộc chiến chống bao bì nhựa dùng một lần...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày nay, việc tăng độ nhận diện thương hiệu từ bao bì đựng sản phẩm là một trong những chiến lược marketing của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng túi nilon hay nhựa trong bao bì đựng đồ ăn và thức uống (F&B) không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường. Cà phê, bánh mì, thực phẩm được chế biến nóng… khi đựng trong túi nilon hay cốc nhựa sẽ làm biến chất, các chất độc hại có trong bao bì sẽ làm ảnh hưởng tới thực phẩm. Từ đó sẽ tạo nên các mầm bệnh gây nguy hại cho cơ thể.

NHIỀU SÁNG KIẾN PHỤC VỤ NHU CẦU TAKE-AWAY

Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu đồ nhựa dùng một lần cho thực phẩm, đồ uống càng tăng cao cùng với sự phát triển của dịch vụ đặt đồ ăn trực tuyến hoặc bán đồ ăn, đồ uống mang đi (take-away). Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 78 triệu tấn bao bì nhựa được sản xuất trên toàn thế giới nhưng chỉ có tỷ lệ rất thấp được tái chế sau khi sử dụng, còn lại sẽ kết thúc vòng đời tại các bãi chôn lấp, trôi nổi ra đại dương hoặc đưa vào các lò đốt.

Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos gần đây khảo sát 20.000 người từ 28 quốc gia với câu hỏi liệu có nên cấm đồ nhựa dùng một lần. Kết quả cho thấy 3/4 người được hỏi ủng hộ và muốn quy định này “áp dụng càng sớm càng tốt”. Một số chính phủ đã đạt được bước tiến nhất định. Gần đây nhất và toàn diện nhất, Chính phủ Anh công bố luật mới hồi tháng 1, dự kiến có hiệu lực vào tháng 10 tới, cấm các nhà bán lẻ và nhà cung cấp thực phẩm trong toàn ngành nhà hàng - dịch vụ - du lịch sử dụng các vật dụng như dao kéo nhựa và hộp nhựa mang đi, thậm chí là cả khăn ướt.

Trước đó, lệnh cấm đồ nhựa sử dụng một lần từ tháng 7/2022 của Ấn Độ, dù được triển khai chắp vá ở các bang khác nhau, nhưng đã tạo ra một phong trào các giải pháp bao bì thay thế. Ngày càng nhiều nhà hàng và quán ăn đã từ bỏ sử dụng loại ly mang đi bằng cách tặng cho khách hàng ly nước riêng mà họ có thể mang theo cho lần mua kế tiếp.

Một startup sản xuất các đồ đựng tái sử dụng là Recube tại Mumbai thì cung cấp loại ly tái sử dụng, được làm từ phế phẩm cây trồng như trấu và sợi tre cho hơn 500 cửa hàng F&B ở Ấn Độ. Khách hàng của Recube gồm cả các chuỗi nhà hàng quốc tế như Baskin Robbins, Taco Bell, Cold Stone Creamery...

Tuy chậm chạp, song ngành F&B cũng đã có những bước đi đầu tiên trong cuộc chiến chống bao bì nhựa dùng một lần.
Tuy chậm chạp, song ngành F&B cũng đã có những bước đi đầu tiên trong cuộc chiến chống bao bì nhựa dùng một lần.

Xu hướng này cũng lan tới các công ty giao nhận thực phẩm. Go Box và DeliverZero có trụ sở tại Mỹ đang sử dụng các hộp đựng thực phẩm có thể tái sử dụng để giao đồ ăn. Sau khi sử dụng, khách hàng có thể ký gửi hộp nhựa của mình tại một địa điểm được chỉ định để Go Box thu gom và rửa để sử dụng lần tới. Công ty DeliverZero có trụ sở tại NewYork giao thực phẩm trong các hộp nhựa có thể tái sử dụng và khách hàng chỉ cần trả lại cho người chuyển phát nhanh trong đơn hàng tiếp theo của họ.

Mới đây nhất, công ty khởi nghiệp Good-Edi (Australia) đã sản xuất những chiếc cốc cà phê có thể ăn được làm từ hỗn hợp lúa mạch đen, cám lúa mì, cám yến mạch, đường, muối, dầu dừa và nước. Sản phẩn này được kỳ vọng sẽ thay thế cho những chiếc cốc giấy lót bằng nhựa polyetylen tiêu chuẩn được sử dụng một lần cho cà phê. Công ty hiện sản xuất khoảng 500 cốc mỗi ngày cho khách hàng trên khắp nước Úc, bao gồm các cửa hàng cà phê, quán cà phê rang xay và địa điểm tổ chức hòa nhạc. Họ cho biết chiếc cốc vẫn giữ được độ cứng khi sử dụng cho cà phê nóng trong khoảng 40 phút và không rò rỉ đồ uống lạnh trong khoảng 8 giờ.

Good-Edi đặt mục tiêu tăng sản lượng và mở rộng doanh số bán hàng quốc tế trong năm nay, nhưng họ không phải là startup duy nhất sản xuất cốc đựng nước ăn được. Một startup ở Latvia đang cung cấp cốc ăn được với nhiều hương vị khác, thìa làm từ sợi yến mạch và vỏ ca cao và ống hút làm từ mì ống. Trong khi đó, Cupffee - một startup của Bungari, đã sản xuất cốc đựng cà phê hoặc trà ăn từ năm 2018...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 23-2023 phát hành ngày 05-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Ngành F&B trong cuộc chiến chống rác thải nhựa - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate